Chiều 8/6, TAND Cấp cao tại TP.HCM tiếp tục phiên xét xử phúc thẩm bị cáo Tất Thành Cang (cựu Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM), Tề Trí Dũng (cựu Tổng giám đốc IPC, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Phát triển Nam Sài Gòn - Sadeco) và 18 người liên quan các sai phạm xảy ra tại Sadeco.
Trước khi HĐXX nghị án, các bị cáo được nói lời sau cùng. Là người đầu tiên đứng trước bục khai báo, ông Tất Thành Cang cảm ơn HĐXX đã lắng nghe đơn kháng cáo của bị cáo, cảm ơn VKS đã ghi nhận tình tiết giảm nhẹ để đề nghị HĐXX xem xét trong quá trình nghị án.
Theo ông Tất Thành Cang, trong suốt quá trình công tác, bị cáo luôn nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. 20 năm là đảng viên, bị cáo luôn quan niệm phải hoàn thành tốt nhiệm vụ Đảng phân công. Về quá trình thực hiện nhiệm vụ, khi làm phó bí thư, bị cáo không ngại khó, khổ cùng tập thể giải quyết nhiệm vụ chính trị, kinh tế xã hội nặng nề.
“Bị cáo chưa bao giờ giải quyết việc gì mà tư lợi cá nhân. Vụ án này xảy ra có liên quan đến bị cáo, nhưng nằm ngoài suy nghĩ và mong muốn của bị cáo. Bị cáo nhận trách nhiệm là Phó bí thư thường trực đã thiếu kiểm tra khi chủ trì họp, không phát hiện kịp thời tờ trình 12A”, ông Cang nghẹn giọng.
Bị cáo Tất Thành Cang nhiều lần bật khóc tại tòa. Ảnh: Chí Hùng. |
Cựu Phó bí thư Thành ủy khóc khi cho rằng việc đứng trước tòa hôm nay ảnh hưởng đến truyền thống gia đình. Ông mong muốn các cán bộ công chức vì lương tâm, trách nhiệm, vì nhân dân. Khi trình bày báo cáo với các cấp chính quyền cần trình bày trung thực, đầy đủ, khách quan để lãnh đạo đưa ra quyết định đúng đắn và phải kiểm tra, giám sát nhiều hơn nữa. Ngoài ra, bị cáo mong HĐXX xem xét vụ án một cách đầy đủ và khách quan.
Các bị cáo còn lại mong HĐXX tuyên mức án thấp để sớm trở về với gia đình và cho biết trong thời gian qua đã rất ăn năn về hành vi của mình. Các bị cáo cũng gửi lời xin lỗi gia đình và cơ quan làm việc.
Trước đó, tại phần đối đáp, theo đại diện VKSND Cấp cao tại TP.HCM việc luật sư bào chữa cho bị cáo Tất Thành Cang đề nghị HĐXX tuyên bị cáo không phạm tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí; VKS cho rằng cấp sơ thẩm quy kết bị cáo là có căn cứ.
Theo VKS, bị cáo Cang là Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM, là người trực tiếp chỉ đạo, phụ trách về chủ trương đầu tư các dự án. Điều này thể hiện qua việc bị cáo Phạm Văn Thông (cựu Phó chánh văn phòng Thành ủy) phải xin ý kiến của bị cáo để việc chuyển nhượng được thực hiện.
Các luật sư cho rằng tờ trình 12A là giả, theo VKS, trong tờ trình 1148 của Văn phòng Thành ủy xin ý kiến bị cáo Cang có nêu rõ phương án 2 là phát hành 9 triệu cổ phần cho một cổ đông chiến lược, giá dự kiến là 40.000 đồng/cổ phần. Bị cáo Cang đã bút phê "đồng ý" phương án 2 tại tờ trình 1148.
Cũng theo đại diện VKS, quá trình chuyển nhượng cổ phần, Công ty Nguyễn Kim và Sadeco tiếp xúc với nhau từ tháng 11/2016. Suốt quá trình đều có nhắc đến việc chọn Công ty Nguyễn Kim là cổ động chiến lược để phát hành cổ phần. Việc chuyển nhượng chỉ hoàn tất khi bị cáo Cang có bút phê “đồng ý”.
"Khi triệu tập cuộc họp để thông qua tờ trình 1148, bị cáo Tất Thành Cang không yêu cầu Văn phòng Thành ủy báo cáo hoặc cung cấp tài liệu về việc một cổ đông cụ thể là ai, có thực hiện đấu giá công khai hay không. Do đó, bị cáo phải chịu trách nhiệm với quyết định của mình", VKS nêu quan điểm.
14h ngày 9/6, tòa tuyên án.
Bị cáo Tề Trí Dũng tại tòa. Ảnh: Chí Hùng. |
Bản án sơ thẩm xác định với vai trò là Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM, ông Tất Thành Cang đã có bút phê đồng ý vào tờ trình số 1148 của Văn phòng Thành ủy phát hành 9 triệu cổ phần có giá 40.000 đồng/cổ phần cho Công ty Nguyễn Kim.
Đây là cơ sở để ông Tề Trí Dũng và các cá nhân có chức vụ tại Sadeco, IPC và người đại diện vốn căn cứ đề nghị của Công ty Nguyễn Kim về việc mua cổ phần của Sadeco để trở thành cổ đông chiến lược đã thực hiện các thủ tục thông qua phát hành 9 triệu cổ phần Sadeco trái quy định, không thông qua đấu giá, đấu thầu; gây thất thoát của Sadeco 1.103 tỷ đồng.
Ngoài ra, bị cáo Tề Trí Dũng, Hồ Thị Thanh Phúc, Đỗ Công Hiệp (nguyên Kế toán trưởng Sadeco) đã chi tiền của Sadeco cho nhiều cá nhân đi tham quan, học tập kinh nghiệm tại nước ngoài trái quy định; gây thiệt hại cho Sadeco gần 3,6 tỷ đồng; gây thất thoát gần 2,2 tỷ đồng vốn Nhà nước.
Đối với tội Tham ô tài sản, 8 người có hành vi sai phạm trong việc sử dụng tiền từ nguồn tiền thù lao và quỹ khen thưởng của người đại diện vốn không chuyên trách trong các năm 2016, 2017 và 2018. Tổng số tiền họ chiếm hưởng, tham ô là hơn 4,7 tỷ đồng.