Liên quan đến việc đưa hối lộ và lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi xảy ra tại huyện Đắk Mil (Đắk Nông), cơ quan chức năng cho biết ngoài vụ án trên ông Trần Minh Lợi (48 tuổi, ngụ huyện Cư Kuin, Đắk Lắk) - người chuyên tố cáo tham nhũng tại Tây Nguyên còn liên quan đến nhiều vụ khác khác.
Ông Lợi là người lập trang mạng xã hội "Chống tham nhũng" nổi tiếng ở Tây Nguyên những năm gần đây.
Phó giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông Lương Ngọc Lếp trả lời thông tin cho báo chí. Ảnh: M. Q.
|
Chống tiêu cực vì quyền lợi cá nhân
"Các vụ án này đang trong quá trình điều tra nên chưa đủ cơ sở để khởi tố ông Lợi tội đưa hối lộ. Còn đối với vụ án ở Đắk Mil đã rõ hành vi phạm tội nên cơ quan điều tra tiến hành khởi tố vụ án theo qui định", đại tá Lương Ngọc Lếp - Phó giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông nói.
Vị phó giám đốc thông tin thêm, ông Lợi là kỹ sư công nghệ, trước đây có 1 án treo và đã được xóa án tích. Những năm gần đây, ông Lợi lập Facebook nhằm chống tham nhũng. Từ đây, nhiều người dân nhờ đến ông này để được giúp đỡ.
"Khi được nhiều người tìm đến giúp đỡ, ông Lợi đã lợi dụng và trục lợi cho mục đích cá nhân", đại tá Lếp khẳng định.
Liên quan đến một số thông tin cho rằng ông Trần Minh Lợi đã tích cực tham gia các vụ việc là có sự tiếp tay của nhiều người đứng sau, đại tá Lếp cho biết quá trình điều tra cho thấy động cơ của Lợi chỉ đơn thuần là trục lợi cá nhân. Cơ quan chức năng chưa phát hiện có động cơ nào khác.
Người tố tham nhũng dễ vi phạm
Đại tá Lếp cho biết thêm trong việc xây dựng lực lượng ngành công an thì cơ quan chức năng rất cần những tố cáo tiêu cực như trường hợp ông Lợi. Tuy nhiên, ông Lợi sau khi xúi giục, tổ chức người dân đưa tiền để thu thập chứng cứ thì quay ra thực hiện hành vi sai trái.
"Nếu như ông Lợi chỉ thu tập tài liệu để cung cấp cho cơ quan công an hay báo chí để xử lý là hành vi rất tốt. Nhưng ông Lợi lại dùng những chứng cứ này để vi phạm pháp luật là không đúng", đại tá Lếp nói.
Vị phó giám đốc công an tỉnh cho biết viêc chống tham nhũng là chủ trương lớn. Về góc độ luật thì có rất nhiều văn bản quy định rõ quyền lợi và nghĩa vụ của công dân khi tham gia chống tiêu cực. Việc khó khăn là thu thập chứng cứ.
Tuy nhiên đây cũng là nhược điểm lớn dễ dẫn đến những việc sai phạm. Vì người đấu tranh chống tiêu cực nhưng không nắm rõ các quy định của pháp luật thì ranh giới giữa đấu tranh và vi phạm pháp luật là rất mong manh.
Vị đại tá khuyên người dân khi phát hiện được những dấu hiệu sai phạm thì nên gửi đơn đến cơ quan chức năng. Khi đó cơ quan chức năng phải có trách nhiệm xử lý và trả lời cho người dân.
Sáng 29/9, Công an tỉnh Đắk Nông đã họp báo thông tin vụ án đưa hối lộ và lợi dụng quyền hạn ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi xảy ra ngày 21/1 tại huyện Đắk Mil.
Theo kết luận điều tra, cơ quan chức năng đề nghị truy tố Lãnh Thanh Bình (31 tuổi, nguyên cán bộ đội Cảnh sát hình sự Công an huyện Đắk Mil) tội Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi.
Các bị can: Nguyễn Xuân An (31 tuổi), Trương Thị Lan (45 tuổi), Huỳnh Kim Cao Trí (38 tuổi), Huỳnh Thị Cao Thương (39 tuổi), Nguyễn Thị Tý (56 tuổi) tất cả cùng ngụ huyện Đắk Mil và Trần Minh Lợi bị truy tố về tội đưa hối lộ.
Riêng Nguyễn Văn Phúc (41 tuổi, ngụ phường Thắng Lợi, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk, nguyên Giám đốc Phòng giao dịch Đại Lộc, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Đắk Lắk) bị đề nghị truy tố tội Nhận hối lộ.