Năm 2017, hãng xe điện khởi nghiệp non trẻ Nio của Trung Quốc trình làng mẫu SUV mang tên ES8 với thiết kế bóng bẩy, màn hình cỡ lớn và tính năng điều khiển bằng giọng nói. Nio nhanh chóng được gọi là “sát thủ Tesla”, bởi giá niêm yết của Nio ES8 khi ấy chỉ bằng một nửa số tiền khách hàng cần chi để sở hữu Tesla Model X.
Ở thời điểm đó, Nio chỉ là hãng xe có tuổi đời 2 năm nhưng đã được đánh giá là một trong số những công ty sản xuất ôtô điện sáng giá nhất Trung Quốc. Mọi chuyện dường như khá tươi sáng cho Nio, nhưng những diễn biến sau đó lại khiến tình hình xấu đi rất nhanh dành cho hãng xe điện khởi nghiệp của nhà sáng lập Li Bin.
Trên bờ vực phá sản
Hồi quý II/2023, Nio ghi nhận khoản lỗ ròng ở mức 6,06 tỷ NDT, tương đương khoảng 851 triệu USD. So với mức lỗ dự báo chỉ 4,73 tỷ NDT từ giới phân tích, khoản lỗ thực tế của Nio đã cao hơn khá nhiều và là mức gấp đôi số liệu mà hãng xe điện Trung Quốc ghi nhận trong cùng kỳ của năm 2022.
Doanh thu của Nio trong giai đoạn này giảm 14,8% xuống còn 8,77 tỷ NDT. Lượng xe được Nio bàn giao đến tay khách hàng cũng giảm 8%, về mức 23.520 xe.
Khoản lỗ ròng khổng lồ của Nio là một tín hiệu không tốt cho hãng xe Trung Quốc, nhất là khi công ty khởi nghiệp xe điện này đã đầu tư rất nhiều cho mục đích nghiên cứu và phát triển nhằm gia tăng tính cạnh tranh toàn cầu.
Nio trải qua năm 2023 tương đối ảm đạm về mặt tài chính. Ảnh: Nio. |
Theo New York Times, Nio sở hữu khoảng 11.000 nhân viên làm việc trong mảng nghiên cứu và phát triển. Hãng xe điện này cũng tập trung cho tự động hóa và đã đầu tư một đội ngũ robot có thể sản xuất 300.000 động cơ xe điện mỗi năm với chỉ 30 kỹ thuật viên vận hành.
Dẫu vậy, khoản lỗ ròng hơn 6 tỷ NDT mà Nio phải nhận trong quý II năm ngoái là một cái tát trời giáng dành cho những nỗ lực của hãng xe điện. Với mức lỗ 851 triệu USD cùng doanh số 23.520 xe, Nio đã đạt khoản lỗ trung bình gần 36.200 USD trên mỗi xe điện bán ra trong quý II/2023, một con số gây bất ngờ.
Hồi năm 2020, Nio từng gần như rơi vào tình trạng kiệt quệ về tài chính trước khi chính quyền địa phương đầu tư 1 tỷ USD để sở hữu 24% cổ phần công ty. Bên cạnh đó, một ngân hàng được kiểm soát bởi nhà nước Trung Quốc đã dẫn đầu một nhóm nhiều ngân hàng khác cũng rót thêm 1,6 tỷ USD vào Nio, kéo công ty này khỏi bờ vực phá sản.
Bị động trong cuộc chiến giá
Hồi cuối năm 2022, Tesla đã khơi mào cuộc chiến giảm giá xe điện bằng cách hạ giá bán của nhiều mẫu xe như Tesla Model 3 hay Tesla Model S. Tính riêng trong năm 2023, mức giảm giá tối đa mà Tesla áp dụng cho dải sản phẩm của mình là 25%, đưa giá bán của Model 3 từ 48.000 USD xuống còn 44.308 USD, trong khi Model S chỉ còn 96.380 USD từ mức giá ban đầu 130.000 USD.
Động thái của Tesla đã khiến nhiều đối thủ phải nhảy vào tham chiến, điều chỉnh giá bán xe theo chiều hướng giảm nếu không muốn đánh mất thị phần ít ỏi còn sót lại vào tay gã khổng lồ xe điện của Mỹ. Ban đầu, Nio chọn cách đứng ngoài cuộc chơi, nhưng doanh số đi xuống trong các tháng 4 và 5 của năm ngoái đã buộc hãng xe điện non trẻ này phải hành động.
Sang đầu tháng 6, Nio tiến hành điều chỉnh giá bán của toàn bộ sản phẩm, giảm đều 4.200 USD cho các khách hàng tại Trung Quốc. Động thái này được đánh giá là khá chậm trễ nhưng đã giúp doanh số của Nio tăng trưởng trở lại ở nửa cuối năm 2023, giúp biên lợi nhuận của hãng có những dấu hiệu cải thiện tích cực.
Nio từng từ chối gia nhập cuộc chiến giảm giá xe điện, nhưng rốt cuộc vẫn phải tham gia vì doanh số giảm. Ảnh: The New York Times. |
Theo nội dung đăng tải trên website chính thức, Nio đã hoàn tất bàn giao tổng cộng 160.038 ôtô cho khách hàng trên toàn cầu trong năm 2023. So với cùng kỳ năm trước, doanh số của hãng xe điện này đạt mức tăng trưởng 30,7%.
