Thể loại: Trinh thám, kinh dị, kịch tính
Đạo diễn: Nguyễn Hữu Hoàng
Diễn viên chính: Hứa Vĩ Văn, Diễm My, Khương Ngọc, Quang Sự
Zing.vn đánh giá: 6/10
Ống kính sát nhân là bộ phim hiếm hoi thuộc dòng trinh thám của điện ảnh Việt trong thời gian qua. |
Chuyện phim Ống kính sát nhân bắt đầu khi thanh tra K (Hứa Vĩ Văn) vô tình gây ra cái chết của nữ đồng nghiệp trong lúc theo đuổi một vụ án. Do đó, anh không được phép điều tra cái chết bí ẩn của vợ chồng nghệ sĩ cải lương Liên Hoa.
Với tính cách háo thắng, thanh tra Dương (Quang Sự) nhanh chóng kết tội thợ ảnh Tốn (Kinh Quốc). Tuy nhiên, K vẫn nhận thấy có nhiều điểm uẩn khúc và quyết định tự mình đi điều tra riêng với sự trợ giúp của Cẩm Phô (Diễm My) - hôn thê của Tốn.
Từ đây, viên thám tử khám phá ra bí mật kinh hoàng liên quan đến hàng loạt vụ bắt cóc trẻ em trong thị trấn.
Bối cảnh, ý tưởng là điểm nhấn
Ống kính sát nhân có phần mở đầu gây tò mò bởi các bằng chứng hoặc lời khai từ nhân chứng đều có điểm đáng nghi. Lúc này, chất trinh thám được thể hiện khá tốt khi K liên kết những tình tiết nhỏ nhất để chứng minh nghi can không phải thủ phạm thật sự.
Càng về sau, yếu tố kinh dị, kịch tính càng trở nên chiếm ưu thế. Bởi lẽ, khán giả dễ dàng nhận ra ai là hung thủ khi nhân vật do Khương Ngọc thủ vai xuất hiện. Song, mục đích và động cơ gây án của hắn vẫn là ẩn số để người xem khám phá.
Bầu không khí ma mị của bộ phim gây thiện cảm với khán giả ngay từng những phút ban đầu. |
Chọn tông màu tối, toàn bộ tác phẩm mang bầu không khí rùng rợn, u ám bao trùm. Đạo diễn trẻ Nguyễn Hữu Hoàng tỏ ra rất khéo léo trong việc sử dụng ánh sáng leo lắt để tạo nên những khung hình đậm chất điện ảnh, đồng thời xây dựng nên cảm giác bí ẩn, ma mị.
Việc gần như xóa nhòa bối cảnh cũng như mốc thời gian cũng là điểm nhấn sáng giá. Những con phố vắng người sâu hun hút, những căn nhà cũ kỹ tối tăm đều mang đến cảm giác đáng sợ đến ngộp thở.
Yếu tố kịch tính được đẩy lên cao bằng nhiều trường đoạn chậm rãi nhưng vô cùng căng thẳng. Ngoài ra, bộ phim còn chứa đựng những cảnh hù dọa kiểu jump-scare khá ấn tượng so với mặt bằng chung của thể loại kinh dị tại Việt Nam.
Kịch bản vẫn là điểm yếu
Tuy sở hữu ý tưởng khá hấp dẫn, nhưng Ống kính sát nhân vẫn vấp phải điểm yếu cố hữu của phim Việt: kịch bản. Tác phẩm chứa đựng không ít tình tiết thừa thãi và phi lý. Các bằng chứng của vụ án trong phim gần như đều “từ trên trời rơi xuống”, giúp K dễ dàng phá giải vụ án mạng.
Cách thức gây án của kẻ thủ ác tỏ ra quá ngô nghê so với câu chuyện trong phim. Thật khó hiểu khi hắn có thể ung dung ngoài vòng pháp luật suốt nhiều năm trời, mà phải chăng là nhờ những hành động thiếu logic của tuyến nhân vật phụ? Mâu thuẫn ở cuối phim cũng chỉ được giải quyết một cách hời hợt, khiến đoạn cao trào trở nên đơn giản, thiếu kịch tính.
Trong một kịch bản còn nhiều sơ hở, Khương Ngọc tỏ ra nổi trội hơn so với các bạn diễn. |
Xét về diễn xuất, Diễm My 9X và Hứa Vĩ Văn đều chưa thể hiện thực sự tốt vai trò của bản thân. Ngôi sao của Cô ba Sài Gòn (2017) dường như chỉ hợp với hình tượng phụ nữ thành đạt, sang chảnh.
Nữ diễn viên đôi lúc tỏ ra lạc quẻ trong việc hóa thân thành cô giáo viên tiểu học hiền lành với nhiều nỗi đau, nhất là trong những phân đoạn đòi hỏi sức nặng tâm lý. Ngoài ra, câu chuyện tình cảm giữa Cẩm Phô và K cũng chưa được phát triển đến nơi đến chốn.
Trong khi đó, tính cách của nam chính lại tỏ ra hết sức hời hợt. Căn bệnh thiếu ngủ khiến viên thanh tra trở nên cô độc và bơ phờ, nhưng rốt cuộc chẳng đóng vai trò quan trọng gì trong đường dây câu chuyện, và gần như bị bỏ quên khi tác phẩm đi về hồi kết.
Câu chuyện K kể về người cha cũng là thanh tra với vụ án bắt cóc trẻ em được lồng ghép xuyên suốt cũng không để lại nhiều ý nghĩa. Có lẽ bởi vậy mà dù rất cố gắng, Hứa Vĩ Văn chưa thể tạo nên bước đột phá sự nghiệp với vai diễn thám tử K.
Điểm nhấn sáng giá nhất trong dàn diễn viên thuộc về Khương Ngọc. Anh có màn trình diễn khá thuyết phục khi hóa thân thành tên bắt cóc bệnh hoạn, đa nhân cách. Ánh mắt lạnh lẽo, vô hồn, nụ cười man dại của tài tử khiến người xem phải khiếp sợ.
Đây thực tế là một vai phản diện có chiều sâu với quá khứ tang thương. Sự đau khổ, dằn vặt trong nội tâm nhân vật được nam diễn viên thể hiện tương đối xuất sắc.
Nhìn chung, dù còn nhiều sai sót, Ống kính sát nhân vẫn là “món ăn lạ miệng” trong bối cảnh điện ảnh Việt tràn ngập dòng phim hài, chuyển thể, hoặc remake. Phim đang được trình chiếu tại các rạp trên toàn quốc.