Một buổi sáng năm 2014, có một ông già bước vào tiệm hớt tóc Thanh Phong nằm ở ngã ba đường 54, xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi. Từ đó, suốt 4 năm sau, ông là khách quen của tiệm hớt tóc giá 30 nghìn này. Đó là nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, nhà ông cách tiệm này chỉ khoảng 500 m.
'Cứ hớt bình thường như mọi người khác'
Anh chủ tiệm Nguyễn Thanh Phong không thể nào quên cảm giác run run khi lần đầu tiên cầm kéo cắt những sợi tóc bạc pha lẫn tóc đen của ông Phan Văn Khải. “Lần đầu tiên hớt tóc cho cựu Thủ tướng, không run sao được”, anh cười hiền. Dù trước đó, người nhà đã điện thoại dặn trước sáng đó ông Phan Văn Khải sẽ ghé qua hớt tóc.
Anh Phong, như nhiều người hàng xóm ở ấp Chánh (xã Tân Thông Hội) gọi ông Phan Văn Khải là bác Hai chứ không phải ông Sáu như nhiều người. Gọi thế bởi vì ông là con trai cả của bà Năm, nhà cạnh đình Tân Thông. Những người trong gia đình vẫn còn kể lại lời bà Năm, má của ông Phan Văn Khải: “Ai gọi thằng Khải là Sáu thì chắc chắn không phải dân Củ Chi”.
Anh Nguyễn Thanh Phong, người thợ hớt tóc cho nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải trong suốt 4 năm. Ảnh: Trương Khởi. |
“Bác Hai bước vào tiệm. Bác hiền lành dễ thương lắm nhưng tôi vẫn hồi hộp. Bác dặn con cứ hớt theo kiểu cũ như vầy, chỉ cần ngắn hơn thôi. Rồi từ đó, mỗi lần bác tới tôi cứ hớt tóc đúng như lời bác dặn”, anh Phong kể.
Dường như cũng đoán ra anh thợ hớt tóc đang hồi hộp, cựu Thủ tướng dặn: “Con cứ hớt bình thường như cho mọi người xung quanh đây thôi. Không việc gì phải sợ”. Cứ thế, mỗi tháng, vị khách đặc biệt đều ghé tiệm một lần. Nhiều khi ông mang cả cháu ngoại đi cùng.
“Cũng có hôm người nhà gọi tôi vào nhà bác hớt tóc cho mấy cháu nhỏ. Xong bác bảo tôi ‘Con hớt cho các cháu tiện thể hớt cho ông Hai luôn’. Nói rồi bác vui vẻ ngồi vào ghế”, anh Phong chia sẻ.
Anh Phong còn nhớ mỗi lần ra tiệm, bác Hai đều ân cần hỏi chuyện gia đình, làm ăn, con cái. “Bác hỏi ‘ngoài hớt tóc con có làm gì thêm không’. Tôi trả lời còn nuôi heo, bò, chăm sóc vườn lan. Nghe thế bác dặn ‘Con ráng làm’”.
Tiệm Thanh Phong là nơi hớt tóc quen thuộc của ông Phan Văn Khải. Ảnh: Trương Khởi. |
Tấm ảnh đặc biệt
Giữa tiệm hớt tóc đặt trang trọng bức ảnh anh chủ tiệm và vị khách già, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải. Anh Phong kể tới lần cắt tóc thứ 3, anh đánh bạo xin được chụp ảnh chung với bác Hai. Bức ảnh được chụp bằng điện thoại, sau đó, được anh Phong in ra treo trong tiệm.
“Lần thứ 4 bác tới, bác nhìn bức ảnh rồi khen ảnh đẹp”, anh Phong nhớ lại.
Lần cuối cùng anh Phong vinh dự hớt tóc cho nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải là vào cuối năm 2017. “Tôi thấy lúc đó bác còn mạnh lắm. Không ngờ hôm qua, vừa mới sáng sớm ba tôi thông báo bác Hai đã ra đi. Vậy là từ nay, bác sẽ không còn ghé tiệm tóc nữa”, anh Phong ngậm ngùi.
Bức ảnh chụp chung với nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải được treo trang trọng trong tiệm anh Phong. Ảnh: Trương Khởi. |
Trả lời thắc mắc sao vị nguyên Thủ tướng quyền cao chức trọng lại chọn tiệm tóc nghèo không tên không tuổi trong ấp để hớt tóc, anh Phong bảo “chắc vì bác nghĩ là hàng xóm nên tới ủng hộ”.
“Bác nói hồi bác ở Sài Gòn, có hẳn người vào nhà bác ở Tú Xương hớt tóc hàng tháng. Giờ về đây bác tự mình đi ra tiệm”, anh Phong nhớ lại câu đùa của vị khách già.
Trong những kỷ niệm của ông chủ tiệm hớt tóc có hình ảnh của một ông già điềm đạm, chân tình. Ông như rất nhiều người lớn tuổi trong ấp, luôn vui vẻ, gặp cháu nhỏ sẽ ân cần hỏi han chuyện học hành.
“Không biết có ai giới thiệu không mà một hôm người nhà bác Hai gọi ra nói sáng bác sẽ tới cắt tóc. Lúc nào tới bác cũng vui vẻ hỏi han sinh hoạt gia đình, thăm hỏi bác trai là bố của Phong. Gặp ai bác cũng tươi cười như thể là bà con thân thiết từ bao giờ chứ không hề gây cảm giác xa lạ. Bác đi làm lớn ở đâu, nhưng về tới đây thì chan hoà gần gũi, bà con ai cũng mến thương bác”.
Bà Bùi Thị Ngọc Dung (68 tuổi, mẹ của anh Nguyễn Thanh Phong)