Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ông trùm buôn động vật hoang dã dưới vỏ bọc chủ cơ sở bảo tồn hổ

Hoạt động nuôi nhốt hổ tại cơ sở của Nguyễn Mậu Chiến bị nghi ngờ là vỏ bọc cho các hoạt động buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp.

Sau phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án "Nguyễn Mậu Chiến và đồng bọn vận chuyển, tàng trữ hàng cấm" ngày 20/3 của TAND quận Hà Đông, vừa qua, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) có Công văn gửi UBND tỉnh Thanh Hóa đề xuất nhanh chóng tịch thu, chuyển giao 11 cá thể hổ đang còn nuôi nhốt tại cơ sở của Nguyễn Mậu Chiến ở Thanh Hóa tới các trung tâm cứu hộ đủ điều kiện tiếp nhận theo quy định của pháp luật, không chi trả chi phí nuôi nhốt hổ cho chủ cơ sở.

Vỏ bọc cho các hoạt động buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp

Theo quan điểm của ENV, việc nuôi nhốt hổ tại cơ sở của Nguyễn Mậu Chiến không những thiếu căn cứ pháp lý mà còn không có ý nghĩa đối với công tác bảo tồn hổ trong tự nhiên.

Bởi lẽ, Chiến đang thụ án 13 tháng tù, Lê Thị Hồng (vợ Chiến) cũng đang chịu án 6 tháng tù treo vì liên quan đến đường dây buôn bán động vật hoang dã xuyên quốc gia.

Hoạt động nuôi nhốt hổ tại cơ sở của Chiến bị nghi ngờ là vỏ bọc cho các hoạt động buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp. 

ENV được biết số lượng hổ tại cơ sở này trong những năm qua không hề tăng lên dù các cá thể hổ được ghép đôi với nhau. Trong quá trình liên tục theo dõi và cập nhật biến động tại cơ sở nuôi nhốt hổ của đối tượng, ENV nhận thấy các cá thể hổ có sự khác biệt khi so sánh với hình ảnh được ghi nhận trong những năm trước đó. 

Ong trum buon dong vat hoang da anh 1
Cá thể hổ nuôi ở trang trại của Nguyễn Mậu Chiến. Ảnh: ENV.

Điều này cho thấy trang trại hổ của Chiến không những không có ý nghĩa bảo tồn như mục đích thành lập mà nhiều khả năng còn là “vỏ bọc” cho các hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép hổ và các loài động vật hoang dã khác.

Nghi ngờ này càng có cơ sở khi ngày 20/3, TAND quận Hà Đông đã kết án Nguyễn Mậu Chiến và đồng bọn phạm tội vận chuyển hàng cấm và tàng trữ hàng cấm theo quy định tại Điều 155 Bộ luật hình sự 1999 (sửa đổi bổ sung 2009). 

Theo đó, tòa tuyên phạt Nguyễn Mậu Chiến, người bị nghi cầm đầu đường dây buôn bán trái phép sừng tê giác, ngà voi và các sản phẩm từ động vật hoang dã khác từ châu Phi về Việt Nam 13 tháng tù. 

Vợ của anh là Lê Thị Hồng (đang đại diện quản lý cơ sở nuôi nhốt hổ) cũng bị xử phạt 6 tháng tù (cho hưởng án treo) và thời gian thử thách 12 tháng. 

Theo khai nhận tại tòa (và được ghi nhận trong Bản án), hai cá thể hổ được lưu giữ tại nhà Chiến - Hồng (quận Hà Đông) có nguồn gốc từ trang trại của Chiến ở Thanh Hóa. Họ đã không khai báo khi hổ chết và vận chuyển trái phép ra Hà Nội trước khi lưu giữ tại nhà.

Chính vì vậy, việc tiếp tục để các đối tượng đã bị kết án vì hành vi tàng trữ hổ trái phép được “nuôi hổ bảo tồn” như hiện nay sẽ dấy lên lo ngại trong dư luận Việt Nam và quốc tế về hiệu quả của công tác bảo vệ đa dạng sinh học của các cơ quan chức năng trung ương và địa phương.

Bà Nguyễn Thị Phương Dung, Phó giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) chia sẻ: “ENV đề nghị các cơ quan chức năng có liên quan nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ, tịch thu và chuyển giao các cá thể hổ tại cơ sở của Nguyễn Mậu Chiến về các trung tâm cứu hộ có đủ điều kiện tiếp nhận, đồng thời không bồi hoàn chi phí chăm sóc hổ hay hỗ trợ tài chính cho cơ sở này.

Việc tăng cường quản lý và kiên quyết không để các cơ sở có dấu hiệu vi phạm pháp luật về động vật hoang dã được nuôi nhốt hổ hay các loài nguy cấp quý hiếm khác vì bất cứ mục đích gì là góp phần bảo tồn các loài này trong tự nhiên”.

Từ chủ trại nuôi hổ đến ông trùm buôn bán động vật hoang dã

Nguyễn Mậu Chiến đang nuôi nhốt hổ không có giấy phép hợp pháp. Trang trại nuôi nhốt hổ của Chiến hoạt động trái phép từ năm 2006. 

Ban đầu, Nguyễn Mậu Chiến (trú quận Hà Đông, Hà Nội) mang về 12 chú hổ con, lập trại nuôi nhốt tại cồn Tàu Voi (xã Xuân Tín, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa). Đến nay, đàn hổ không sinh sản thêm, chỉ ghi nhận 1 con đã chết, hiện còn tổng cộng 11 cá thể.

Năm 2007, UBND tỉnh Thanh Hóa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Nguyễn Mậu Chiến về hành vi nuôi nhốt 10 cá thể hổ trái phép (các cá thể hổ này đều có nguồn gốc bất hợp pháp), đồng thời giao cho đối tượng tiếp tục nuôi thí điểm 10 cá thể hổ trên tại cơ sở. 

Ong trum buon dong vat hoang da anh 2
Các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm sáng 27/11/2017.

Ngày 22/5/2012, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa tiếp tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký trại nuôi sinh trưởng/nuôi sinh sản động vật hoang dã (ĐVHD) nguy cấp, quý hiếm cho cơ sở của Nguyễn Mậu Chiến được “nuôi sinh trưởng, sinh sản để bảo tồn” 12 cá thể hổ (số lượng hổ thay đổi do sinh sản và chết). Giấy chứng nhận trại nuôi của cơ sở cũng đã hết hiệu lực sau ngày 22/5/2017.

Ngày 27/4/2017, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm buôn lậu (C74) phối hợp với Công an quận Hoàn Kiếm và Công an quận Hà Đông bắt giữ Nguyễn Mậu Chiến cùng đồng bọn, thu giữ tang vật khoảng 36 kg sừng tê giác, 2 cá thể hổ con đông lạnh, ngà voi, da sư tử và nhiều sản phẩm chế tác từ ngà voi và các loài động vật hoang dã khác.

Ngày 20/3/2018, TAND quận Hà Đông (Hà Nội) đã kết án Nguyễn Mậu Chiến 13 tháng tù về tội Vận chuyển hàng cấm và Tàng trữ hàng cấm.

Lê Thị Hồng (đang đại diện quản lý cơ sở nuôi nhốt hổ) cũng bị xử phạt 6 tháng tù cho hưởng án treo và thời gian thử thách 12 tháng.



https://vov.vn/vu-an/ong-trum-buon-dong-vat-hoang-da-duoi-vo-boc-chu-co-so-bao-ton-ho-748703.vov

Theo Lê Tùng/VOV

Bạn có thể quan tâm