Trung tuần tháng 2, tại TP.HCM ghi nhận 2 trường hợp xe VinFast Lux A2.0 gặp tai nạn. Điểm chung của 2 vụ tai nạn là trục trước của xe bị gãy và bánh lái bên trái bị lật khỏi trục lái.
Vụ đầu tiên là chiếc xe màu xanh bị hư hỏng phần đầu nằm cạnh một dải phân cách bê-tông trên đường Phan Văn Trị, quận Gò Vấp vào tối ngày 16/2. Vụ thứ hai xảy ra hôm 22/2 trên đường Bạch Đằng, quận Bình Thạnh có hiện trường là chiếc xe màu bạc tông ngã dải phân cách bằng sắt.
Vụ việc gây xôn xao trên mạng xã hội. Một số người còn tung tin xe VinFast đang chạy tự gãy bánh trước mà không gặp bất cứ va chạm nào kèm hình ảnh chiếc VinFast màu xanh bị gãy gập phần bánh xe.
Va chạm dẫn đến hư hỏng
Trao đổi với Zing, TS Trương Quí Hoàng Phương, chuyên gia nghiên cứu, phát triển công nghệ mới tại tập đoàn BMW dự đoán rằng có thể cả 2 chiếc Lux A2.0 kể trên đều gặp va chạm trước khi bị "gãy càng".
Trong vụ việc tại Gò Vấp, TS Hoàng Phương nhận định có thể xe đã chạy nhanh và va đập mạnh vào một chướng ngại vật khá kiên cố nằm thấp dưới lòng đường. Trong tình huống góc lái mở sang trái, kết hợp với vận tốc vài chục km/h và khối lượng của xe hơn một tấn có thể làm đứt các thanh liên kết của hệ thống treo trước và khiến bánh xe lật ngang.
Nơi chiếc VinFast Lux A2.0 gặp nạn có một trụ bê trông lớn. |
Ở vụ tai nạn thứ 2, dự đoán được đưa ra là các thanh sắt của dải phân cách khi bị tông sập có thể đã len vào góc mở bánh đâm và chèn đứt dầm treo bánh xe (lower control arm) của chiếc Lux A2.0, khiến trục lái bị hư hỏng.
Điểm chung của các vụ tai nạn là đều diễn ra vào ban đêm và khi đường phố thông thoáng nên ôtô có thể di chuyển ở vận tốc cao. Có thể người lái đã xử lý không chính xác, dẫn đến va chạm.
Chuyên gia ôtô Nguyễn Thanh Hải cũng nhận định 2 chiếc xe VinFast rụng bánh đều là do va chạm. "Đa số ảnh chụp có vệt va chạm ngoại lực và đều sát các dải phân cách giao thông. Thường phải va chạm mới gãy được bánh vì bánh xe có rất nhiều thanh giằng lẫn nhau nên nếu gãy, tuột một ốc trong hệ thống treo sẽ không gãy, rơi được bánh" - ông Hải cho biết.
Hiện trường xe VinFast Lux A2.0 đâm ngã dải phân cách kim loại tại quận Bình Thạnh. |
Chuyên gia ôtô Nguyễn Sơn chia sẻ, các va chạm đều không phải là trực diện đã khiến bánh xe rụng ra ngoài ở hai vụ tai nạn trên. "Khi ôtô va chạm với các vật cản cứng tầm thấp (cao tầm ngang tâm bánh xe) và góc va chạm hẹp sẽ giữ bánh lại trong khi cả chiếc xe lao về phía trước, dẫn tới bẻ gãy rời bánh xe".
Một nguồn tin của VinFast chia sẻ với Zing, có vụ việc chủ xe đã liên hệ với tổng đài để sử dụng dịch vụ cứu hộ miễn phí của hãng để đưa xe về xưởng. "Các xe đều được bảo hiểm và cơ quan công an đã có mặt ghi nhận vụ việc trước khi xe được kéo đi khỏi hiện trường" - người này cho biết thêm.
Thiết kế kỹ thuật đảm bảo an toàn
Song song với nhận định về các tình huống tai nạn kể trên, TS Hoàng Phương cho biết các xe VinFast Lux A2.0 và Lux SA2.0 có thể được thiết kế để khi gặp tai nạn sẽ "gãy càng" nhằm đảm bảo tính an toàn cho hành khách trong cabin.
Nhận định này đến từ việc mẫu sedan và SUV của VinFast sử dụng kết cấu hệ thống treo trước là kiểu độc lập tay đòn kép (double wishbone), tương tự các dòng xe BMW. Trong đó, Lux A2.0 và Lux SA2.0 vốn được phát triển dựa trên nền tảng động cơ, khung gầm của BMW 5-Series (F10) và X5 (F15).
