Ngay trong ngày đầu tiên nhiệm kỳ thứ hai ở Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump đã hủy bỏ mục tiêu 50% doanh số ôtô mới tại Mỹ vào năm 2030 là xe thuần điện. Tổng thống Mỹ thứ 47 cũng đóng băng các khoản mà Chính phủ Mỹ chưa chi trong gói hỗ trợ phát triển trạm sạc trị giá 5 tỷ USD.
Những động thái của ông Donald Trump với ôtô điện tại một trong những thị trường xe lớn nhất và có sức ảnh hưởng hàng đầu thế giới khiến không ít người đặt ra câu hỏi: Liệu ôtô điện có thể "chết yểu" sau quyết định của Tổng thống Trump?
Nước Mỹ không "đơn độc"
Trước khi Tổng thống Donald Trump công khai ý định chấm dứt chính sách ưu đãi thuế liên bang trị giá 7.500 USD cho xe điện tại Mỹ, một số quốc gia châu Âu đã cắt giảm hoặc thay đổi chương trình hỗ trợ người mua ôtô chạy điện.
Chẳng hạn, Pháp đã cắt giảm ngân sách dành cho chương trình trợ cấp xe điện, từ 1,5 tỷ EUR (khoảng 1,55 tỷ USD) xuống còn 1 tỷ EUR (khoảng 1,04 tỷ USD). Mức trợ cấp 4.000-7.000 EUR (khoảng 4.144-7.252 USD) từng được triển khai cho người dân Pháp mua xe điện thì nay đã giảm xuống còn 2.000-4.000 USD (2.072-4.144 USD).
Cuối năm 2023, Chính phủ Đức thông báo chấm dứt chương trình trợ cấp xe điện sau khi đã chi khoảng 10 tỷ EUR (khoảng 10,36 tỷ USD) cho nội dung này kể từ năm 2016.
Đức chấm dứt chương trình trợ cấp xe điện sau gần 10 năm triển khai |
Trước thời điểm nói trên, người dân Đức từng được hưởng mức trợ cấp đến 4.500 EUR (khoảng 4.662 USD) khi mua ôtô điện. Các nhà sản xuất xe điện cũng đồng thời nhận 2.250 EUR (khoảng 2.331 USD) trên mỗi xe điện bán ra.
Là dòng phương tiện còn khá mới mẻ với phần đông khách hàng đã quen sử dụng xe chạy xăng hay dầu, ôtô điện được nhiều quốc gia trên thế giới triển khai các ưu đãi theo nhiều hình thức khác nhau để kích thích sức mua, khuyến khích chuyển đổi sang phương tiện chạy điện dùng pin.
Dữ liệu của Rho Motion cho biết giá bán ôtô thuần điện hiện vẫn cao hơn khoảng 75% so với xe động cơ đốt trong đồng hạng. Các chính sách trợ cấp, ưu đãi thuế vì vậy được xem là công cụ quan trọng để giúp xe điện dễ tiếp cận hơn, đẩy nhanh quá trình phổ cập.
Giá bán ôtô điện vẫn còn khá cao so với ôtô chạy xăng đồng hạng. Ảnh minh họa: Carscoops. |
Do đó, việc cắt giảm trợ cấp đã tạo ra những ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường. Chẳng hạn, doanh số xe điện tại Đức trong tháng 8/2024 từng giảm đến 69% so với cùng kỳ năm trước.
Kết thúc năm 2024, lượng xe điện bán ra trên toàn châu Âu đã giảm 3%. Nhiều chuyên gia cho rằng sự sa sút của thị trường Đức sau khi nước này cắt ưu đãi xe điện là nguyên nhân chính.
Các hãng xe còn "quay xe" trước cả ông Trump
Việc Tổng thống Donald Trump có thái độ không mấy tích cực với xe thuần điện khiến nhiều người hoài nghi về tương lai của xe điện tại một trong những thị trường ôtô lớn nhất thế giới.
Trên thực tế, nhiều nhà sản xuất ôtô đã có những động thái giảm bớt nguồn lực cho mảng ôtô điện, ngay cả trước khi ông Donald Trump bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai của mình tại Nhà Trắng.
Chẳng hạn, Volvo cho biết trì hoãn mục tiêu trở thành hãng xe thuần điện hoàn toàn, thay vì cố gắng đạt được vào năm 2030 thì nay sẽ chuyển sang năm 2040.
Volvo trì hoãn thời điểm trở thành một hãng xe thuần điện. Ảnh: Volvo. |
Lãnh đạo General Motors thừa nhận mục tiêu trở thành một nhà sản xuất ôtô thuần điện vào năm 2035 sẽ phụ thuộc nhiều vào mức độ chấp nhận của khách hàng.
Ford cũng trì hoãn kế hoạch ngừng bán xe xăng, đồng thời hủy bỏ dự án phát triển SUV điện 3 hàng ghế và cắt giảm 10% khoản đầu tư cho mảng ôtô thuần điện.