Ở quý I/2023, biên lợi nhuận trong mảng kinh doanh ôtô của Nio từng rơi xuống chỉ còn 5%, thấp hơn khá nhiều so với khoảng 18% ở cùng kỳ năm trước. Sang quý II/2023, con số này tăng lên 6,2% trước khi doanh số tăng trưởng giúp biên lợi nhuận mảng kinh doanh ôtô tăng lên thành 11% trong quý III/2023.
Dù tiếp tục lỗ ròng gần 4,6 tỷ NDT trong quý III/2023, việc cải thiện biên lợi nhuận trong mảng kinh doanh ôtô cho thấy Nio vẫn khó có thể bị đánh bại, nhất là giữa bối cảnh cuộc chiến giá xe điện do Tesla khơi mào đã hạ gục khá nhiều hãng xe nhỏ tại thị trường Trung Quốc.
Quyết cạnh tranh sòng phẳng
Trong năm 2024, Nio không che giấu tham vọng thúc đẩy ứng dụng công nghệ robot cũng như trí tuệ nhân tạo (AI) vào quy trình sản xuất của mình.
Hãng xe điện Trung Quốc công bố kế hoạch cắt giảm khoảng 30% nhân công lao động vào năm 2027, một phần trong chiến lược giảm tối đa sự phụ thuộc của quá trình sản xuất vào con người.
Theo thông tin do Nio cung cấp, khoảng 80% quyết định sản xuất của hãng xe điện này sẽ do AI đảm nhận trong tương lai, từ đó giúp cắt giảm đến 50% số lượng nhân sự lãnh đạo.
Nio hướng đến quy trình sản xuất tự động, giảm sự phụ thuộc vào con người. Ảnh: Nio. |
Bên cạnh giao thêm quyền cho AI, Nio cũng tuyên bố sẽ tự sản xuất pin cho ôtô điện của mình nhằm loại bỏ sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp của bên thứ ba.
Theo kế hoạch, ôtô điện sử dụng bộ pin tự sản xuất của Nio sẽ chính thức trình làng vào nửa cuối năm nay với giá bán khoảng 200.000-300.000 NDT, tương đương khoảng 28.000-42.000 USD.
Hồi cuối tháng 9/2023, Nio trình làng mẫu điện thoại Nio Phone với hơn 30 tính năng dành riêng cho ôtô cùng những đột phá mới trong công nghệ kết nối.
Tại sự kiện ra mắt, ông William Li - CEO của Nio - cho biết với Nio Phone, chủ sở hữu ôtô điện Nio có thể "gọi" chiếc xe tự di chuyển đến vị trí của mình với tốc độ vừa phải. Nio Phone được chào giá 900-1.000 USD ở thời điểm ra mắt và được cho là rẻ hơn 150 USD so với mẫu điện thoại Huawei có cấu hình tương tự.
Cuối năm ngoái, Nio đã chính thức trình làng ET9, mẫu xe thuần điện siêu sang có giá khởi điểm khoảng 112.300 USD để cạnh tranh cùng BMW i7 hay Mercedes-Benz EQS tại thị trường Trung Quốc.
Mẫu xe điện được đánh giá là hiện đại bậc nhất thị trường từng gây chú ý với màn trình diễn chở tháp ly không đổ, bất chấp được vận hành liên tục qua các gờ giảm tốc.
Nio ET9 là mẫu xe điện đầu bảng của hãng xe Nio. Ảnh: Nio. |
Với Nio ET9 cùng hàng loạt những cải tiến về mặt công nghệ, Nio cho thấy tham vọng cạnh tranh cùng những ông lớn ôtô khác, không chỉ tại Trung Quốc mà còn ở các thị trường nước ngoài. Tuy nhiên, Nio vẫn còn nhiều việc phải làm nếu không muốn ném ra khỏi cửa sổ khoản đầu tư 2,2 tỷ USD nhận được từ quỹ CYVN của Abu Dhabi hồi cuối tháng 12 năm ngoái.
Tương lai không dễ dàng
Theo báo cáo doanh số do Car News China đăng tải, Nio chỉ đạt lượng tiêu thụ 160.038 xe tại thị trường Trung Quốc trong năm vừa rồi, không thể chen chân vào top 10 hãng xe bán chạy nhất xứ tỷ dân và chỉ đứng thứ 5 trong danh sách các thương hiệu ôtô thuần điện được ưa chuộng nhất.
Mảng xuất khẩu ôtô của Nio cũng không có gì nổi bật trong năm 2023 khi hãng xe này nằm ngoài top 10 cái tên xuất khẩu ôtô nhiều nhất từ Trung Quốc. Năm ngoái, Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản để trở thành quốc gia xuất khẩu ôtô lớn nhất thế giới với tổng cộng 5,22 triệu ôtô rời cảng Trung Quốc cùng tổng giá trị kim ngạch đạt hơn 101,6 tỷ USD.
Một tương lai được dự báo khó khăn với Nio vẫn còn ở phía trước, ít nhất là đến cuối năm 2024. Từ cái tên được kỳ vọng sẽ lật đổ Tesla đến tình trạng cheo leo bên bờ vực phá sản, hãy chờ xem liệu Nio có thể vượt vũ môn để hóa rồng như cách Tesla lên đỉnh thế giới sau nhiều năm phải vật lộn trong mảng xe điện hay không.
Sách hay đọc trên xe
Chuyên mục Xe gửi tới độc giả những tựa sách hay với nhiều chủ đề hấp dẫn. Trên những chặng hành trình với những chiếc xe, không hiếm khi chúng ta có những khoảnh khắc nghỉ ngơi, thư giãn, và những trang sách là người bạn đồng hành lý thú.