Ông Tập Cận Bình và 5 năm theo đuổi 'Giấc mộng Trung Hoa'
Chủ nhật, 5/11/2017 10:00 (GMT+7)
10:00 5/11/2017
Kể từ khi lên nắm quyền tại Trung Quốc năm 2012, ông Tập Cận Bình từng bước xác lập vai trò "hạt nhân lãnh đạo" với những dấu ấn rõ nét như "đả hổ diệt ruồi", "vành đai con đường".
1. Vành đai, Con đường
Sáng kiến "Vành đai, Con đường" (BRI) là một trong những dấu ấn rõ nét nhất mang tên Chủ tịch Tập Cận Bình trong 5 năm nhiệm kỳ đầu. Dự án được công bố vào cuối năm 2013 cho thấy tham vọng của Bắc Kinh trong việc thay đổi khung cảnh địa chính trị Á - Âu, trật tự kinh tế thế giới và củng cố vị thế cường quốc của Trung Quốc. Trong ảnh, Chủ tịch Tập Cận Bình phát biểu tại Diễn đàn Vành đai, Con đường vì Hợp tác quốc tế lần đầu tiên được tổ chức ở Bắc Kinh hồi tháng 5/2017. Ảnh: AFP.
Được thiết kế để kích thích sự phát triển kinh tế bằng cách tăng cường kết nối giữa các khu vực, BRI hướng tới hội nhập lục địa rộng lớn nhất thế giới từ trước đến nay. "Vành đai" và "con đường" này kéo dài từ Vladivostok đến Lisbon, Moscow đến Singapore, thông qua một mạng lưới dày đặc cơ sở hạ tầng cả "cứng" lẫn "mềm", tất cả đều kết nối với Trung Quốc (từ vận tải, viễn thông, năng lượng đến hội nhập tài chính và phối hợp chính trị). Trong ảnh, đoàn tàu chở hàng đầu tiên đi từ Nghĩa Ô (Chiết Giang, Trung Quốc) đến London vào tháng 1/2017. Ảnh: AFP.
Trong những năm qua, chính phủ Trung Quốc đã đầu tư nhiều nguồn lực chính trị, tài chính và tri thức vào BRI, bao gồm việc thành lập Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Châu Á (AIIB). Tổ chức này được Bắc Kinh dùng làm đối trọng với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), vốn là những định chế tài chính do Mỹ chi phối. AIIB được kỳ vọng sẽ "rót" 100 tỷ USD vào các dự án của BRI, bên cạnh hàng chục tỷ USD từ các nguồn khác như Quỹ Con đường Tơ lụa, Ngân hàng Phát triển mới của BRICS, Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB). Ảnh: Getty.
2. Đả hổ diệt ruồi
Chiến dịch chống tham được biết đến với tên gọi "đả hổ diệt ruồi" đang diễn ra là chương trình điển hình của chính quyền Tập Cận Bình, bắt đầu không lâu sau khi ông trở thành tổng bí thư năm 2012. Trong cuộc chiến này, ông Tập hứa hẹn sẽ bắt cả "ruồi" lẫn "hổ", thậm chí cả những "con hổ lớn", hay nói cách khác, các quan chức từ địa phương đến trung ương, cả những người ở trên đỉnh cao quyền lực, đều có thể bị "sờ gáy". Cùng với "cánh tay phải" Vương Kỳ Sơn (bên trái trong ảnh), bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, ông Tập cho thấy sự không khoan nhượng đối với tham nhũng, từ đó củng cố hình ảnh và vị thế của mình. Ảnh: AFP.
Trong số những "con hổ lớn" là Chu Vĩnh Khang (ảnh), nguyên ủy viên thường vụ Bộ Chính trị, bộ trưởng công an, đã bị kết án chung thân với tội danh tham nhũng. Hàng loạt quan chức cấp cao khác cũng đã "ngã ngựa" như Bạc Hy Lai, bí thư thành ủy Trùng Khánh; Từ Tài Hậu, phó chủ tịch Quân ủy Trung ương; Lệnh Kế Hoạch, chủ nhiệm Văn phòng Trung ương đảng thời Hồ Cẩm Đào... Kể từ Đại hội 18, ít nhất 240 quan chức cấp cao đã bị điều tra bên cạnh 1,14 triệu đảng viên, cán bộ các cấp huyện, xã bị kỷ luật. Ảnh: Getty.
3. Cải cách quân đội
Tháng 9/2015, chủ tịch Tập Cận Bình bất ngờ tuyên bố cắt 300.000 trong tổng số 2,3 triệu binh sĩ của Trung Quốc, tức giảm khoảng 13%. Đây là một phần trong kế hoạch cải cách quân đội của nhà lãnh đạo với mục tiêu đưa Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) thoát khỏi mô hình của Liên Xô cũ, giảm về "lượng" nhưng tăng về "chất". Theo lệnh của ông Tập, 7 quân khu trước đây đã được tập hợp lại thành 5 vùng chiến lược; 4 tổng cục gồm Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị, Tổng cục Hậu cần và Tổng cục Quân bị được cơ cấu lại thành 15 cơ quan trực thuộc Quân ủy Trung ương. Ảnh: Getty.
