Chiều 30/12, ông Nguyễn Đức Chung (cựu Chủ tịch Hà Nội) và 6 bị cáo nói lời sau cùng trước khi tòa tuyên án vụ sai phạm về đấu thầu gói số hóa tại Sở KH&ĐT Hà Nội.
HĐXX sẽ đưa ra phán quyết sơ thẩm vào chiều mai (31/12).
Ông Chung thừa nhận trách nhiệm
Lần thứ 3 trình bày lời nói sau cùng trong vụ án thứ 3, ông Chung cho rằng những gì ông và các bị cáo đã làm đều thể hiện mong muốn mang đến những lợi ích, hiệu quả về công nghệ thông tin cho người dân Hà Nội.
"Cá nhân tôi rút ra nhiều bài học sâu sắc", cựu Chủ tịch Hà Nội giãi bày và thừa nhận bản thân có những sai phạm về pháp luật, thừa nhận trách nhiệm của người từng đứng đầu chính quyền thành phố về những sai phạm liên quan gói thầu số hóa năm 2016.
Ngoài những lập luận tại tòa, ông Chung mong HĐXX bổ sung các nội dung phát sinh tại tòa để làm căn cứ đánh giá khi nghị án. Từ đó, áp dụng cho ông và các bị cáo chính sách khoan hồng.
"Tôi đã 2 lần đi mổ ung thư vào các năm 2015 và 2016, hiện phải duy trì việc chữa bệnh này. Gần đây, bệnh có biểu hiện tái phát", ông Chung nói và mong HĐXX căn cứ tình hình sức khỏe của bị cáo để giảm nhẹ.
Ngoài ra, cựu Chủ tịch Hà Nội cũng bày tỏ nguyện vọng sớm được trở về đoàn tụ với người thân để chăm sóc bố, mẹ già gần 90 tuổi.
Bị cáo Chung (trái) bị đề nghị 3-4 năm tù. Còn bị cáo Tứ bị đề nghị 36-42 tháng tù. |
Ông Nguyễn Văn Tứ (cựu Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội) trình bày thời điểm diễn ra gói thầu số hóa năm 2016, bị cáo và cấp dưới không nghĩ rằng việc dừng mở thầu sẽ gây thiệt hại. Cựu Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội cho rằng ông và đồng phạm không có động cơ, mục đích vụ lợi trong vụ án.
"Đây là khoảng thời gian khó khăn, đau khổ nhất cuộc đời tôi", ông Tứ nói và giãi bày sau thời gian bị tạm giam, bị cáo đã nhận ra những sai phạm của bản thân.
Ông Tứ cũng đính chính rằng quá trình xét hỏi, ông đã ví bị cáo Chung "như vì sao sáng trên bầu trời, không phải ông trời" như báo chí đăng tải.
Nói lời sau cùng, các bị cáo còn lại cho rằng họ thực hiện công việc theo chỉ đạo của cấp trên với yêu cầu hoàn thành nhiệm vụ và không ai vụ lợi cá nhân. Các bị cáo mong HĐXX xem xét, đánh giá sự thành khẩn của bị để lượng hình.
Nhiều bị cáo nộp tiền bồi thường tại tòa
Khi đối đáp chiều cùng ngày, VKS cho rằng tại gói thầu số hóa 2016, UBND Hà Nội đã có Văn bản số 6788 phân cấp giao cho Sở KH&ĐT dự toán, do đó người có quyền quyết định đầu tư là giám đốc sở, không phải chủ tịch thành phố.
Về chỉ đạo dừng thầu, kiểm sát viên căn cứ việc bị cáo Tứ khai ngày 15-16/5/2016, ông Chung gọi điện chỉ đạo dừng thầu để áp dụng công nghệ số hóa của Nga. Đến ngày 30/7/2016, Bùi Quang Huy (cựu Tổng giám đốc Công ty Nhật Cường) gửi email đề xuất ông Chung giao cho công ty này thực hiện. Ngày hôm sau, ông Chung đã chỉ đạo cho Nhật Cường thí điểm số hóa.
“Như vậy bị cáo Chung vì vụ lợi cá nhân đã lợi dụng chức vụ chủ tịch thành phố để chỉ đạo cho Nhật Cường tham gia gói thầu số hóa”, VKS đúc kết.
VKS xác định ông Chung đã chỉ đạo tạo điều kiện cho Nhật Cường trúng thầu. Ảnh: Nam Anh. |
Về hành vi của nhóm ông Tứ, VKS đánh giá đó là đồng phạm. Mỗi bị cáo thực hiện một hành vi dẫn đến chuỗi sai phạm. Cụ thể, sau khi nhận chỉ đạo của ông Chung, Tứ yêu cầu cấp dưới soạn thảo, ban hành văn bản quyết định dừng thầu làm sao đó để không có ai khiếu nại.
"Nếu dừng thầu đúng thì sao phải khiếu nại”, VKS nhấn mạnh. Ngoài ra, theo chỉ đạo của ông Chung, Sở KH&ĐT đã trao đổi với Nhật Cường để thực hiện gói thầu. Như vậy, hoạt động đấu thầu trên có sự thông đồng, tạo lợi thế cho doanh nghiệp.
Về hậu quả vụ án, VKS cho rằng sau khi trúng thầu, Nhật Cường bán thầu cho đối tác rồi nhận 19 tỷ đồng trong số 42 tỷ đồng được thanh toán. Đông Kinh là công ty thực hiện, còn Nhật Cường không tham gia nhưng vẫn nhận được tiền. Đó là bản chất, biểu hiện của sự thông thầu.
"Hiện tổng giám đốc Nhật Cường đã bỏ trốn, phó tổng giám đốc và kế toán trưởng đang chấp hành án tù. Công ty cũng không hoạt động và không còn tài sản", VKS nói và đề nghị buộc các bị cáo phải liên đới bồi thường thiệt hại.
Ngoài ra tại phiên tòa, ông Tứ đã vận động gia đình nộp hơn 1 tỷ đồng để khắc phục hậu quả. Bị cáo Hùng cũng vận động người thân nộp thêm hơn 2 tỷ đồng.
“Nếu các bị cáo suy nghĩ mình không phải bồi thường thì nộp tiền để làm gì. Đây là các tình tiết rất mới nên đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ cho các bị cáo”, VKS nhấn mạnh.