Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ôtô nhập khẩu tăng bất thường, vì đâu?

Chưa hết quý III, nhưng lượng ôtô nhập khẩu vào Việt Nam đã vượt qua con số của năm 2014 với nhiều tháng liên tục vượt ngưỡng 10.000 xe.

Cơ hội cho các doanh nghiệp kinh doanh xe nhập khẩu

Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) vừa công bố số liệu xuất nhập khẩu các mặt hàng tính đến hết tháng 8, trong đó đáng chú ý là ôtô nguyên chiếc. Chỉ trong 8 tháng, các doanh nghiệp đã nhập khẩu 75.240 xe ôtô các loại với tổng giá trị kim ngạch 1,91 tỷ USD, tăng 101,7% về lượng và 133,2% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Thực tế cho thấy, 8 tháng đầu năm, doanh số bán xe lắp ráp trong nước của các thành viên VAMA dù tăng thêm 54% so với năm ngoái nhưng vẫn thấp hơn con số 67% của xe nhập khẩu nguyên chiếc.

Theo ông Trần Tấn Trung, Tổng giám đốc nhà phân phối Audi Việt Nam, lượng xe nhập khẩu tăng là điều tất yếu khi thị trườngôtô phát triển. Năng lực sản xuất của các doanh nghiệp lắp ráp không đủ đáp ứng nhu cầu thì đó lại là cơ hội cho các doanh nghiệp kinh doanh xe nhập khẩu.

Ông Nguyễn Hoài Anh, người đứng đầu một loạt các cơ sở kinh doanh ôtô (gồm cả cũ và mới) tại Hà Nội cho rằng, xe nhập khẩu nguyên chiếc sẽ còn tăng mạnh trong thời gian sắp tới mà không phụ thuộc vào sức mua trên thị trường.

Cận kề thời điểm thuế nhập khẩu ôtô từ các nước trong khối ASEAN lùi về 0 theo cam kết của Hiệp định Thương mại tự do AFTA, sức ép cạnh tranh đối với xe lắp ráp trong nước càng lớn. Sau gần 20 năm tiến hành lắp ráp và nội địa hóa xe du lịch ở Việt Nam, các liên doanh gần như không tạo ra được dòng sản phẩm nào hội đủ các yếu tố gồm tỷ lệ nội địa hóa, giá và chất lượng,… đủ sức cạnh tranh với các dòng xe lắp ráp tương tự trong khu vực, chứ chưa nói đến xe có nguồn gốc sản xuất từ các nước phát triển, ông Hoài Anh phân tích.

Mercedes-Benz Việt Nam đang có dấu hiệu chuyển dịch chiến lược kinh doanh sang mô hình xe nhập khẩu.

Mercedes-Benz Việt Nam đang có dấu hiệu chuyển dịch chiến lược kinh doanh sang mô hình xe nhập khẩu.

Đầu năm nay, Tổng giám đốc Toyota Việt Nam Yoshihisa Maruta “lỡ lời” tại buổi họp báo công bố thành tựu năm 2014 và kế hoạch năm 2015 của liên doanh ôtô lớn nhất Việt Nam với thông điệp: “Toyota Việt Nam vẫn chưa có câu trả lời cuối cùng về việc có nên tiếp tục sản xuất tại Việt Nam”.

Vốn là doanh nghiệp chiếm thị phần lớn nhất trên thị trường xe du lịch và có lượng xe sản xuất bán nhiều nhất, tuyên bố của ông Yoshihisa Maruta hàm ý khả năng cạnh tranh của xe lắp ráp trong nước so với xe nhập khẩu nguyên chiếc là rất thấp. Cho đến thời điểm này, dù Toyota Việt Nam vẫn gia tăng được doanh số bán của xe lắp ráp trong nước nhưng trong danh mục sản phẩm của liên doanh ôtô này, số mặt hàng nhập khẩu vẫn có số lượng nhiều hơn.

