Chiều 8/1, sau khi bản cáo trạng dài 44 trang được VKSND Hà Nội công bố, HĐXX chuyển qua phần xét hỏi. Bị cáo Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh được cảnh sát hỗ trợ tư pháp dẫn giải về phòng cách ly.
Người đầu tiên được HĐXX thẩm vấn là bị cáo Vũ Đức Thuận, nguyên Tổng giám đốc PVC.
'Bị cáo nghĩ cứ ký vào trước để tạo công ăn việc làm cho PVC'
Theo cơ quan tố tụng, cuối năm 2007, ông Thăng đưa Trịnh Xuân Thanh từ Tổng công ty Sông Hồng về làm Tổng giám đốc, sau thành Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc PVC, để thực hiện mục tiêu xây dựng Tổng công ty này trở thành đơn vị xây lắp chuyên ngành dầu khí hàng đầu Việt Nam.
Gần 2 năm sau, ông Thăng tiếp tục đưa Vũ Đức Thuận từ Tổng công ty Sông Đà về làm Phó tổng giám đốc, sau là Ủy viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc PVC.
Quá trình thực hiện Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, Thuận là người ký Hợp đồng EPC số 33 trái quy định để PVC được nhận tạm ứng hơn 6,6 triệu USD và hơn 1.300 tỷ đồng trái quy định và tham gia việc quyết định sử dụng hơn 1.100 tỷ đồng trong số tiền tạm ứng này sai mục đích, không đưa vào dự án, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 119 tỷ đồng.
Lý giải về hành vi ký hợp đồng số 33 khi chưa đầy đủ điều kiện, bị cáo Thuận cho rằng ký hợp đồng trên nhằm mục đích tạo công ăn việc làm cho PVC. “Lúc đó PVC cũng khó khăn về tài chính, ký để có tiền trả nợ ngân hàng và đầu tư một số khoản khác”, bị cáo Thuận nói đồng thời cho biết hợp đồng số 33 này có 18 trang và 14 điều, chưa có hồ sơ đề xuất duyệt…
Việc thiếu điều kiện như vậy không đúng với bên tổng thầu song ông Thuận khai: “Lúc đó bị cáo nghĩ cứ ký vào trước để tạo công ăn việc làm cho PVC, còn lại hoàn thiện hồ sơ sau”.
Bị cáo Đinh La Thăng (người cầm tập hồ sơ) trong phiên xử sáng 8/1. Ảnh: P.D. |
Khi được hỏi về kinh nghiệm sản xuất kinh doanh, bị cáo này khai thời điểm đó PVC chưa thực hiện dự án tương tự bao giờ.
"Theo bị cáo về mặt năng lực chuyên môn, kinh nghiệm sản xuất thì PVC có kinh nghiệm không". Trả lời câu hỏi trên, Thuận đáp: “Kinh nghiệm thì chưa”.
Liên quan tới việc sử dụng tiền tạm ứng, bị cáo Thuận tiếp lời lúc đó PVC rất khó khăn về tài chính, trả lãi ngân hàng, giải quyết một số khó khăn về vốn, đầu tư vào một số dự án khác. PVC có trực tiếp đầu tư vào dự án khoảng 200 tỷ chuyển cho các đơn vị thi công, còn lại hơn 6 triệu USD chuyển cho nhà thầu.
"Theo nhận thức của cá nhân bị cáo lúc đó phải trả lãi ngân hàng vì đến thời hạn phải trả rồi. Việc góp vốn vào các đơn vị khác có được sự chỉ đạo trực tiếp của Trịnh Xuân Thanh”, Thuận nói.
Mô phỏng phiên tòa không vành móng ngựa xét xử ông Thăng và 21 bị cáo. Đồ họa: Phượng Nguyễn. |
Không được biết và thảo luận tại sao lại đồng ý ký?
Bị cáo Nguyễn Ngọc Quý, nguyên Phó chủ tịch HĐQT PVC, là người thứ 2 đứng trước bục khai báo trả lời câu hỏi của thẩm phán.
Theo cáo trạng, ông Quý đã thống nhất cùng Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đức Thuận ký hợp đồng EPC trái quy định để nhận tiền tạm ứng và tham gia quyết định sử dụng trái mục đích hơn 1.100 tỷ đồng. Bị cáo này khai trước tòa rằng việc ký hợp đồng EPC số 33 căn cứ chủ trương của Tập đoàn Dầu khí chỉ định thầu cho PVC, tờ trình của Tổng giám đốc, ý kiến của Hội đồng quản trị. Tuy nhiên, trong các cuộc họp của Hội đồng quản trị về hợp đồng 33, bị cáo không được tham gia.
"Không được biết, không được thảo luận tại sao bị cáo lại đồng ý?”, chủ toạ đặt câu hỏi. Bị cáo Quý khai rằng căn cứ tờ trình của Tổng giám đốc, ý kiến các ban chuyên môn, ý kiến Hội đồng quản trị và hồ sơ nên bị cáo đồng ý.
Về việc sử dụng tiền sai mục đích, nguyên Phó chủ tịch HĐQT PVC nói sau khi làm việc với cơ quan điều tra, ông nhận thức được sự việc.
Bị cáo có tham gia ký phiếu lấy ý kiến tạm ứng tiền không? Ông Quý đáp không.
