Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ông Tây mê phở, muốn ở TP.HCM cả đời vì yêu bạn gái

Anh Manuel Sponton từng làm bếp trưởng ở nhiều nhà hàng, khách sạn 5 sao trên thế giới. Anh chọn dừng chân ở Việt Nam vì tình yêu lớn với món phở và bạn gái người Việt.

Cách đây 7 năm, chị Thu Trang - hiện là chủ 2 nhà hàng tại khu Thảo Điền (TP Thủ Đức) - vô tình biết anh Manuel Sponton (48 tuổi, người Italy) trong một bữa tiệc của người quen.

Thời gian sau, anh thường xuyên tới tiệm cà phê kết hợp quán phở của chị. Đang thiếu người làm, khi người bạn gợi ý thuê anh Manuel về phụ bếp, chị Trang liền đồng ý.

"Tôi hình dung ra hình ảnh một ông Tây đứng bếp, nấu món phở truyền thống chắc chắn sẽ rất thú vị", chị Trang nhớ lại.

Khi ấy, chị không hề biết bạn trai hiện tại của mình là đầu bếp kỳ cựu, từng là bếp trưởng ở các nhà hàng, khách sạn 5 sao trên thế giới. Anh Manuel đã có cơ hội nấu ăn cho công nương Diana, vua Tây Ban Nha và nhiều nghệ sĩ nổi tiếng.

Vừa tỉ mỉ chần sợi phở, thêm thịt và hành, ngò vào tô, vị đầu bếp vừa trò chuyện về hành trình chinh phục món ăn này. Có gần 30 năm làm đầu bếp ở các quốc gia khác nhau, anh Manuel thừa nhận rất chật vật để học được cách nấu.

"Nấu món Tây chỉ cần vài ba loại gia vị như muối, tiêu, bơ, tỏi. Tôi đã bối rối khi nhìn thấy hơn chục nguyên liệu trong nồi nấu phở, nào quế, hồi, thảo quả, hành, gừng... Thú thực, đến giờ tôi vẫn chưa nhớ hết được các loại hương liệu và định lượng của chúng, phải nhờ bạn gái giúp đỡ", anh Manuel kể với Zing.

ong Tay nau pho anh 1

Tình yêu với bạn gái chính là lý do lớn anh Manuel muốn gắn bó cả đời với đất nước Việt Nam.

Nấu phở vị nguyên bản

Anh Manuel tâm sự tình yêu dành cho bạn gái người Việt Nam chính là động lực lớn nhất khiến anh gắn bó và muốn ở lại mảnh đất này suốt những năm qua.

Trước đó, anh từng làm việc ở khắp các quốc gia. Với niềm đam mê khám phá ẩm thực thế giới, năm 2015, anh chọn Việt Nam là điểm đến tiếp theo trong hành trình chu du châu Á.

Khi vừa đặt chân xuống sân bay Tân Sơn Nhất, giữa cơn đói cồn cào, phở là món đầu tiên anh ăn và rất ấn tượng.

Trong thời gian ở TP.HCM, vị đầu bếp đã đi thử món phở ở các quán ăn nhỏ đến nhà hàng lớn. Anh coi cơ hội được thành đầu bếp nấu phở ở nhà hàng của chị Trang là cái duyên.

Chị Trang vẫn còn nhớ như in ngày đầu tiên nhận Manuel về phụ việc.

"Tôi dặn anh có mặt từ 5h nhưng không có ý kêu anh qua đúng lúc đó. Sáng hôm sau, mới 4h30, anh đã ôm balo đứng chờ trước cửa. Tôi quá ấn tượng vì chưa thấy ai nhiệt tình, chăm chỉ như vậy", chị Trang kể.

Thời gian đầu, quán không nấu nồi nước dùng bằng điện như bây giờ mà phải thổi than tổ ong. Mỗi sáng, anh Manuel đảm nhận việc thổi lửa, lo phần công việc nặng nhọc.

Thấy anh thật thà, hiền lành, lại giúp mình gánh vác nhiều thứ, chị Trang dần cảm mến. Lúc đầu anh Manuel chỉ phụ việc 3 tiếng buổi sáng, dần ở tới buổi chiều rồi cuối cùng mang đồ đạc qua ở lại trong quán.

"Tôi cũng không biết ngày chính thức quen nhau là lúc nào. Chuyện tình của chúng tôi cứ bình lặng như thế cho đến tận bây giờ", chị Trang bày tỏ.

Đầu bếp người Hoa dạy chị Trang nấu phở cũng là người dạy anh Manuel. Nhưng khi thấy thầy bỏ rất nhiều bột ngọt vào nồi nước dùng, anh phản đối. Anh cho rằng cần phải tôn trọng hương vị nguyên bản của nguyên liệu.