Cụ thể, khi có tai nạn đâm ở chính diện khoảng 1/4 đầu xe (small overlap), BMW thiết kế các điểm liên kết giữa cụm tay đòn (control arm) và trục xoay của bánh xe sẽ bị phá hủy sao cho bánh xe xoay theo phương ngang góc 90 độ ra ngoài hoặc vào trong, thoát khỏi khung xe.
Lúc này, bánh xe sẽ không bị lực va chạm đẩy vào trong cột chữ A và khoang xe, tránh gây nguy hiểm cho chân và phần thân dưới của người lái cũng như hành khách trong xe. Tùy theo lực đâm và hướng đâm có thể dẫn đến các tình huống gãy trục bánh xe khác nhau, từ nhẹ đến nặng.
Theo TS Hoàng Phương, các hãng xe cao cấp như BMW chú trọng đến yếu tố an toàn nên thiết kế bánh xe trước có xu hướng "chủ động" lật ngang khi có tai nạn để ưu tiên bảo vệ cho người lái và hành khách. Khung gầm và các bộ phận bị hư hại do đâm đụng có thể được sửa chữa hoặc thay thế sau đó.
Chuyên gia Nguyễn Thanh Hải cho biết: "Các xe được thiết kế để đạt điểm an toàn cao trong các đợt kiểm tra của Uỷ ban ATGT Quốc gia Mỹ (NHTSA), Viện Nghiên cứu ATGT quốc gia Mỹ (IIHS) và Euro NCAP từ năm 2012 đến nay sẽ có khả năng cao bị gập bánh khi va chạm. Toàn bộ khu vực lốp xe, hệ thống treo và một phần vách cabin được thiết kế để trở thành một vùng đệm hấp thụ xung lực cho khoang người lái khi xảy ra đâm xe lệch trục - 25% đầu xe về bên lái hoặc bên phụ".
Theo bài test của IIHS thì khi xe đâm lệch đầu xe với tốc độ 65 km/h, bánh đã có khả năng rụng khỏi xe. Tuy nhiên, mỗi hãng sẽ tùy chỉnh một tốc độ hoặc ngoại lực khác nhau. Các bộ phận chịu trách nhiệm hấp thụ xung lực khi va chạm sẽ rụng từng phần theo một trình tự tính toán trước để lực tác động giảm thiểu vào khoang cabin và các chi tiết không đâm vào xe.
Tất cả xe ở các thị trường các nước phát triển hoặc có platform - như VinFast, thiết kế để đáp ứng tiêu chuẩn an toàn NHTSA, IIHS và Euro NCAP đều có khả năng rơi bánh khi va chạm.
BMW X3 có bánh trước lật ngang trong bài kiểm tra va chạm của IIHS. Ảnh: IIHS. |
Reviewer ôtô xe máy Lê Thượng Tiến cho biết, ngay cả khi xe không sở hữu tính năng "rụng bánh", thì về nguyên tắc thiết kế, đây là bộ phận hoàn toàn có thể gãy rời ra khi va chạm để giảm lực tác động vào cabin khi tai nạn xảy ra.
"Chúng ta nên nhìn nhận ở khía cạnh xe là để chạy, chẳng chiếc xe nào thiết kế để giữ y nguyên khi xảy ra tai nạn. Ngay cả xe tăng còn có thể rụng bánh xích cơ mà?" - anh Tiến chia sẻ.
Cũng theo anh Tiến, không phải tất cả các xe gãy trục đều là do va chạm. Ví dụ như khi làm mâm vỏ, sau khi tháo ra, thợ siết ốc vào không đủ lực hoặc quá lực khiến ốc bị hư hỏng ốc, moay ơ và mâm xe không được ép sát và luôn có xu hướng lắc ngang, đến một lúc nào đó sẽ tạo dao động cộng hưởng và bẻ gãy liên kết. Hoặc với những xe độ bộ "space" để đưa bánh ra ngoài nhiều hơn, cũng khiến cho trục lái chịu tác động lực lớn hơn nhiều, đây cũng là một yếu tố có thể dẫn đến xe dễ gãy trục bánh hơn.
Trên thực tế, nhà sản xuất có thể khiến bánh xe khó gãy khỏi trục hơn. Với cùng một kiểu kết cấu hệ thống treo, nếu nhà sản xuất thay đổi vật liệu có độ bền lớn hơn hoặc tăng số điểm liên kết ở cụm tay đòn, bánh xe sẽ rất cứng chắc khi va chạm. Tuy nhiên, điều này sẽ khiến toàn bộ lực hấp thụ được truyền tới các bộ phận tiếp theo của xe, và có thể khiến người bên trong xe gặp nạn. Các ôtô hiện đại ưu tiên bảo vệ con người hơn là bảo vệ các bộ phận trên xe.