Chiều 14/10, TAND tiếp tục phiên xử bị cáo Tất Thành Cang (cựu Phó bí thư Thành ủy TP.HCM), Trần Công Thiện (cựu Tổng giám đốc Công ty Tân Thuận) và 8 đồng phạm liên quan các sai phạm khi chuyển nhượng hàng chục nghìn m2 đất dự án Phước Kiển ở huyện Nhà Bè và dự án Khu dân cư Ven Sông ở quận 7 cho Công ty Quốc Cường Gia Lai.
"Bị cáo xin nhận trách nhiệm cá nhân"
Bào chữa bổ sung, bị cáo Tất Thành Cang gửi lời cám ơn VKS đã ghi nhận thái độ thành khẩn, tình tiết giảm nhẹ và đánh giá hậu quả kinh tế khi hủy hợp đồng của dự án Phước Kiển đã được khắc phục hoàn toàn để HĐXX xem xét tuyên bị cáo mức án dưới khung hình phạt.
Theo ông Cang, qua 5 ngày xét xử, ông nhận thấy việc quản lý kinh tế Đảng, tổ chức sản xuất kinh doanh ở các đơn vị kinh tế Đảng của thành phố còn nhiều tồn tại và hạn chế. Ông Cang cho rằng không nên đùn đẩy trách nhiệm cho ai, nếu làm đúng, làm theo quy chế Đảng bộ, quy định pháp luật, không nể nang, né tránh thì hậu quả đáng tiếc này không xảy ra.
"Bị cáo xin nhận trách nhiệm cá nhân và mong các bị cáo khác cũng nhận thấy trách nhiệm của mình để khắc phục hậu quả", ông Tất Thành Cang nói và xin được nhận trách nhiệm trong việc không báo cáo Văn phòng Thành ủy khi bút phê "Đồng ý" vào tờ trình 1206 như cáo trạng truy tố.
Bị cáo Tất Thành Cang tại tòa. Ảnh: Y Kiện. |
Trình bày trước HĐXX, ông Cang cho biết năm 2013-2016, Văn phòng Thành ủy đã thay đổi 3 Chánh văn phòng, 3 Phó bí thư Thành ủy khiến công việc đứt quãng. Khối lượng công việc lớn, vấn đề trật tự, xã hội tại TP.HCM vô cùng phức tạp.
"Bị cáo vừa quán xuyến công việc chung, khắc phục yếu kém, vừa phải hỗ trợ cán bộ mới. Bị cáo mong HĐXX xem xét vì bản thân bị cáo không có động cơ cá nhân, không cố tình vượt thẩm quyền. Việc thẩm định giá 1,29 triệu đồng/m2 xảy ra ngoài ý chí mong muốn của bị cáo. Khi phát hiện sai sót, bị cáo đã chỉ đạo khắc phục kịp thời", ông Cang nói.
Đối với dự án Phước Kiển, theo ông Cang, hợp đồng chuyển nhượng đã được hủy bỏ nên hậu quả đã được khắc phục hoàn toàn. Cựu Phó bí thư Thành ủy nói "rất lúng túng" khi HĐXX kê biên căn nhà của bị cáo.
"Nếu có thiệt hại, bị cáo và gia đình sẽ tự nguyện nộp tiền bồi thường nhưng phải làm trước khi tòa tuyên án vì nếu thực hiện sau thì không được ghi nhận. Mong HĐXX cho gia đình được tiếp xúc với thư ký để được hướng dẫn nộp tiền khắc phục hậu quả nhằm ghi nhận là tình tiết giảm nhẹ", bị cáo Cang trình bày.
Xin HĐXX cho được trình bày thêm ít phút, bị cáo Tất Thành Cang xúc động và bật khóc khi nhắc đến bị cáo Phạm Văn Thông (nguyên Phó Chánh văn phòng Thành ủy TP.HCM). Ông Cang cho rằng cáo trạng chưa ghi nhận những tình tiết giảm nhẹ đối với bị cáo Thông như gia đình có công với cách mạng, nuôi giấu anh chị cán bộ trong kháng chiến, sau này có nhiều người trở thành cán bộ cốt cán của TP.HCM...
"Bị cáo chỉ có một thỉnh nguyện đối với bị cáo Thông và mong các bị cáo còn lại tự nhận thấy trách nhiệm của bản thân trong vụ án này. Đây cũng là lời cảnh tỉnh cho đội ngũ cán bộ đang công tác phải có trách nhiệm hơn với công việc của mình", ông Cang nói.