"Chúng tôi đã cãi nhau rất nhiều về vấn đề đó. Tôi là một người làm kinh doanh nên luôn tính toán để cân bằng chi phí - lợi nhuận, còn anh lại muốn nhập những nguyên liệu ngon nhất, tạo nên hương vị tốt nhất. Cuối cùng, anh quyết định hầm thịt và rau củ thay vì xương để nước dùng ngọt, không bị chát", chị Trang kể.

"Tôi thấy điều khó nhất khi nấu phở là làm sao để nắm bắt được khẩu vị người châu Á. Đến bây giờ, tôi vẫn không nấu được một vị nước dùng cố định mà tùy vào chất lượng nguyên liệu mỗi ngày. Những khách ăn quen sẽ cảm nhận được sự tươi ngon của thành phần và rất thích", vị đầu bếp chia sẻ thêm.

Muốn gắn bó với Việt Nam

Gần 8 năm gắn bó với phở cùng những công việc lặp lại mỗi ngày, anh Manuel nói rằng không hề chán mà tìm thấy niềm hạnh phúc khi được đứng trong căn bếp của mình.

"Trước đây, khi làm bếp trưởng trong nhà hàng lớn, tôi không được trực tiếp nấu mà chỉ đi vòng vòng nếm thử món xem đã đúng công thức, hương vị hay chưa. So với hồi đó, tôi thích làm ở nhà hàng nhỏ như thế này vì được tự tay chế biến", anh Manuel chia sẻ.

Vị đầu bếp chia sẻ ngôn ngữ là rào cản lớn với anh trong quá trình tiếp cận với ẩm thực châu Á. Suốt nhiều năm sống ở TP.HCM, anh không nói được nhiều tiếng Việt.

Biết cái khó của bạn trai nên chị Trang làm menu chỉ bán 5 món phở cơ bản là tái, nạm, bò viên, bắp bò và thập cẩm.

ong Tay nau pho anh 4

Anh Manuel hạnh phúc khi được gắn bó với căn bếp nhỏ, tự mình nấu ra những món ăn.

Nằm ở khu Thảo Điền nên quán phở Ông Tây có nhiều khách quen là người nước ngoài. Thực khách tới đây đều ấn tượng bởi hình ảnh vị đầu bếp cao lớn tỉ mẩn chăm chút từng tô phở.

Ngoài phở, anh Manuel còn yêu thích nhiều món ăn khác của Việt Nam. Anh ăn được đa số món đặc trưng và là "fan bự" của bún mắm.

Khi được hỏi liệu có kế hoạch rời Việt Nam để quay về Italy hoặc tiếp tục lên đường để khám phá ẩm thực của những vùng đất mới, anh Manuel mỉm cười nhìn sang bạn gái ngồi bên cạnh.

"Hỏi ý của Trang đi", anh đẩy vai bạn gái và nói với giọng trêu chọc.

Đã rời quê nhà nhiều năm, dành phần lớn thời gian làm việc ở nhiều quốc gia trên thế giới, anh không có ý định về Italy để sinh sống. Trong tương lai, anh hy vọng khám phá nhiều đất nước khác nhưng chỉ là du lịch.

Manuel nói rằng hiện tại muốn gắn bó cả đời với đất nước Việt Nam, trên hết là bởi tình yêu với chị Trang.

"Tôi đã coi Việt Nam là quê hương thứ hai của mình. Ở đây có bạn gái và có món phở mà tôi yêu thích nhất. Với tôi, như vậy là hạnh phúc", Manuel bày tỏ.

Mục Đời sống gửi đến độc giả gợi ý về những tác phẩm hay, mang hơi thở thời đại. Hội mê sách cũng có thể tìm thấy những bí kíp để "sống chất" hơn với sở thích của mình.

> Xem thêm: Sách cho tuổi trẻ

Hạnh phúc mới của người từng bị chồng cũ thiêu sống

Sau nhiều biến cố, chị Ngân tìm thấy bình yên bên anh Minh, một người đồng cảnh ngộ. Đôi khi chị cảm thấy như bị "ra rìa" vì hai con trai của mình thân thiết với ba Minh hơn mẹ.

Gen Z lam sep hinh anh

Gen Z làm sếp

0

Những Gen Z đảm nhận vai trò quản lý đang định nghĩa lại khái niệm "lãnh đạo". Họ không còn chấp nhận kiểu cấp trên xa cách, quan liêu, chỉ biết ra lệnh.

Đào Phương

Bạn có thể quan tâm