Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Ông vua xe cổ Việt Nam' lên báo Mỹ

Ông Trần Quang Vinh, Chủ tịch câu lạc bộ Harley-Davidson Hà Nội, người đang sở hữu bộ sưu tập khoảng 200 mẫu xe cổ tại Việt Nam, vừa xuất hiện trên trang Motorcycle nổi tiếng của Mỹ.

Không biết từ khi nào, xe máy đã trở thành một nét văn hóa, gắn liền với cuộc sống thường nhật của người dân Việt Nam. Không chỉ là phương tiện đi lại, những chiếc xe máy còn có thể trở thành công cụ kiếm sống hằng ngày, một món tài sản có giá trị đối với nhiều gia đình. Từ những gia đình có thu nhập bình thường cho đến những gia đình rất giàu có đều sở hữu ít nhất một chiếc xe máy.
Nhiều người mang trong mình niềm đam mê với phương tiện đi lại phổ thông này đã dành không ít thời gian, công sức để sưu tầm những mẫu xe gắn máy cổ điển, độc đáo hay những mẫu xe đầy tốc độ. Ông Trần Quang Vinh, chủ nhân của quán Café xe cổ, đồng thời là chủ tịch câu lạc bộ Harley-Davidson Hà Nội, là một trong những người sưu tập xe cổ nổi tiếng tại Việt Nam, sở hữu khoảng 200 mẫu xe cổ điển với các dòng như Vespa, Mobylette, Simson, Lambretta hay CD Benly.
Ông Vinh được sinh ra tại Pháp, sau đó cùng gia đình trở về Việt Nam sinh sống từ năm 1964. Trong thời kỳ đất nước còn đang khó khăn, ông Vinh ý thức được việc phải lao động và sáng tạo hăng say để có thể vượt lên hoàn cảnh. Có những thời điểm, gia đình ông phải bán hết những tài sản mang về từ Pháp để lấy tiền sinh sống. Thời gian sau, khi làm ra tiền, ông Vinh đã mua lại toàn bộ những món đồ mà gia đình đã bán trước đó. Có những món đồ bị hỏng trong gia đình, ông Vinh cũng tự tay sửa lại. Lâu dần, sửa chữa đồ đã trở thành công việc yêu thích của người đàn ông đam mê xe nổi tiếng Việt Nam. Về sau, ông đã chủ động mua lại những món đồ hỏng hóc với giá rẻ, mang về sửa chữa lại, trong đó có cả những chiếc xe.
Niềm đam mê với máy móc, cơ khí đã có trong ông Vinh từ khi còn nhỏ. Tuy nhiên, ông không được đào tạo bài bản tại trường lớp nào, mà chỉ mày mò học hỏi từ thực tế. Khi đất nước giải phóng, ông Vinh bắt đầu mở tiệm sửa chữa máy khâu, một món tài sản quan trọng với nhiều gia đình thời kỳ đó, thậm chí đi từ Bắc vào Nam để làm công việc này. Tài năng thiên bẩm đã giúp ông Vinh nhanh chóng kiếm được khoản tiền kha khá và ông bắt đầu mua những chiếc xe gắn máy.
Nhờ sự am hiểu về cơ chế vận hành, máy móc của những chiếc xe, ông Vinh bắt đầu chỉnh sửa lại để chúng trở nên thực tế hơn, hoặc làm theo nhu cầu của giới trẻ, khiến những chiếc xe trở nên nhanh hơn. Ông đã thay đổi động cơ xe từ 50cc thành 65-70cc chỉ bằng những công cụ rất thô sơ. Thời điểm đó, những mẫu xe độ của ông Vinh đã thực sự thu hút người dùng, ai cũng muốn sở hữu một chiếc xe như vậy.
