Trao đổi với phóng viên báo Lao Động chiều 23/5, ông Phí Thái Bình - nguyên Chủ tịch HĐQT Vinaconex, nguyên Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội - người đang bị Cơ quan cảnh sát điều tra đề nghị khởi tố bị can trong vụ vi phạm quy định về xây dựng gây hiệu quả nghiêm trọng. Ông cho biết đây là câu chuyện dài và phức tạp. Để tìm hiểu ngọn ngành, cơ quan truyền thông nên gặp nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tấn Vạn - người trực tiếp phụ trách vụ này.
Tôi tham gia làm dự án chỉ 2 năm
Bản thân tôi là người đã phải chịu đựng bao nhiêu năm nay rồi, đúng là “làm phúc phải tội”, nhưng nếu hỏi có đi làm phúc tiếp không, thì với tính cách của tôi, tôi vẫn tiếp tục đi làm. Phải xem xét, so sánh bối cảnh, xem xét giữa công và tội khi thực hiện dự án.
Quá trình thực hiện dự án trong 5 năm, thì tôi tham gia làm dự án chỉ 2 năm, sau đó được điều động về UBND TP Hà Nội.
Tại thời điểm trước đây, vấn đề nước sạch của Hà Nội là vô cùng bức thiết, cảnh người dân xếp hàng dài xô chậu đến 1h, 2h sáng để hứng từng xô nước, Hà Nội luôn khát nước sạch. Khi thực hiện dự án, dù Hà Nội còn xập xùi mất nước, nhưng nếu không có nó thì Hà Nội sẽ ra sao?
Dự án đã góp phần giúp đỡ cơn khát cho dân. Điều tôi ân hận là việc này tôi khởi xướng ra, chưa được thực hiện trọn vẹn. Thương những anh em cùng tôi đi làm dự án mà bị khổ lây. Nhưng với hiệu quả của dự án, tôi nghĩ, dự án đã giúp đưa nước về Hà Nội, được dùng nước sạch, đỡ cho con người khỏi bị ung thư, bệnh tật. Về hiệu quả kinh tế, dự án đã để lại sản nghiệp mấy nghìn tỷ đồng, không thất thoát vốn nhà nước, mà là thu lời, không chết người…
Trước tình hình dự án này hiệu quả còn kém, chúng tôi đã trăn trở, tìm hiểu các công nghệ mà Việt Nam chưa có. Với loại đường kính lớn và vật liệu này, thế giới dùng đã lâu và nhiều rồi, nhưng Việt Nam chưa có. Sau khi làm xong, đã có biết bao cuộc triển lãm, sản phẩm được trao huân, huy chương…
Ông Phí Thái Bình, người đang bị cơ quan CSĐT đề nghị khởi tố bị can trong vụ vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng. |
Thời gian tôi ở Vinaconex thì có cái nào vỡ không?
Trong vụ việc này, cần tìm hiểu, tham khảo kết luận của cơ quan điều tra, trong vụ án này không vụ lợi tham ô, tham nhũng… Đến nay, Bộ Xây dựng cũng thừa nhận, đây là 1 sản phẩm của ngành xây dựng thiết thực cho thủ đô.
Cần xem lại, trong tổng số 47 km chiều dài, có 5 km bị vỡ, với 14 lần vỡ trong tổng số 20 ống hỏng của 5.000 ống đã được lắp đặt. Vậy, cơ quan chức năng xem xét, những ống vỡ này được sản xuất, lắp đặt trong thời gian nào? Lắp đặt ở đâu? Những ống vỡ (trong chiều dài khoảng 5 km), thuộc thời gian sản xuất, lắp đặt nào?
Trong thời gian 2005-2006 là thời gian tôi ở Vinaconex thì có cái nào vỡ không? Chắc chắn không! Bút lục của cơ quan điều tra còn đó, mỗi ống, mỗi chi tiết sản phẩm đều có bản lý lịch riêng: Sản xuất ngày nào? Ca nào? Ai làm? Ai kiểm tra? Ai nhận? Đơn vị nào nhận? Lắp tại đâu? Nghiệm thu như thế nào? Những ống này nằm tại đâu?... Tất cả hiện vẫn còn “nằm sờ sờ” tại đó chứ không thể trộn lẫn vào đâu được.
Mỗi sản phẩm này, mỗi ống này đều có bản lý lịch rõ ràng. Vậy căn cứ vào đâu để cho rằng, chúng tôi vi phạm khi có chủ trương chuyển đổi từ ống gang sang ống cốt sợi thủy tinh? Công nghệ này thế giới đã dùng nhiều rồi, lấy theo tiêu chuẩn Hoa Kỳ để làm ống này cơ mà. Khi sự việc “lội” đến tận cá nhân tôi, tôi bắt đầu tìm hiểu kỹ thì thấy đằng sau đó còn có những nguyên do khác nữa…
Theo kết quả điều tra bổ sung của cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an, dự án nước sạch Sông Đà - Hà Nội do Tổng Công ty Vinaconex làm chủ đầu tư, xây dựng từ năm 2004. Năm 2009, dự án được nghiệm thu đưa vào sử dụng. Quá trình vận hành khai thác, trong vòng 3 năm, từ 2012- 2015, đã xảy ra hàng chục lần vỡ đường ống nước.
Từ năm 2004, các thành viên của HĐQT Vinaconex đã không thực hiện đúng quy định của pháp luật về quản lý đầu tư và xây dựng công trình, quyết định cho thay đổi vật liệu tuyến ống, đưa vào sử dụng vật liệu composite cốt sợi thủy tinh khi chưa thẩm định hiệu quả sử dụng.
Lựa chọn nhà thầu thiếu năng lực, kinh nghiệm để cung cấp sản phẩm composite cho dự án, sản phẩm cung cấp không bảo đảm chất lượng khiến công trình xây dựng liên tục xảy ra sự cố khi vận hành sử dụng, gây hậu quả nghiêm trọng.
Kết quả điều tra bổ sung của cơ quan điều tra xác định, từ năm 2004, HĐQT Vinaconex lúc đó là các ông: Phí Thái Bình - Chủ tịch, Nguyễn Văn Tuân - Tổng giám đốc, Tô Ngọc Thành, Hoàng Hợp Thương và Vũ Đình Chầm là các ủy viên đã không thực hiện đúng quy định pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng công trình. Cả 5 người này đã có dấu hiệu của tội vi phạm quy định về xây dựng, gây hậu quả nghiêm trọng theo điều 229 bộ luật Hình sự.