Người đào tạo những đạo diễn tầm cỡ quốc tế
Thiệu Dật Phu thời trẻ. |
Thiệu Dật Phu sinh ra trong một gia đình có truyền thống buôn bán vải vào năm 1907, khi Trung Quốc còn đang ở chế độ phong kiến dưới triều Thanh. Ông là người con thứ 6 trong gia đình, nên sau này, thường được gọi thân mật là chú Sáu (Lục Thúc).
Từ nhỏ, Thiệu Dật Phu sớm được tiếp xúc với văn hóa phương Tây do theo học ở trường YMCA nổi tiếng tại Thượng Hải, sử dụng tiếng Anh như ngôn ngữ chính. Chính ở môi trường này, ông đã được xem những thước phim đen trắng của điện ảnh Hollywood và đem lòng yêu thích môn nghệ thuật thứ 7 từ đó.
Sau khi tốt nghiệp trung học, bất chấp sự phản đối của cha, không muốn nối nghiệp nghề buôn bán vải vóc, Thiệu Dật Phu muốn phát triển theo những hướng có liên quan đến niềm say mê của ông – điện ảnh. Năm 1925, ông tự đứng ra thành lập công ty chế tác phim điện ảnh mang tên Thiên Nhất, cho nhập phim từ nước ngoài về và bước đầu sản xuất phim câm đen trắng.
Thiệu Dật Phu lúc sinh thời bên xưởng phim lớn nhất châu Á trong những năm 60 của thế kỷ trước. |
Logo của hãng Shaw Brothers. |
Năm 1926, Thiệu Dật Phu cùng người anh thứ 3 thành lập công ty chế tác điện ảnh Shaw Organisation ở Singapore, tiền thân của công ty điện ảnh Shaw Brothers – Thiệu Thị sau này. Tại đây, Thiệu Dật Phu đã triển khai việc làm phim, nhập phim và phát triển thị trường phim ảnh tại khu vực Nam Á.
Năm 1932, quân Nhật chiếm đóng Trung Quốc, Thiệu Dật Phu dời công ty chế Tác của mình sang Hong Kong. Năm 1934, ông bắt đầu quay các bộ phim điện ảnh sử dụng tiếng Quảng Đông, và tác phẩm đầu tiên được sản xuất tại đây có tên là Bạch Kim Long.
Năm 1938, công ty chế tác Thiên Nhất đổi tên thành công ty chế tác điện ảnh Nam Dương, tích cực cho ra mắt thị trường Hong Kong những tác phẩm điện ảnh được khán giả yêu thích. Song song với đó, Thiệu Dật Phu vẫn hoạt động mạnh tại thị trường khu vực Nam Dương (Singapore và Malaysia hiện nay).
Tính đến năm 1939, công ty của nhà họ Thiệu sở hữu 139 rạp chiếu phim nằm ở khu vực Nam Dương, tham gia sản xuất khoảng 169 phim.
Năm 1941, quân Nhật tràn đến Nam Dương cướp phá nhiều rạp chiếu phim và các trang thiết bị của công ty. Theo như ghi chép của Thiệu Thị, anh em Thiệu Dật Phu đã bí mật chôn vàng, đá quý và tiền mặt trị giá khoảng 4 triệu USD ở một khu sân vườn trong biệt thự nhà họ Thiệu tại Malaysia. Sau này, họ dùng số tiền này để gây dựng lại sự nghiệp.
Những thước phim màu đầu tiên của màn ảnh Hoa ngữ được sản xuất tại Shaw Brothers. |
Thiệu Dật Phu và những diễn viên của mình. |
Năm 1958, sau một vài lần đổi tên, công ty trách nhiệm hữu hạn chế tác phim Thiệu Thị - Shaw Brother chính thức thành lập. Lấy kinh nghiệm từ Hollywood, Thiệu Dật Phu đã cho xây dựng phim trường riêng trên diện tích gần 200.000 mét vuông, mua lại đất từ chính phủ tại vịnh Thanh Thủy, Hong Kong. Từ đây, Thiệu Thị trở thành công ty điện ảnh lớn nhất châu Á.
Dưới thời Thiệu Dật Phu, các tác phẩm lớn đã ra đời, đem đi dự các LHP Quốc tế uy tín. Năm 1962, bộ phim Dương Quý Phi của Thiệu Thị đã dành giải Grand Pix tại LHP Cannes. Tính đến đầu những năm 70, công ty của Thiệu Dật Phu với các chi nhánh tại Hong Kong, Thượng Hải và Singapore đã sản xuất được khoảng 1.000 tác phẩm điện ảnh. Thiệu Dật Phu cũng có công đào tạo các đạo diễn nổi tiếng như Ngô Vũ Sâm hay Quentin Tarantino.
