Trong phiên xử ông Trầm Bê, Phạm Công Danh cùng 44 đồng phạm chiều ngày 8/1, HĐXX đã gọi tên những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Trong đó, có ông Trần Bắc Hà (BIDV), bà Hứa Thị Phấn (TrustBank), ông Trần Quý Thanh (Tân Hiệp Phát) đều không có mặt. Chỉ có ông Trần Quý Thanh có uỷ quyền cho đại diện của mình tham dự.
"Khó tin ông Trần Bắc Hà không biết"
Cơ quan điều tra xác định cựu Chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà có liên quan vụ án Phạm Công Danh khi ký chủ trương cho 12 công ty do ông Phạm Công Danh lập nên vay vốn với số tiền 4.700 tỷ đồng và giao cho 4 chi nhánh thực hiện việc cho vay.
Ông Trần Bắc Hà - cựu Chủ tịch BIDV. Ảnh: BIDV. |
"Việc cơ quan điều tra xác định ông Trần Bắc Hà cùng hai Phó giám đốc BIDV chỉ thống nhất về chủ trương, không có mối quan hệ quen biết với ông Danh cũng như không biết các công ty này do ông Danh thành lập, nên không có cơ sở xử lý hình sự. Cơ quan tố tụng không khởi tố bị can là việc của cơ quan điều tra và Viện kiểm sát.
"Về nguyên tắc, các cơ quan tiến hành tố tụng bao gồm cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và tòa án phải độc lập với nhau xuyên suốt quá trình tố tụng, nhằm đảm bảo tính khách quan, trung thực trong quá trình giải quyết vụ án hình sự", luật sư Nguyễn Văn Đức (Đoàn Luật sư TP Cần Thơ) nêu vấn đề.
Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, số tiền gây thiệt hại của ông Phạm Công Danh và đồng phạm lên đến 6.127 tỷ đồng. Vì vậy, việc có mặt của những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là rất cần thiết để giúp HĐXX làm rõ sự thật của vụ án.
"Ông Trần Bắc Hà là người ký phê duyệt 12 chủ trương để ông Phạm Công Danh vay 4.700 tỷ trong khi các công ty chỉ mới thành lập thì ông Hà bắt buộc phải có mặt tại tòa để đối chất", luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TP.HCM) bày tỏ quan điểm.
Cũng theo luật sư Hùng, những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án đều đã được cơ quan điều tra lấy lời khai trước đó. Nên HĐXX vẫn có thể căn cứ vào lời khai để xét xử vụ án. Tuy nhiên, vai trò của ông Trần Bắc Hà trong vụ án này vô cùng quan trọng nên không thể vắng mặt.
"Việc đánh giá mức độ, tính chất vụ án trong trường hợp này thuộc về HĐXX. Nhưng việc các công ty mới thành lập, không kinh doanh gì, chỉ dùng tên để vay tiền mà ông Trần Bắc Hà vẫn ký duyệt chủ trương cho vay số tiền quá lớn như vậy thật khó để tin ông Hà không hề biết", luật sư Đỗ Hải Bình băn khoăn.
Phải có mặt để làm rõ sự thật khách quan
Ngoài ông Trần Bắc Hà, bà Hứa Thị Phấn, ông Đoàn Ánh Sáng,... cũng vắng mặt tại phiên xử ngày 8/1. VKS cho rằng sự vắng mặt của những người có trách nhiệm, nghĩa vụ liên quan đến đại án Trầm Bê - Phạm Công Danh có thể ảnh hưởng đến việc xét xử tại phiên toà. Do vậy, VKS đề nghị HĐXX tiếp tục triệu tập những người này.
Ông Trầm Bê gặp vấn đề sức khỏe trong ngày xử 8/1. Ảnh: Tùng Tin. |
"Việc triệu tập những người có quyền và nghĩa vụ liên quan phải có mặt tại phiên xử là việc làm cần thiết, bởi vì họ đóng vai trò mắc xích quan trọng trong vụ án, ngoài ra cũng nên tạo điều kiện cho người dân giám sát hoạt động tố tụng", luật sư Đức cho biết.
Theo các luật sư, trong một số trường hợp, ngay cả những người đã ủy quyền cho người đại diện tham gia phiên xử mà HĐXX thấy sự có mặt của người ủy quyền là cần thiết thì vẫn sẽ triệu tập họ.
Theo nội dung kết luận điều tra và cáo trạng của Viện kiểm sát thì vai trò của ông Trần Bắc Hà, bà Hứa Thị Phấn, ông Trần Quý Thanh,... không thể là thứ yếu.
"Tòa án có thể áp dụng biện pháp cưỡng chế (áp giải) trong hoạt động tố tụng nếu xét thấy việc vắng mặt của họ không thể làm sáng tỏ toàn bộ nội dung vụ án", luật sư Bình nhấn mạnh.
Đây là một đại án mà dư luận đặc biệt quan tâm, cho nên HĐXX sẽ phải thận trọng cân nhắc xem xét giải quyết trong quá trình xét xử, không để oan sai, đồng thời cũng không bỏ lọt tội phạm.