Mercedes-Benz Việt Nam (MBV) dù không công bố điều gì, nhưng những kế hoạch kinh doanh gần đây của liên doanh xe Đức thể hiện rõ định hướng phát triển mới. MBV từng bước ngừng lắp ráp một số dòng xe và thay thế bằng những mặt hàng nhập khẩu nguyên chiếc. Trong tổng số các dòng sản phẩm mới giới thiệu ra thị trường trong hai năm trở lại đây thì xe nhập khẩu nguyên chiếc chiếm hơn 70% và xu hướng này liên tục gia tăng.

Với những kế hoạch đang thể hiện, MBV đang có xu hướng hạn chế lắp ráp xe du lịch khi thuế xe nhập khẩu giảm và những dây chuyền đã đầu tư vào Việt Nam sẽ phục vụ cho việc lắp ráp xe khách và xe tải, hai chủng loại mặt hàng được đánh giá có nhiều tiềm năng trên dải đất hình chữ S, ông T.N.Kiên, kỹ sư nghiên cứu lựa chọn sản phẩm của một hãng xe ở Việt Nam nhìn nhận

Cũng theo ông Kiên, trong danh mục sản phẩm của khá nhiều doanh nghiệp lắp ráp xe, những dòng xe bán chạy nhất lại có nguồn gốc nhập khẩu nguyên chiếc. Ford Việt Nam đang “sống” dựa vào mẫu bán tải Ranger sản xuất tại Thái Lan. Doanh số của dòng xe này hàng tháng còn cao hơn cả số lượng xe du lịch của Ford lắp ráp trong nước cộng lại.

Chuyển dịch mô hình kinh doanh

Việc các doanh nghiệp lắp ráp xe lo ngại về khả năng cạnh tranh ở thời điểm hội nhập và bắt đầu chuyển dịch sang mô hình kinh doanh xe nhập khẩu đang là một xu hướng mà nhiều đơn vị âm thầm thực hiện. Tổng giám đốc Toyota Việt Nam từng nói, muốn sản xuất một mẫu xe, cần tối thiểu ba năm để chuẩn bị. Từ nay cho đến 2018, khoảng thời gian chưa đủ để hoàn thiện kế hoạch sản xuất và đưa xe ra thị trường. Do vậy, các doanh nghiệp rục rịch chuyển hướng từ lúc này là điều dễ hiểu và điều đó cũng có thể giải thích được vì sao lượng xe du lịch nhập khẩu vào Việt Nam trong năm nay tăng cao, ông Hoài Anh khẳng định.

Chưa thể khẳng định xe nhập khẩu nguyên chiếc sẽ chiếm ưu thế so với xe lắp ráp trong nước trong thời gian tới dù số lượng đang tăng trưởng mạnh, nhưng việc các doanh nghiệp nhập khẩu không “bắt tay” với các đơn vị lắp ráp xe trong nước để tạo ra một thị trường chung, chứng tỏ phân khúc xe nhập khẩu nguyên chiếc đang có dấu hiệu phát triển mạnh mẽ. Điều đó khiến cho ngành Công nghiệp ôtô Việt Nam đã khó lại càng khó hơn, đặc biệt trong giai đoạn cần sự “nỗ lực” của các liên doanh, vốn đã được hưởng rất nhiều ưu đãi của Chính phủ và lợi ích từ người tiêu dùng trong nước.

Tuy nhiên, những con số thống kê chính thức gần đây cho thấy, lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc sẽ còn tăng lên và bản thân các liên doanh ôtô cũng ít nhiều góp phần tạo nên điều đó, bằng chứng rõ nhất là tuyên bố “Liên doanh xe Mỹ đang cân nhắc việc tiếp tục duy trì nhà máy ở Việt Nam hay nhập khẩu từ nước ngoài về” của ông Gaurav Gupta trước khi rời vị trí Tổng giám đốc GM Việt Nam sang Indonesia nhận nhiệm vụ mới.

http://www.baogiaothong.vn/o-to-nhap-khau-tang-bat-thuong-vi-dau-d121469.html

Theo Phúc Lâm/Giao Thông

Bạn có thể quan tâm