TVB và sự thay đổi trong lịch sử truyền hình
Vào những năm 66, 67 hãng Thiệu Thị có dấu hiệu đi xuống và phải chịu thua trước hãng phim Golden Harvest, nơi nắm giữ ngôi sao đang lên là Lý Tiểu Long. Tuy nhiên, Thiệu Dật Phu không hề nản chí, và ông bắt đầu những kế hoạch mới cho chiến dịch xa hơn.
Thiệu Dật Phu từng tự hỏi chính mình, làm sao để trong nhà mỗi người dân đều có một “rạp chiếu phim” thu nhỏ? Và đó là những lý do, động lực đầu tiên để ông sáng lập ra đài truyền hình Hong Kong – TVB (tên đầy đủ là công ty truyền hình trách nhiệm hữu hạnh Hong Kong – TVB) vào năm 1967. Bắt đầu từ đây, sự nghiệp của Thiệu Dật Phu chuyển sang một trang mới, cũng nhiều thăng trầm và oanh liệt không kém so với quãng thời gian ông hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh.
Thiệu Dật Phu và Thẩm Điện Hà thời trẻ. |
Nhiều năm sau, họ vẫn là những gương mặt đại diện cho làng nghệ thuật Hong Kong. |
TVB không chỉ là đài truyền hình miễn phí đầu tiên ở Hong Kong, mà còn là hệ thống truyền hình tiếng Hoa có tầm ảnh hưởng tới người Hoa lớn nhất trên toàn thế giới, với hệ thống phát sóng vươn đến hàng loạt các quốc gia như Mỹ, Canada, Đài Loan, Nhật Bản, Singapore, Malaysia và một số quốc gia châu Âu.
TVB bắt đầu đẩy mạnh quá trình sản xuất chương trình, bao gồm các chương trình truyền hình và phim truyện. Theo đánh giá của giới chuyên môn, chưa có đài truyền hình tư nhân nào lại có sức phát triển nhanh và mạnh đến thế. Trong đó, có một phần lớn nhờ vào công sức của ông chủ Thiệu Dật Phu.
Là người biết trân trọng tài năng và khám phá nhân tài, Thiệu Dật Phu luôn tạo điều kiện tối đa cho nhân viên của mình được phát triển.
Thiệu Dật Phu là người khởi xướng cuộc thi Miss Hong Kong. |
Năm 1972, ông là một trong những người đi đầu trong việc tổ chức cuộc thi Hoa hậu Hong Kong. Đến nay, đây là cái nôi đào tạo ra rất nhiều các diễn viên nữ nổi tiếng như Trương Mạn Ngọc, Triệu Nhã Chi, Châu Hải My, Thái Thiếu Phân…
Năm 1983, Thiệu Dật Phu cho chuyển phần lớn các trang thiết bị sản xuất chương trình từ hàng Thiệu Thị về TVB, dồn sức vào phát triển đài truyền hình này. Dưới sự lãnh đạo của ông, TVB ngày càng phát triển. Những ngôi sao lần lượt ra đời qua các lớp học diễn xuất, các cuộc thi âm nhạc và các kế hoạch lăng xê bài bản. Không có Thiệu Dật Phu, sẽ không có các ngôi sao như Châu Nhuận Phát, Châu Tinh Trì, Lưu Đức Hoa, Lương Triều Vỹ…
Thiệu Dật Phu và Elizabeth Taylor |
Trong thập niên 80, TVB đi tiên phong trong phong trào sản xuất phim võ hiệp. Các tác phẩm võ hiệp của TVB như Anh hùng xạ điêu, Thần điêu đại hiệp, Hiệp khách hành… đã khiến hàng triệu khán giả khắp châu Á say mê. TVB đi vào thể loại phim này,phần lớn do công nghiên cứu thị trường và nắm rõ thị hiếu khán giả của Thiệu Dật Phu.
Thiệu Dật Phu là người mở mà cho chiến dịch phim truyền hình thể loại võ hiệp. |
Trong thập niên 80, 90, và những năm đầu thế kỉ 21, dưới sự lãnh đạo của Thiệu Dật Phu, TVB vẫn không ngừng phát triển, dù cũng đã trải qua không ít sóng gió, trở thành đài truyền hình tiếng Hoa có tầm ảnh hưởng nhất trên toàn thế giới, với hàng trăm triệu khán giả ở khắp mọi nơi.
