OPEC+ ngày 2/4 bất ngờ tuyên bố cắt giảm sản lượng. Ảnh: Reuters. |
Cam kết mới này đã nâng tổng sản lượng cắt giảm của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và nhiều nước đối tác (OPEC+), lên 3,66 triệu thùng/ngày, tương đương 3,7% nhu cầu toàn cầu, theo tính toán của Reuters.
Quyết định này diễn ra một ngày trước cuộc họp trực tuyến của hội đồng cấp bộ trưởng OPEC+, trong đó có Saudi Arabia và Nga.
Saudi Arabia, nhà sản xuất hàng đầu của OPEC, tuyên bố sẽ cắt giảm 500.000 thùng/ngày. Bộ Năng lượng nước này khẳng định việc cắt giảm tự nguyện của họ là một biện pháp phòng ngừa nhằm giúp ổn định thị trường dầu mỏ.
“OPEC đang thực hiện các bước phủ đầu trong trường hợp nhu cầu có thể giảm”, Amrita Sen, Giám đốc của Energy Aspects, nhận định.
Trong khi đó, người đứng đầu công ty đầu tư Pickering Energy Partners ngày 2/4 cho biết động thái cắt giảm mới nhất có thể nâng giá dầu lên 10 USD/thùng. Nhà môi giới dầu mỏ PVM dự đoán giá dầu sẽ tăng ngay lập tức sau khi phiên giao dịch bắt đầu vào tuần mới.
Cuối năm ngoái, OPEC+ đã đồng ý cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày từ tháng 11/2022 cho đến cuối năm nay. Động thái này đã chọc giận Washington khi nguồn cung thắt chặt hơn sẽ làm tăng giá dầu.
“Chúng tôi không nghĩ rằng việc cắt giảm là nên làm vào thời điểm này do thị trường bất ổn. Và chúng tôi đã nói rõ điều đó”, người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ nhận định về động thái mới nhất từ OPEC+.
Việc cắt giảm tự nguyện này sẽ bắt đầu từ tháng 5 và kéo dài đến cuối năm. Trong đó, Iraq sẽ cắt giảm 211.000 thùng/ngày, Reuters dẫn tuyên bố chính thức từ nước này.
Kevin Book, Giám đốc điều hành của Clearview Energy Partners LLC, cho rằng mặc dù việc cắt giảm sản lượng này chỉ chiếm khoảng 1% trong số khoảng 100 triệu thùng dầu mà thế giới sử dụng mỗi ngày, tác động lên giá dầu có thể vẫn rất lớn.
Giá dầu đã giảm xuống mức thấp nhất trong 15 tháng vào đầu tháng này trong bối cảnh cuộc khủng hoảng ngân hàng tại nhiều nước, theo Guardian.
Vấn đề Trung Đông
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Châu Phi - Trung Đông: Những vấn đề chính trị và kinh tế nổi bật". Cuốn sách giới thiệu cuộc cải cách thể chế chính trị và kinh tế ở châu Phi và Trung Đông từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay. Cuốn sách bao trùm nhiều vấn đề về sắc tộc, khả năng giải quyết mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo, chính sách của các nước lớn, dầu mỏ, khí đốt ở hai khu vực này…
>>Độc giả có thể đọc thêm tại đây.