Cùng với việc nâng cao năng lực tác chiến của binh sĩ thì công cuộc hiện đại hóa khí tài cũng được chú trọng. Trung Quốc đã cho hạ thủy tàu sân bay đầu tiên mà nước này tự đóng hoàn toàn (ảnh) hồi tháng 4 sau khi đưa vào hoạt động tàu sân bay Liêu Ninh mua lại từ Ukraine. Báo cáo của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) hồi đầu năm cho biết sức mạnh tổng thể của quân đội Trung Quốc sắp bắt kịp các nước phương Tây, thậm chí ngang bằng ở một số lĩnh vực. Ảnh: AFP.
4. Hạt nhân lãnh đạo
Tại Hội nghị toàn thể Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 6 khóa 18 hồi tháng 10/2016, Chủ tịch Tập Cận Bình được xác lập vai trò "hạt nhân lãnh đạo". Kết quả này là sự khẳng định quyền lực tối cao mà đảng Cộng sản Trung Quốc thừa nhận đối với ông Tập, sau làn sóng tung hô vai trò "hạt nhân" của ông trong đảng. Trước đó, Trung Quốc mới chỉ có 3 lãnh đạo gắn với vai trò này là Mao Trạch Đông, Giang Trạch Dân và Đặng Tiểu Bình - người đặt ra cụm từ.
Trong ảnh, ông Tập ngồi giữa hai cựu tổng bí thư Hồ Cẩm Đào và Giang Trạch Dân trong ngày khai mạc đại hội đảng Trung Quốc lần thứ 19 hôm 18/10. Ảnh: AFP.
Tại kỳ đại hội đảng vừa diễn ra tại Trung Quốc, các đại biểu đã bỏ phiếu về sửa đổi điều lệ đảng, chính thức đưa "Tư tưởng Tập Cận Bình" vào bản điều lệ mới. Học thuyết có tên "Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới" sẽ là kim chỉ nam cho đảng Cộng sản Trung Quốc trong thời gian tới. Kể từ thời Mao Trạch Đông, người sáng lập nước Trung Quốc hiện đại, đây là lần đầu tiên một lãnh đạo đương quyền có hệ tư tưởng được ghi nhận và nêu tên chính thức trong điều lệ đảng. Ngoài "Tư tưởng Mao Trạch Đông", điều lệ đảng Cộng sản Trung Quốc còn ghi nhận "Lý luận Đặng Tiểu Bình" song Đặng chỉ được thêm tên vào điều lệ sau khi ông mất vào năm 1997. Ảnh: Getty.
5. Giấc mộng Trung Hoa
"Giấc mộng Trung Hoa", một khẩu hiệu của Chủ tịch Tập Cận Bình, đã thu hút được sự chú ý trên toàn thế giới. "Giấc mộng Trung Hoa" đề cập đến ước muốn "đại phục hưng dân tộc Trung Hoa” cũng như giấc mộng của mỗi người dân Trung Quốc về cuộc sống hạnh phúc, khá giả. Trên bình diện quốc tế, "Giấc mộng Trung Hoa" có thể được xem như là sự tiếp nối chiến lược "trỗi dậy hòa bình" của Bắc Kinh, là thành phần quan trọng trong chiến lược "quyền lực mềm" nhằm tìm cách chống lại lý thuyết cho rằng Trung Quốc là mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh khu vực. Ảnh: Getty.
Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát nhận định rằng "Giấc mộng Trung Hoa" là một học thuyết mang tư tưởng dân tộc chủ nghĩa có thể gây ra những tác động nguy hiểm đối với an ninh quốc tế trong tương lai. Trong những năm qua, Trung Quốc đã chuyển từ chiến lược “giấu mình chờ thời” của nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình sang cách tiếp cận chủ động, quyết liệt về chính sách đối ngoại. Các quốc gia phương Tây lo ngại về cách tiếp cận được ngụ ý trong "Giấc mộng Trung Hoa", đặc biệt khi nó liên quan đến sự quyết đoán về quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc ở biển Đông và biển Hoa Đông.
Trong ảnh là cây cầu vượt biển dài nhất thế giới nối Hong Kong, Chu Hải và Macau sắp hoàn thành. Ảnh: ImagineChina.
Chủ tịch Ủy ban Quản lý Chứng khoán Trung Quốc Lưu Sĩ Dư cho rằng Chủ tịch Tập Cận Bình đã chặn đứng âm mưu chiếm quyền lực của một số nhân vật chính trị quan trọng.
Ông Tập sẽ đưa ra tầm nhìn về một nước Trung Quốc đi đầu xây dựng trật tự thế giới mới, không chỉ về kinh tế và quân sự mà cả những lĩnh vực như văn hóa, bảo vệ môi trường.
25 thành viên của Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 18 là những người đã đứng sau những quyết sách quan trọng nhất của Trung Quốc trong 5 năm qua.