Audi cho biết sẽ không vội vàng điện hóa dù vẫn giữ kế hoạch trở thành hãng xe thuần điện vào năm 2033. Bentley cũng có động thái tương tự khi lãnh đạo cho rằng khách hàng vẫn chuộng động cơ đốt trong ở phân khúc xe hạng sang.
Phần lớn những cái tên nói trên chọn xe hybrid làm bước đệm cho quá trình điện hóa, hoặc phân bổ thêm nguồn lực cho nhóm xe lai xăng-điện này.
Volvo nhắm đến mục tiêu 90-100% doanh số vào năm 2030 sẽ là các xe thuần điện và PHEV. Audi cho biết sẽ tiếp tục ra mắt các mẫu ôtô đốt trong, bên cạnh những dòng xe PHEV cho đến năm 2033.
Ford hủy kế hoạch SUV điện 3 hàng ghế, thay bằng động cơ hybrid. Ảnh: Ford. |
Ford cho biết thay vì một mẫu SUV thuần điện 3 hàng ghế, hãng sẽ trang bị cho mẫu xe này hệ truyền động hybrid.
Lãnh đạo General Motors xác nhận sẽ sử dụng công nghệ PHEV ở một số phân khúc cụ thể, hướng đến mục tiêu loại bỏ hoàn toàn phát thải trên ôtô vào năm 2035.
Ôtô điện khó "chết yểu"
Trước động thái cứng rắn của Tổng thống Trump, những lo ngại về tương lai của xe điện tại Mỹ là có cơ sở.
Tuy nhiên vẫn phải nhìn nhận thực tế rằng điểm nóng thị trường xe điện thế giới không phải ở Mỹ mà đang nằm ở bên kia bán cầu, nơi khách hàng Trung Quốc đã mua xấp xỉ 11 triệu ôtô điện trong năm 2024, tương đương đóng góp khoảng 64% tổng doanh số toàn cầu.
Do đó, những ảnh hưởng, nếu có, lên thị trường xe điện Mỹ về cơ bản sẽ không gây ra quá nhiều tác động đến định hướng kinh doanh, phát triển mảng xe thuần điện của các nhà sản xuất ôtô thế giới.
Mỹ chưa phải là thị trường xe điện đủ lớn. Ảnh minh họa: Kia. |
Năm ngoái, ôtô thuần điện đóng góp khoảng 1,3 triệu xe vào tổng doanh số 15,9 triệu ôtô mới tại Mỹ, tương đương tỷ trọng khoảng 8,3%. Dù ghi nhận tăng trưởng, thị phần xe điện tại Mỹ vẫn còn khá khiêm tốn so với các nhóm xe sử dụng hệ truyền động khác.
Những hãng có kinh doanh ôtô thuần điện tại Mỹ vì vậy gần như sẽ không phải đối diện với quá nhiều thách thức một khi Tổng thống Trump chính thức hủy bỏ ưu đãi thuế liên bang trị giá 7.500 USD, khiến sức mua xe điện tại Mỹ nhiều khả năng chịu ảnh hưởng.
Chuyên trang Motor1 cho biết cũng không có nhiều lựa chọn ôtô thuần điện tại Mỹ đủ tiêu chuẩn nhận trọn vẹn khoản ưu đãi thuế liên bang trị giá 7.500 USD.
Tesla sẽ là cái tên bị ảnh hưởng nhiều nhất, bởi bán tải điện Tesla Cybertruck vừa ra mắt cùng loạt phiên bản Model 3 và Model Y đều nằm trong danh sách xe điện được hưởng trọn ưu đãi thuế 7.500 USD tại Mỹ.
Nhiều xe điện Tesla nằm trong nhóm hưởng trọn ưu đãi thuế liên bang trị giá 7.500 USD tại Mỹ. Ảnh: Top Gear. |
Nhìn chung, ôtô điện khó có thể là sự thay thế hoàn toàn cho ôtô động cơ đốt trong, nhưng công nghệ xe điện vẫn tiếp tục được các hãng đầu tư phát triển, dù nguồn lực sẽ ít nhiều giảm sút.
Những tiến bộ ở motor điện, pin, khung gầm, trang bị hay công nghệ ngoài sử dụng trên ôtô điện còn có thể được ứng dụng ngược lại cho ôtô truyền thống, hay được kết hợp với động cơ đốt trong hình thành nên những mẫu PHEV, EREV có khả năng di chuyển cả nghìn km khi pin đủ, xăng đầy.
Đây là những lý do khiến ôtô điện khó có thể "chết yểu", bất chấp nền kinh tế hàng đầu thế giới đang có những chính sách loại bỏ sự ưu ái dành cho dòng phương tiện này.
Sách hay đọc trên xe
Chuyên mục Xe gửi tới độc giả những tựa sách hay với nhiều chủ đề hấp dẫn. Trên những chặng hành trình với những chiếc xe, không hiếm khi chúng ta có những khoảnh khắc nghỉ ngơi, thư giãn, và những trang sách là người bạn đồng hành lý thú.