Ngay sau đó, thẩm phấn Trương Việt Toàn nói: “Có cần nhắc lại lời khai của bị cáo tại cơ quan điều tra không. Cái gì bị cáo không nhớ thì bảo không nhớ để HĐXX nhắc lại”. Một lần nữa, bị cáo Nguyễn Ngọc Quý khẳng định mình không đồng ý với việc lấy ý kiến chi hơn 1.100 tỷ tiền tạm ứng sai mục đích như cáo trạng quy kết. Ông Quý cũng cho biết Hội đồng quản trị PVC không có văn bản nào chỉ đạo sử dụng tiền sai mục đích.
Bị cáo Vũ Đức Thuận (áo xám, cổ viền đỏ) tại phiên tòa sáng 8/1. Ảnh: P.D. |
Làm việc với cơ quan điều tra mới biết sai
HĐXX mời nguyên Tổng giám đốc PVC Vũ Đức Thuận lên đối chất. Bị cáo Thuận khai ngoài HĐTV thì Kế toán trưởng và Phó tổng giám đốc phụ trách tài chính biết nguồn tiền tạm ứng. Tại các cuộc giao ban hàng tuần, Kế toán trưởng và Phó tổng giám đốc đều đề xuất phương án sử dụng tài chính. Tuy nhiên, ông Quý vẫn khẳng định sau khi nghỉ hưu, làm việc với cơ quan điều tra, ông này mới biết việc chi tiền tạm ứng là sai.
Đứng trước bục khai báo, bị cáo Phạm Tiến Đạt (nguyên Kế toán trưởng PVC) cũng thừa nhận việc chi hơn 1.100 tỷ tiền tạm ứng vào mục đích khác là sai. Nguyên Kế toán trưởng PVC nói khi tiền tạm ứng cho gói thầu EPC nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 chuyển về thì hầu hết ngân hàng thu nợ trên tài khoản.
Đối với khoản góp vốn theo phương án tăng vốn được phê duyệt liên quan khoản đầu tư tài chính, bị cáo nay khai thực hiện theo nghị quyết Tổng công ty. Cụ thể PVC trả nợ ngân hàng hơn 760 tỷ, đầu tư khoảng 250 tỷ và chi hơn 100 tỷ hỗ trợ vốn lưu động cho các công trình. “Bị cáo làm về tài chính nên nghĩ thu xếp tiền nhàn rỗi cho nhu cầu trước mắt. Nhận thức rất đơn giản là vay tiền rồi trả lại. Sau này làm việc với cơ quan điều tra mới biết là sai", Đạt nói.
Bị cáo Đinh La Thăng được bố trí ở một phòng riêng. Ảnh: Tiến Tuấn. |
Người đang mang án tử nói gì trong phiên xử Đinh La Thăng?
Trả lời HĐXX bị cáo Nguyễn Xuân Sơn (người bị tuyên án tử hình ở phiên sơ thẩm trong đại án Oceanbank), nguyên Phó tổng giám đốc PVN, cho biết ông Đinh La Thăng là người chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện gói thầu EPC.
Theo ông Sơn, cuộc giao ban ngày 1/6, có nội dung Chủ tịch HĐQT tạm ứng cho nhà thầu 10% hợp đồng. Nguyễn Xuân Sơn khai ông nhận nhiệm vụ Phó tổng giám đốc PVN từ 2011. Quá trình ký kết chuyển giao, bị cáo này không được tham dự, chỉ đạo, lập dự án cũng như chuyển đổi hợp đồng.
Sơn khai công trình nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 thực hiện theo cơ chế đặc thù, cần đẩy nhanh tiến độ, cần phải tạm ứng cho nhà thầu đủ số tiền tạm ứng. Việc chỉ đạo chuyển tiền cho tổng thầu PVC căn cứ trách nhiệm vụ của ban quản lý đã được tập đoàn phân công theo quy chế.
Nguyễn Xuân Sơn khai trước đây không biết hợp đồng EPC không đủ điều kiện vì đây là dự án lớn được nhiều cơ quan, ban ngành khảo sát, thiết kế. Do không kiểm tra các yếu tố cấu thành hợp đồng nên ông Sơn chỉ biết hợp đồng vi phạm vì không có 7 tài liệu liên quan.
Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn: "Nếu bị cáo nhận thấy hợp đồng có vấn đề thì chắc chắn không thực hiện”. |
Việc cấp tiền tạm ứng, bị cáo Sơn nghĩ điều này đúng quy trình vì cấp dưới đã làm thủ tục chuyển về HĐTV theo hợp đồng pháp lý. Nguyên Phó tổng giám đốc PVN ký duyệt tạm ứng cũng vì tiến độ dự án và việc chuyển tiền chỉ trong tập đoàn.
Khi chủ tọa đề cập đến vai trò của bị cáo Đinh La Thăng trong việc này, ông Sơn trả lời vòng vo. “Bị cáo khai đây là mệnh lệnh bị cáo phải thực hiện, tức bị cáo nhận thức được mệnh lệnh này có vấn đề”. Nguyễn Xuân Sơn khẳng định “nếu bị cáo nhận thấy hợp đồng có vấn đề thì chắc chắn không thực hiện”.
Phiên xét xử sơ thẩm Đinh La Thăng và 21 đồng phạm trong vụ án xảy ra tại Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) dự kiến diễn ra từ 8-21/1/2018. Ông Thăng và 11 người khác bị VKSND Tối cao truy tố về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, theo Điều 165, khoản 3 - Bộ luật hình sự năm 1999.
Có 8 bị cáo khác bị truy tố về tội Tham ô tài sản, quy định tại Điều 278, khoản 4. Riêng Trịnh Xuân Thanh (nguyên Chủ tịch HĐQT PVC) và Vũ Đức Thuận (nguyên Tổng giám đốc PVC) bị truy tố về cả 2 tội trên.