Hôm thứ bảy (ngày 14/10), Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh nước Mỹ (AMPAS) trả về kết quả số phiếu, trong đó Harvey Weinstein - người được cho là quyền lực nhất Hollywoood, không là thành viên của ban quản trị.
Đây là đòn trừng phạt nặng nề tiếp theo giáng vào Harvey Weinstein, sau khi bị giám đốc của The Weinstein Company - hãng phim mang tên ông sa thải vì bê bối lạm dụng tình dục 30 năm bị New York Times phanh phui.
Harvey Weinstein như không còn gì để mất. Ảnh: Getty. |
Người thứ hai trong lịch sử
Lịch sử 90 năm của AMPAS ghi nhận Harvey Weinstein là người thứ hai bị loại trừ khỏi ban quản trị. Hội đồng gồm 54 thành viên, bao gồm các chuyên gia, diễn giả đến từ nhiều lĩnh vực và những diễn viên nổi tiếng như Tom Hanks, Laura Dern và Whoopi Goldberg, thống nhất công bố quyết định:
"Chúng tôi không chỉ loại trừ những người không xứng đáng được đồng nghiệp tôn trọng mà còn để gửi đi thông điệp rằng, thời kỳ của sự đồng loã cho hành vi nhục nhã, đáng xấu hổ trong ngành này đã chấm dứt".
Tuyên bố được đưa ra sau khi New York Times tung bài phóng sự về các bê bối sex của Harvey Weinstein, cùng sự tham gia của New Yorker và hàng loạt phụ nữ cáo buộc họ đã bị ông trùm Hollywood quấy rối, lạm dụng, cưỡng bức tình dục.
Đây là quyết định ít nhiều tạo nên mâu thuẫn trong hội đồng AMPAS, bởi sẽ rất khó khăn nếu lấy lý do đạo đức, nhân cách và lối sống của cá nhân để loại đi Harvey Weinstein, người đã đóng góp cho Oscar hơn 300 ứng cử viên.
Bruce Feldman, một thành viên thuộc nhánh quan hệ công chúng của AMPAS, nói với The Hollywood Reporter: "Không phải tôi không muốn thấy Harvey Weinstein bị khai trừ khỏi viện. Nhưng nó sẽ dấy lên câu hỏi về việc tại sao Roman Polanski và Bill Cosby, hai nhà làm phim từng vướng vào các bê bối tương tự, vẫn góp mặt".
"Còn những nhà sản xuất, đạo diễn quyền lực thường lợi dụng điều đó để mạt sát, quát tháo mọi người thì sao? Chẳng lẽ tình trạng cá lớn nuốt ca bé cứ diễn ra?", Bruce Feldman đặt vấn đề.
Anh cho rằng bản năng của người bị hại là phản kháng và chống cự, song hành vi lộ liễu của Harvey Weinstein luôn được xem là bí mật mở tại Hollywood.
Roman Polanski đang sống lưu vong tại châu Âu. Ảnh: Getty. |
Oscar giả tạo?
Nếu việc khai trừ Harvey Weinstein là chính đáng, tức là Viện Hàn lâm vẫn còn 8.427 thành viên cần phải kiểm tra, rà soát để thực hiện đúng như lời tuyên bố, rằng "thời kỳ của sự đồng loã cho hành vi nhục nhã, đáng xấu hổ trong ngành này đã chấm dứt".
Không cần dẫn chứng đâu xa xôi, trước mắt là Roman Polanski, đạo diễn người Ba Lan đang sống lưu vong tại Pháp vì bị buộc tội ấu âm. Bill Cosby từng bị truy tố về tội tấn công tình dục cùng hàng chục lời buộc tội khác. Stephen Collins thừa nhận hành vi trai sái với ba trẻ em vị thành niên.
Casey Affleck (em trai của tài tử nổi tiếng Ben Affleck) thì may mắn hơn, khi bị buộc tội lạm dụng tình dục nhưng đã dàn xếp ổn thoả với nạn nhân nên chưa bao giờ bị truy tố. Nate Parker bị buộc tội hiếp dâm nhưng được tuyên bố vô tội.
Ngoài ra, còn một số thành viên nếu xét theo tiêu chí đạo đức, lối sống cũng không nên xuất hiện trong Viện Hàn lâm như Mel Gibson (ngôi sao phim Brave Heart đã thốt ra những lời xúc phạm người Do Thái).
