Trong bối cảnh kinh tế có nhiều dấu hiệu khả quan, các chính sách liên quan được cho là khá ổn định, thị trường ôtô Việt Nam đang có nhưng bước phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ. Số liệu của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) vừa công bố chiều 6/8 cho hay, trong tháng 7 và qua, toàn thị trường ô tô Việt Nam (gồm cả xe nhập khẩu nguyên chiếc và xe lắp ráp trong nước) đạt 20.349 chiếc, tăng 61% so với cùng kỳ. Như vậy, đây đã là tháng thứ 28 liên tiếp, doanh số bán của thị trường ôtô cao hơn cùng kỳ năm trước – một sự tăng trưởng ấn tượng nếu chỉ xét ở con số tăng.
Mazda2 góp phần đưa Mazda lên đỉnh mới |
Tính chung, toàn thị trường ôtô Việt Nam tiêu thụ 123.841 ôtô các loại trong 7 tháng đầu năm, tăng 59% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó xe du lịch đạt gần 72.000 chiếc, tăng 45%; xe thương mại đạt hơn 45.000 chiếc, tăng 76% và xe chuyên dụng (chủ yếu là xe tải nặng) đạt gần 7.000 chiếc, tăng 128% so với cùng kỳ.
Nếu xét theo nguồn gốc xe trong 7 tháng qua, doanh số bán xe lắp ráp trong nước đạt gần 92.000 chiếc, tăng 56% so với cùng kỳ, trong khi xe nhập khẩu nguyên chiếc đạt hơn 32.000 chiếc, tăng 67% so với cùng kỳ.
Tính theo doanh nghiệp, trong tháng 7 vừa qua không có sự xáo trộn nào đáng kể trong số những đơn vị có doanh số bán lớn nhất, khi công ty ôtô Trường Hải (Thaco) tiếp tục dẫn đầu về doanh số với 6.827 chiếc, tăng 111% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 7 tháng, Thaco bán ra 41.420 chiếc, tăng 96% so với cùng kỳ.
Kia Rio bất ngờ có doanh số ngang ngửa Kia K3 |
Thực tế cho thấy bước sang năm 2015, cuộc canh tranh về doanh số giữa Thaco và Toyota đang trở nên "sòng phẳng hơn", khi vị trí số 1 về doanh số gần như đương nhiên, và cuộc cạnh tranh hiện tại và tương lai là trong mảng xe du lịch, khi Toyota vẫn duy trì vị trí dẫn đầu nhưng khoảng cách đã bị đơn vị thứ hai ( những năm gần đây là Thaco) thu hẹp đáng kể - điều chưa từng xảy ra kể từ khi Toyota xuất hiện tại Việt Nam 20 năm trước.
Xét từ khía cạnh nội bộ, Thaco có được sự tăng trưởng mạnh tới từ sự bùng nổ liên tục ở mức cao của 3 thương hiệu xe du lịch là Kia, Mazda và Peugoet, cùng mảng xe thương mại là khởi điểm, là nền tạo ra sự thành công của Thaco bấy lâu. Tuy nhiên diễn biến đáng chú ý nhất trong tháng qua là sự thăng hoa của xe Mazda giúp thương hiệu xe du lịch này vượt qua cả Kia để dẫn đầu về xe du lịch của Thaco, đứng thứ hai toàn thị trường nếu xét theo khía cạnh thương hương hiệu xe riêng lẻ.
Vios vẫn hút khách nhất tại Việt Nam với doanh số tháng 7 gần 1.300 chiếc. |
Trong tháng 7 vừa qua có 1.716 chiếc xe Mazda được bán ra, tăng 167% so với cùng kỳ năm ngoái. Sự xuất hiện của Mazda2 hoàn toàn mới đã giúp Mazda có tới 4 mẫu xe đạt doanh số hơn 300 chiếc trong tháng qua, trong đó Mazda3 dẫn đầu với hơn 500 chiếc! Tính chung 7 tháng, đã có gần 9.900 chiếc Mazda bán ra tại Việt Nam.
Về phần mình, thương hiệu xe Kia đạt 1.550 chiếc bán ra, tăng 99% so với cùng kỳ mà doanh số lớn nhất vẫn thuộc về mẫu xe nhỏ Morning với gần 600 chiếc, kế đến là K3 và Rio – bộ đôi xe Kia bán chạy nhất thế giới- cùng được trên 300 chiếc; New Sorento 125 chiếc…Cộng dồn từ đầu năm, Kia vẫn dẫn đầu với 10.006 chiếc bán ra.
