Hàn Quốc và Triều Tiên đang có sự hợp tác chặt chẽ trong việc phát triển thể thao. Sau những dấu mốc của đội tuyển thống nhất 2 miền tại Olympic mùa đông Pyeongchang và ASIAD 2018, họ đang tiếp tục có những cuộc họp để cử các đội chung tham dự Olympic Tokyo 2020.
Đây chính là thành quả nỗ lực trong cuộc họp hội nghị giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Những thành tựu thể thao Triều Tiên có được gần đây ghi đậm dấu ấn của nhà lãnh đạo Kim Jong Un.
Đoàn thể thao 2 nước cùng nhau bước đi tại lễ khai mạc Olympic mùa đông Pyeongchang. Ảnh: IOC. |
Nhà lãnh đạo Kim Jong Un đặt lại nền móng cho thể thao nước nhà
Ngày 25/3/2015, Triều Tiên đã tổ chức Đại hội Thể thao Nhân dân toàn quốc lần thứ 7 tại Bình Nhưỡng. Thể thao Triều Tiên mở ra thời kỳ phát triển thịnh vượng nhất dưới sự chỉ huy của nhà lãnh đạo Kim Jong Un.
Phó chủ tịch Ủy ban chỉ đạo thể thao quốc gia kiêm Bộ trưởng Trung ương Đảng Lao Động Triều Tiên, Li Il Huan đã có bài phát biểu đề cao sức mạnh thể thao. Ông nói: "Việc thực hiện phổ biến thể thao, các vận động viên đã giành chức vô địch thế giới trong các cuộc thi quốc tế, nâng cao phẩm giá và uy tín của CHDCND Triều Tiên. Đây là sức mạnh thể thao".
Yonhap nói rằng đây là lần đầu tiên Triều Tiên tổ chức Đại hội Thể thao Nhân dân toàn quốc sau khi nhà lãnh đạo Kim Jong Un nhậm chức. Vào ngày 4/11/1969, nhà lãnh đạo khi đó là Kim Il Sung (Kim Nhật Thành) đã có một bài phát biểu với tựa đề "Phát triển thể thao thành phong trào quốc gia, tăng cường lao động và tăng cường quốc phòng", Triều Tiên bắt đầu tổ chức Đại hội thể thao. Trong 45 năm, họ đã tổ chức được 6 kỳ Đại hội.
Sau khi Kim Jong Un lên nắm quyền, vào tháng 3/2011, Triều Tiên đã tổ chức một phiên họp của các nhà hoạt động thể thao quân đội đầu tiên. Hãng thông tấn Yonhap chỉ ra rằng ông Kim Jong Un rất thích thể thao, đã nhiều lần nhấn mạnh sự cần thiết phải xây dựng nền thể thao hùng mạnh, đích thân theo dõi việc đào tạo vận động viên và nhiều lần kiểm tra các tổ chức liên quan đến thể thao.
Ông Kim Jong Un đến thăm các cầu thủ bóng đá Triều Tiên. Ảnh: CFP. |
Dấu ấn trên đấu trường quốc tế
Nhận được sự quan tâm và đầu tư của nhà nước, các đội tuyển thể thao Triều Tiên gặt hái được nhiều huy chương tại các kỳ đại hội thể thao châu lục và thế giới. Tại Olympic London 2012, đoàn Triều Tiên tham dự với 51 thành viên ở 10 môn thể thao đã đem về 4 tấm HCV và 2 HCĐ. Trong số này, có tới 4 tấm huy chương đến từ môn cử tạ, 1 HCV Judo và 1 HCĐ môn vật.
Bốn năm sau tại Rio 2016, thể thao Triều Tiên giành được 7 tấm huy chương tất cả, nhưng chỉ có 2 HCV. Dù vậy, thành tích này của họ còn ấn tượng hơn cả màn trình diễn của quốc gia đông dân như Ấn Độ.
Ở đấu trường châu lục, họ giành 11 HCV, 11 HCB và 13 HCĐ tại ASIAD 2014, đứng hạng 6. Đáng kể nhất là tấm HCV của đội tuyển bóng đá nữ quốc gia bên cạnh những tấm HCV đến từ cử tạ hay thể dục dụng cụ. Đây là năm bóng đá của nước này lọt vào chung kết ở cả 2 nội dung nam và nữ.
Đội nữ đua thuyền 2 miền Triều Tiên ăn mừng tấm HCV tại ASIAD 2018. Ảnh: Xinhua. |
Tại ASIAD 2018, đoàn thể thao Triều Tiên tiếp tục thể hiện sự tiến bộ khi giành được tổng cộng 37 huy chương các loại, trong đó có 12 HCV. Cử tạ vẫn là môn thể thao mũi nhọn của họ khi đóng góp tới 8 tấm HCV.
Chưa dừng lại ở đó, mối quan hệ giữa hai miền Triều Tiên tốt lên còn tạo nên những dấu mốc lịch sử cho thể thao của 2 nước. Tại Thế vận hội mùa đông Pyeongchang ở Hàn Quốc, các vận động viên của 2 nước đã tham dự lễ khai mạc cùng nhau, họ thành lập một đội nữ để tham gia cuộc thi khúc côn cầu trên băng.
Ngoài ra, các vận động viên của 2 nước đã hợp sức để thi đấu các môn bóng rổ, canoeing và rowing tại ASIAD 2018. Thành quả họ đạt được là 1 HCV, 1 HCB và 2 HCĐ. Trước đó, tại giải vô địch bóng bàn thế giới, hai đội nữ Hàn Quốc và Triều Tiên thay vì quyết đấu với nhau ở tứ kết, họ đã hợp nhất để vào bán kết.
Hướng tới Olympic 2032
Vẫn còn quá xa để nói về kỳ Thế vận hội lần thứ 35 được tổ chức, nhưng mới đây, Hàn Quốc và Triều Tiên đã thống nhất gửi đơn lên Ủy ban Olympic quốc tế để xin đăng cai Thế vận hội mùa hè 2032.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong Un đã nhất trí đồng đăng cai Olympic tại cuộc họp thượng đỉnh ở Bình Nhưỡng vào tháng 9/2018. Đây là một trong những động thái mới nhất về sự thống nhất trong thể thao của 2 quốc gia và được cho là tín hiệu tích cực xoa dịu mối quan hệ căng thẳng bấy lâu nay của 2 nước.
Phái đoàn 2 nước Hàn Quốc và Triều Tiên tại cuộc gặp xin đăng cai Olympic 2032. Ảnh: IOC. |
Trước đó, vào cuối tháng 3/2018, Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế, Thomas Bach, đã có chuyến thăm Triều TIên và gặp gỡ ông Kim Jong Un theo lời mời của Ban chỉ đạo thể thao quốc gia Triều Tiên. Theo Thomas, cuộc nói chuyện với ông Kim Jong Un là "rất cởi mở và hiệu quả", Triều Tiên cho biết họ sẽ tham gia Thế vận hội Tokyo 2020 và Olympic mùa đông Bắc Kinh 2022.
Sau chuyến thăm, ông Thomas Bach hoan nghênh sự hòa giải đang diễn ra giữa Triều Tiên và Hàn Quốc. Ông nói rằng tinh thần Olympic đã đưa mối quan hệ của 2 nước xích lại gần hơn, đồng thời gửi một "thông điệp hòa bình" mạnh mẽ đến phần còn lại của thế giới.