Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy trong tháng 1/2015 có khoảng 10.000 xe ôtô nguyên chiếc được nhập về Việt Nam với tổng giá trị khoảng 156 triệu USD, gấp gần 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2014. Các doanh nghiệp (DN) ôtô cho rằng không đợi đến năm 2018, thời điểm thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc ở khu vực ASEAN về 0% theo hiệp định ATIGA, ôtô nhập khẩu từ các nước ASEAN đang và sẽ chiếm lĩnh thị trường Việt Nam.
Xe Thái, Indonesia sẽ đổ bộ vào Việt Nam
Ông Trần Tấn Trung, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Liên Á Quốc tế, cho biết mức nhập khẩu cao trong tháng 1 vì dịp tết Nguyên đán nhu cầu sắm xe của người dân tăng cao. Còn tăng hơn so với mọi năm là do nền kinh tế đã ổn định phục hồi, thu nhập người dân cũng cao lên.
Theo ông Trung, điều kiện để hưởng thuế suất nhập khẩu 0%-5% là tỷ lệ nội địa hóa tại ASEAN của xe đó phải từ 40% trở lên. Như vậy, từ nay đến năm 2018 dự kiến những dòng xe sản xuất tại Thái Lan sẽ nhập về Việt Nam ngày càng nhiều. Lý do là tỷ lệ nội địa hóa nhiều dòng xe sản xuất lắp ráp tại Thái Lan đều cao hơn 40%.
Đại diện một DN ôtô nhập khẩu tiết lộ những dòng xe Ford, Chevrolet, Nissan… được lắp ráp tại Thái Lan đều có tỷ lệ nội địa hóa trên 40%. Các dòng xe khác cũng có tỷ lệ nội địa hóa cao và đang có hướng nâng con số này lên để hưởng thuế suất 0%, tăng doanh số bán hàng tại các nước trong khu vực ASEAN. Dòng xe bán tải sẽ tràn ngập thị trường Việt Nam. Ngoài Thái Lan, các hãng xe từ Indonesia cũng sẽ nhập nhiều vào Việt Nam.
Ôtô từ Thái Lan, Indonesia sẽ nhập khẩu vào Việt Nam ngày càng nhiều. Trong ảnh: Khách hàng tham quan tại Triển lãm quốc tế xe máy, ôtô Việt Nam - MotorShow 2014 tổ chức tại TP.HCM. Ảnh: QUANG HUY |
“Hiện tại, hãng xe Mitsubishi đang lắp ráp tại Việt Nam đã chuyển sang nhập khẩu các dòng xe thương hiệu này. Có hãng xe lắp ráp tại Việt Nam tám sản phẩm thì đã có bảy sản phẩm là nhập khẩu. Nhiều DN ôtô nước ngoài có nhà máy tại nước ta đều không đầu tư thêm. Có hãng xe sang ta chủ yếu nhập khẩu ôtô con còn lại chỉ lắp ráp sản phẩm xe buýt, xe tải” - vị đại diện này chia sẻ.
Tại Triển lãm quốc tế xe máy, ôtô Việt Nam - MotorShow 2014 tổ chức ở TP.HCM, các sản phẩm xe được giới thiệu tại đây (kể cả những hãng lắp ráp trong nước) đều là những sản phẩm nhập khẩu nguyên chiếc.
Trong khi đó, ông Vũ Trường Giang, Trưởng phòng Bộ phận phát triển và kinh doanh của hãng xe Infiniti tại Việt Nam, cho hay các dòng xe nhập khẩu của hãng nhập từ Mỹ, Nhật không nằm trong khu vực ASEAN nên không được hưởng thuế suất 0%. Hiện DN chủ yếu nhập theo nhu cầu từ các đại lý và khách hàng.
E ngại chính sách thay đổi xoành xoạch
Nhiều chuyên gia lĩnh vực này nhận định nếu thị trường vẫn tăng trưởng như ở mức năm 2014, chắc chắn rằng xe ôtô nguyên chiếc nhập khẩu về Việt Nam tiếp tục tăng cao và có thể thống lĩnh thị trường.
PGS-TS Phạm Xuân Mai, nguyên Trưởng khoa Kỹ thuật giao thông ĐH Bách khoa TP.HCM, cho biết chiến lược phát triển ngành ôtô Việt Nam đã hơn 20 năm nay vẫn chưa hoàn thành, chưa có quy hoạch cụ thể. Xe nhập khẩu từ các nước ASEAN vào Việt Nam sẽ ngày càng nhiều vì các DN ôtô đang được hưởng mức thuế giảm theo hiệp định ATIGA.
Những DN đang lắp ráp tại Việt Nam cũng đang được hưởng ưu đãi đầu tư sao cũng chuyển sang nhập khẩu? Theo PGS Phạm Xuân Mai đó chính là yếu tố lợi nhuận, DN lắp ráp bán lời ít, có khi lỗ còn nhập khẩu lãi nhiều vì thuế đang giảm. Xe nhập khẩu sẽ chiếm lĩnh thị trường tạo áp lực cạnh tranh lớn đối với DN sản xuất lắp ráp Việt Nam như Thaco, Vinaxuki,…
“Đừng trách DN trong nước, năng lực DN Việt Nam có thừa, nguyên nhân ngành ôtô trong nước không phát triển được là do chính sách nước ta thiếu tính ổn định, hay thay đổi và không nhất quán. Ngoài ra, vẫn còn nhiều thuế phí khiến chi phí sản xuất cao hơn các nước trong khu vực. Vì vậy giá xe sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam luôn cao hơn 1,5-2,5 lần so với các nước trong khu vực ASEAN. Nếu thuế suất giảm về 0% thì chắc chắn DN ôtô trong nước sẽ rất khó cạnh tranh” - PGS Mai giải thích.
Đồng quan điểm, một chuyên gia lĩnh vực thị trường ôtô cũng cho rằng nhà đầu tư sợ chính sách thay đổi xoành xoạch của nước ta. Họ không thể an tâm đầu tư nếu năm nay chính sách này nhưng năm sau không biết thay đổi sao. Các DN ôtô nước ngoài có nhà máy lắp ráp tại Việt Nam cũng vì nguyên nhân trên mà quay sang nhập khẩu nhiều hơn trước.
Theo vị chuyên gia này, ở Thái Lan, ngành công nghiệp ôtô phát triển không phải DN họ giỏi mà chính sách họ ổn định lâu dài, ưu đãi nhà đầu tư, chú trọng tỉ lệ nội địa hóa, quy hoạch các khu công nghiệp ôtô đi trước Việt Nam cả mấy chục năm.