Thương hiệu xe châu Âu Peugeot do Thaco lắp ráp, phân phối cũng đang có những bước nhảy vọt, với tốc độ tăng trưởng cao nhất nhì thị trường, cho dù doanh số tuyệt đối còn khiêm tốn. Tháng 7 vừa qua, có 32 chiếc Peugeot được giao tới tay khách hàng, tăng 220% hay gấp hơn 3 lần con số 10 chiếc của cùng kỳ năm 2014. Tính cả 7 tháng, 259 chiếc Peugeot được bán, gấp hơn 7 lần doanh số cùng kỳ!
City vẫn là 1 trong 2 xe chủ lực của Honda |
Đứng thứ hai về tổng doanh số nhưng Toyota vẫn dẫn đầu về doanh số xe du lịch, với 4.551 chiếc bán ra trong tháng 7, tăng 21% so với cùng kỳ. Như thường lệ, các mẫu xe Toyota vẫn dẫn đầu thị trường xe du lịch như Vios với gần 1.300 chiếc, Innova với gần 1.000 chiếc, Fortuner 850 chiếc, Corolla Altis 500 chiếc, Camry 490 chiếc.
Tính chung 7 tháng, Toyota bán ra 27.581 chiếc, tăng 35% so với cùng kỳ. Dù đây là mức tăng thấp hơn mức tăng chung của thị trường nhưng với Toyota, đây là nỗ lực rất lớn bởi vấn đề không nằm ở khâu phân phối – khi nhu cầu thị trường tăng mạnh – mà nằm ở khâu sản xuất. Khi công suất nhà máy lắp ráp của Toyota có hạn, việc sản xuất nhiều mẫu xe đang hút khách được thực hiện theo chính sách luân phiên chứ không đồng thời, do đó không thể có sự đột biến về doanh số cho dù nhu cầu của thị trường có tăng vọt tới đâu.
Đứng thứ 3 toàn thị trường về doanh số trong tháng qua vẫn là Ford với 1.405 chiếc bán ra, tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Sự chững lại về tăng trưởng doanh số của đại diện hãng xe Mỹ xuất phát từ doanh số mẫu xe chủ lực Ranger giảm xuống hơn 300 chiếc trong tháng qua – thực tế là hàng tồn của phiên bản cũ, trước khi phiên bản mới 2015 được phân phối tới tay người tiêu dùng từ trung tuần tháng 8 này.
NX 200t - nhân tố quan trọng giúp Lexus thăng hoa |
Hai mẫu xe còn lại trong top 3 xe bán chạy nhất của Ford thời gian gần đây là Transit và EcoSport tiếp tục duy trì sức hút ấn tượng, khi Transit đạt hơn 470 chiếc, trong khi EcoSport gần 360 chiếc. Tính chung 7 tháng, Ford bán ra 10.357 chiếc, tăng 58% so với cùng kỳ.
Trong tháng 7 vừa qua, Honda cũng không có sự đột phá về sản phẩm, doanh số đạt 727 chiếc, tăng 7% so với cùng kỳ mà doanh số chính vẫn thuộc về 2 mẫu CR-V (gần 400 chiếc) và City (hơn 300 chiếc). Cộng dồn từ đầu năm, Honda bán ra 4.471 chiếc, tăng 21% so với cùng kỳ 2014.
Mảng xe sang tiếp tục chứng kiến sự thăng hoa về doanh số của Mercedes và Lexus. Doanh số bán xe Mercedes trong tháng 7 là 398 chiếc và 7 tháng là 2.162 chiếc, tăng tương ứng 43% và 55% so với cùng kỳ. Về phần mình, Lexus đang có mức tăng trưởng cao nhất thị trường ô tô Việt Nam với 88 chiếc trong tháng 7 và 675 chiếc trong 7 tháng, tương ứng tăng 238% và 277% so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh mẫu xe hút khách nhất từ trước tới nay là RX350, sự xuất hiện của mẫu xe SUV đô thị cỡ nhỏ NX 200t góp phần không nhỏ cho sự thăng hoa của Lexus tại Việt Nam.