“Trong một lần về thăm nhà bố mẹ ở ngoại thành Hà Nội, có người đã dừng tôi lại trên đường chỉ để hỏi mua chiếc xe tôi đang chạy”, ông Vinh kể lại kỉ niệm với chiếc xe đầu tiên ông chế tạo. “Nhận thấy đó là một cơ hội kinh doanh tốt, có lợi nhuận, tôi đã bán chiếc xe và đi xe khách về nhà để lấy chiếc xe khác về thăm bố mẹ. Tuy nhiên, trên đường đi, tôi lại gặp một người khác muốn mua xe và tôi tiếp tục bán nó. Lần thứ ba tiếp diễn như hai lần trước, chiếc xe được bán ngay trên đường về. Ngày hôm đó, tôi đã về thăm bố mẹ rất muộn, nhưng cũng kiếm được món hời lớn.”
Tình yêu và sự đam mê với những chiếc xe cổ đã theo ông Vinh đến tận ngày nay. Càng về sau, ông Vinh càng nhận thấy những giá trị văn hóa rất cao ở những chiếc xe cổ điển. Ông Vinh cho biết: “Những mẫu xe hiện đại có tốc độ ngày càng nhanh, tuy nhiên những chiếc xe cổ điển sở hữu tốc độ chậm lại khiến bạn khác biệt hơn, mang đến cho bạn sự thư thái và thoải mái. Sự hòa hợp giữa con người và chiếc xe mang lại trải nghiệm hết sức yên bình”.
Ông Vinh sở hữu nhiều mẫu xe vang bóng một thời của các thương hiệu như Solex, Mobylette, Simson, Ural, Vespa, Lambretta... Ông chủ của quán Café xe cổ sưu tập bất cứ mẫu xe nào ông cho là có thiết kế đẹp hoặc hiếm gặp. Đối với ông Vinh, mỗi mẫu xe đều mang những kỉ niệm riêng, vì vậy ông trân trọng tất cả những gì mình đang sở hữu, và còn gọi đùa chúng là “vợ yêu”, trong đó có mẫu xe hàng độc Mobylette AV89 đã được phục chế.
Theo ông Vinh, chỉ những ai trở về từ New Caledonia mới sở hữu một chiếc xe như vậy. Mobylette AV89 thật sự là một mẫu xe tuyệt vời, khi khối động cơ 50cc của xe có thể đạt tốc độ 70 km/h. Đây là chiếc xe nhanh nhất trong thời điểm những mẫu xe 70cc đang phổ biến.
Tình yêu xe của ông Vinh với những chiếc xe ngày càng trở nên sâu đậm. Vào năm 2004, ông đã chơi một “ván bài” mạo hiểm khi mua chiếc Harley-Davidson hiện đại đầu tiên về Việt Nam, mẫu Street Glide CVO.
Đến năm 2010, ông Vinh sáng lập ra hai câu lạc bộ Harley-Davidson tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Hồi đó, do giá thành xe cao và những rào cản trong quá trình sở hữu xe, nên số lượng thành viên ở 2 câu lạc bộ lần lượt là 57 và 48 người. Hiện tại, con số này đã tăng lên lần lượt 127 và 75 người.
Ông Vinh đã trở thành cái tên được giới chơi xe trong nước biết đến và nể trọng, nhờ những đóng góp cho nền văn hóa xe tại Việt Nam. Bộ sưu tập xe cổ hiện tại của ông Vinh có thể coi là một bảo tàng thu nhỏ để những người đam mê có thể đến và tìm hiểu về những chiếc xe hai bánh, gắn liền với lịch sử và văn hóa của Việt Nam.
Ông Vinh cho biết: “Đây là niềm đam mê, sở thích của tôi, vì vậy tôi rất vui khi được giao lưu và đàm đạo với những nhà sưu tập xe khác. Mua bán, phục chế những mẫu xe cũ đã trở thành niềm vui của tôi mỗi ngày. Nó khiến tôi tự hào khi giới thiệu về các sản phẩm của mình.”

Hạ Phong Ảnh: Motorcycle USA

Bạn có thể quan tâm