Sau tuyên bố ngắn gọn về Harvey Weinstein, chuyên viên phát ngôn của Viện Hàn lâm cho biết: "Hội đồng sẽ thiết lập tiêu chuẩn mà các thành viên phải tuân theo". Như vậy, trong nỗ lực nhằm thanh lọc lại Viện Hàn lâm, việc thiết lập những tiêu chuẩn mới chẳng qua chỉ là cứu cánh tạm thời thay vì trực tiếp nhúng tay vào rửa vết nhơ của ngành điện ảnh.
Mel Gibson phạm sai lầm nặng nề. |
Trong nhiều năm, Oscar luôn là một tổ chức đứng ngoài các bê bối của ứng cử viên. Điển hình là Roman Polanski, nhà làm phim sau 25 năm trốn chạy khỏi Mỹ vẫn chiến thắng tượng vàng Đạo diễn xuất sắc nhất với The Pianist vào năm 2002.
Mel Gibson được cử hạng mục Đạo diễn xuất sắc nhất với Hacksaw Ridge trong mùa Oscar mới đây. Woody Allen vẫn nhận về đề cử đều đều và chiến thắng đề cử Kịch bản gốc xuất sắc với Midnight in Paris vào năm 2012.
Theo The Hollywood Reporter, nếu xử lý không khéo vụ này, rất có thể Viện Hàn lâm sẽ phải đối mặt với một đợt tảy chay mới như lần #OscarDaTrắng cách đây hai năm, ngay cả khi đây vẫn một tổ chức tư nhân.
"Điều đó có nghĩa họ, sớm hay muộn, cũng phải đi đến với quyết định chấp nhận hay không chấp nhận những hành vi xấu của các thành viên".
Qua rồi thời của Harvey Weinstein tại Oscar
Harvey Weinstein được xem là định nghĩa sống động nhất về chữ "quyền lực" tại Holywood. Nói như cây viết Todd VanderWerff của Vox rằng nếu tình trạng lạm dụng tình dục tại Hollywood được bắt nguồn từ văn hoá của câu lạc bộ những đàn ông da trắng thì Harvey Weinstein chính là người dẫn đầu trong số đó.
Không ai dám phủ nhận tầm ảnh hưởng của ông, kể cả Oscar. Năm 1979, Harvey Weinstein cùng em trai Robert (biệt danh là Bob) lập ra hãng phim Miramax. Đến năm 1993, họ bán hãng phim cho Disney và lập ra The Weinstein Company vào năm 2005.
Wind River đang là hy vọng cuối cùng của Harvey Weinstein. |
Trong suốt thời kỳ làm phim, Harvey Weinstein tạo ra được 300 đề cử Oscar cho công ty và nhiều cộng sự hợp tác với ông, bao gồm nhiều đạo diễn, minh tinh nổi tiếng như Judi Dench, Meryl Streep, Kate Winslet, Jennifer Lawrence, Quentin Tarantino, David O'Russell...
"Nhưng thời kỳ đó qua rồi" - Weekly Entertainment nhận định. Dẫu The Weinstein Company vẫn là lượng lực mạnh mẽ tại Oscar trong những năm gần đây, khi bộ phim Lion mang về 6 đề cử. Song càng về sau, các ứng cử viên đã không còn dữ dội như trước.
Trong số các át chủ bài mà The Weinstein Company tung ra năm nay, Wind River khả quan nhất. Tác phẩm của đạo diễn Taylor Sherian với sự tham gia của hai ngôi sao Jeremy Renner và Elizabeth Olsen, nhận về 87% đánh giá fresh trên Rotten Tomatoes.
Nhưng theo Weekly Entertainment, ảnh hưởng từ vụ bê bối của Harvey Weinstein khả năng cao sẽ nguyên nhân khiến các thành viên trong Viện Hàn lâm cảm thấy chùng tay khi bầu chọn cho bộ phim.
Còn The Current War, tác phẩm được kỳ vọng với diễn xuất chính của Benedict Cumberbacth, coi như không còn cơ hội khi vừa bị các chuyên gia chê tơi tả (với 31 đánh giá fresh trên Rotten Tomatoes), vừa bị dời lịch phát hành sang năm 2018, cùng số phận với hai bộ phim khác là Mary Magdalene và The Upside.
Hy vọng thêm cạn kiệt với Tulip Fever, tác phẩm vừa trở thành nạn nhân của giới phê bình với 9% đánh giá fesh trên Rotten Tomatoes. "Harvey Weinstein nên xem nó là một trò hề" - Rolling Stones mỉa mai. Sau tất cả, hình phạt dành cho ông trùm Hollywood đã ngã đến quân domino cuối cùng.