Luật sư đề nghị HĐXX tuyên bị cáo Tất Thành Cang không phạm tội
Trước đó, bào chữa cho bị cáo Cang, luật sư Trần Văn Sự cho rằng bị cáo đã thực hiện đúng chỉ đạo của Văn phòng Thành ủy khi kiểm tra, giám sát quá trình Công ty Tân Thuận chuyển nhượng dự án Phước Kiển cho Công ty Quốc Cường Gia Lai.
"Nếu như Công ty Tân Thuận và Văn phòng Thành ủy để xảy ra sai phạm thì không thể quy kết bị cáo Cang phạm khoản 1 Điều 31 Luật Quản lý, sử dụng vốn vào đầu tư sản xuất kinh doanh và Nghị định 91. Bởi vì bị cáo Cang không can thiệp trực tiếp, làm thay doanh nghiệp và doanh nghiệp đã làm sai chỉ đạo", luật sư Sự tranh luận.
Cũng theo luật sư, bị cáo Cang với tư cách Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM, xảy ra sai sót thì phải chịu trách nhiệm. "Có thể là kiểm điểm, phê bình, khiển trách nhưng nếu khởi tố hình sự thì không thỏa mãn", luật sư nói và đề nghị HĐXX tuyên bị cáo Cang không phạm tội.
Trình bày thêm, luật sư Trần Văn Sự cho biết đã nhận thông tin về việc tòa kê biên tài sản của bị cáo Cang. Tuy nhiên, theo luật sư dự án Phước Kiển được kết luận là không có thiệt hại và đã hủy hợp đồng chuyển nhượng. Việc kê biên tài sản của bị cáo khiến gia đình bị cáo bị sốc và hoang mang.
Các bị cáo tại tòa. Ảnh: Y Kiện. |
Theo cáo trạng, Công ty Tân Thuận là công ty có vốn Nhà nước. Tháng 11/2000, công ty này được UBND huyện Nhà Bè (TP.HCM) giao nhiệm vụ đầu tư xây dựng dự án Phước Kiển, được Văn phòng Thành ủy chấp thuận chủ trương đầu tư.
Tháng 8/2016, Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai có văn bản đề nghị hợp tác đầu tư với tỷ lệ 75/25 hoặc xin nhận chuyển nhượng 100% dự án Phước Kiển. Thời điểm này, ông Trần Công Thiện (Tổng giám đốc Công ty Tân Thuận) đã chỉ đạo cấp dưới thuê Công ty Kiểm toán và dịch vụ tin học TP.HCM ban hành chứng thư thẩm định giá xác định diện tích 32 ha đất tại dự án trên có giá bình quân là hơn một triệu đồng/m2.
Hội đồng xây dựng giá bất động sản kinh doanh của Công ty Tân Thuận sau đó họp và chỉ căn cứ duy nhất vào giá trong chứng thư thẩm định giá (1,25 triệu đồng/m2) để xây dựng đơn giá chuyển nhượng. Tháng 6/2017, Công ty Tân Thuận đã chuyển nhượng 32 ha đất Phước Kiển cho Công ty Quốc Cường Gia Lai với giá 1,29 triệu đồng/m2, nhận 374 tỷ đồng, tiền thuế VAT là 23 tỷ đồng. Sau đó, hợp đồng bị hủy bỏ, Công ty Tân Thuận đã trả lại cho Công ty Quốc Cường Gia Lai 374 tỷ đồng, 23 tỷ đồng tiền thuế VAT và 21 tỷ đồng tiền lãi, gây thiệt hại 202 tỷ đồng của Nhà nước.
Đối với 32.967 m2 đất thuộc Khu IV - dự án Khu dân cư Ven Sông tại phường Tân Phong (quận 7), Công ty Tân Thuận cũng căn cứ vào chứng thư thẩm định giá của Công ty Thương Tín trong đó xác định giá trị bình quân khu đất này là hơn 17,6 triệu đồng/m2. Ngày 28/11/2017, Công ty Tân Thuận chuyển nhượng toàn bộ khu đất này cho Công ty Quốc Cường Gia Lai với giá 20 triệu đồng/m2, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 283 tỷ đồng. Tổng thiệt hại vụ án này là hơn 532 tỷ đồng.