Thiệu Dật Phu bên cạnh các hoa hậu Hong Kong - hình ảnh mà năm nào khán giả cũng được nhìn thấy. |
Thiệu Dật Phu - biểu tượng sống của TVB. |
Năm 2011, sau 44 năm đứng ở vị trí người đứng đầu TVB, Thiệu Dật Phu chính thức nghỉ hưu ở tuổi 104. Con cháu của Thiệu Dật Phu đáng tiếc, không ai có nối nghiệp cha. Ông bán cổ phần của mình cho Trần Quốc Cường, chủ tịch tập đoàn ITC với giá 6,26 tỷ đô la Hong Kong. Tuy nhiên, Thiệu Dật Phu vẫn là chủ tịch danh dự của hãng, được tất cả các nghệ sĩ, nhân viên và người dân Hong Kong coi là “tượng đài sống” của TVB.
Ngày 7/1/2014, ông qua đời tại nhà riêng, thọ 107 tuổi. Thi thể của “ông vua truyền hình” TVB đã được hỏa táng vào ngày 9/1 và lễ tưởng niệm ông sẽ được diễn ra trong tuần tới.
Một đời vì hoạt động từ thiện
Ngoài sự nghiệp điện ảnh và truyền hình thành công, Thiệu Dật Phu còn dành phần nhiều thời gian và tiền bạc để làm từ thiện. |
Hơn 100 tuổi, Thiệu Dật Phu vẫn luôn được mô tả là người minh mẫn và tỉnh táo về trí tuệ, và khỏe mạnh hơn rất nhiều những người ở cùng độ tuổi khác. Ông là một người “nghiện công việc” và có một cuộc sống vô cùng điều độ. Những người thân cận với Thiệu Dật Phu tiết lộ, ông ăn ít, làm việc nhiều, ngủ sớm, chăm chỉ tập khí công và dùng nhân sâm để bồi bổ sức khỏe.
Trong suốt cuộc đời mình, Thiệu Dật Phu đã dành hàng tỷ đô la Hong Kong cho các hoạt động từ thiện, xây dựng trường học và bệnh viện ở Hong Kong, Trung Quốc đại lục và nhiều khu vực có người hoa sinh sống. Sau cơn địa chấn lịch sử tại Tứ Xuyên vào năm 2008, Thiệu Dật Phu đã gửi đến mảnh đất này 13 triệu USD cho các hoạt động tái thiết.
Biểu đồ những tòa nhà, trường học, bệnh viện trên khắp Trung Quốc có sự đóng góp của Thiệu Dật Phu |
Năm 2002, Thiệu Dật Phu thiết lập một giải thưởng quy mô quốc tế với tên gọi là Shaw Prize, dành cho 3 lĩnh vực khoa học nghiên cứu, bao gồm ngành vũ trụ, toán học, xã hội – y học. Giá trị giải thưởng thường niên lên tới 1 triệu USD/ năm, được gọi là giải Nobel của châu Á.
Trong suốt cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp điện ảnh, truyền hình và truyền thông của người Hoa, Thiệu Dật Phu đã ghi tên mình với vô số các giải thưởng, bằng khen danh dự.
Năm 1977, ông nhận được huân chương hiệp sĩ từ nữ hoàng Anh Elizabeth đệ nhị. Năm 1981, Thiệu Dật Phu nhận được bằng tiến sĩ khoa học Danh dự từ trường đại học Hong Kong cho những cống hiến trong việc xây dựng trường đại học và cộng đồng. Năm 1984, Thiệu Dật Phu nhận bằng Tiến sĩ ngành luật cho những đóng góp phát triển xã hội. Năm 1998, đặc khu hành chính Hong Kong trao tặng Thiệu Dật Phu mề đay Kim Tử Kinh.
Thiệu Dật Phu lập ra giải thưởng Shaw Prize |
Năm 2007, LHP Hong Kong đã trao tặng ông giải thưởng Thành tựu một đời. Năm 2013, Thiệu Dật Phu được Hiệp hội làm phim Anh Quốc BAFTA danh tiếng trao tặng giải thưởng danh dự cho những cống hiến vì sự nghiệp điện ảnh.
Đến giờ, người Hoa trên khắp thế giới đều thừa nhận, nếu không có chú Sáu, Hong Kong sẽ không có một nền điện ảnh và truyền hình phát triển rực rỡ đến thế. Số phận của rất nhiều con người sẽ thay đổi nếu không có ông. Và thực tế, Thiệu Dật Phu, với tất cả niềm đam mê, ước mơ và sức lực của mình, đã đem đến cho nền điện ảnh, truyền hình của người Hong Kong nói riêng và người Hoa nói chung một cục diện hoàn toàn mới, bắt kịp với thời đại và mạnh mẽ không kém gì với các nước phương Tây.