Trong văn bản báo cáo Bộ GTVT ngày 7/2, Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết đang xây dựng phương án cho phép các cơ sở bảo dưỡng sửa chữa ôtô 3S, 4S chính hãng được kiểm định phương tiện.
TS. Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam cho rằng, đây là ý tưởng rất cởi mở của Cục Đăng kiểm trong bối cảnh danh sách các trung tâm đăng kiểm tạm dừng hoạt động trên cả nước vẫn đang dài thêm.
Cục Đăng kiểm Việt Nam đang xây dựng phương án cho phép các cơ sở bảo dưỡng sửa chữa ôtô 3S, 4S chính hãng được kiểm định phương tiện. |
Giữa "cơn bão" của lĩnh vực đăng kiểm, nhiều cán bộ ngành bị khởi tố, hơn 50 đơn vị đăng kiểm trên cả nước (tập trung nhiều nhất ở Hà Nội và TP.HCM) buộc phải tạm thời đóng cửa để phục vụ công tác điều tra, việc đưa ra ý tưởng cho các cơ sở bảo dưỡng 3S, 4S có thể thực hiện kiểm định là giải pháp phù hợp.
“Tôi cho rằng đây là ý tưởng rất cởi mở dù để triển khai được còn rất nhiều việc phải làm. Tuy nhiên, ý tưởng này sẽ tận dụng được cơ sở vật chất, mặt bằng và đội ngũ kỹ thuật viên có tay nghề cao của các cơ sở sửa chữa, bảo dưỡng ôtô, giải quyết được tình hình căng thẳng hiện nay, người dân có thêm sự lựa chọn”, TS. Nguyễn Văn Thanh bày tỏ.
Ông lưu ý, nếu triển khai giải pháp này, cơ quan chức năng phải đưa ra được tiêu chuẩn (máy móc, thiết bị, con người) chặt chẽ để các cơ sở bảo dưỡng ôtô đủ điều kiện tham gia đăng kiểm.
Cũng ủng hộ phương án trao quyền đăng kiểm cho trung tâm bảo dưỡng chính hãng, tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam lo ngại việc bổ sung quyền đăng kiểm cho trung tâm bảo dưỡng có thể ảnh hưởng tới quyền lợi của khách hàng.
Cụ thể, chủ phương tiện có thể bị yêu cầu sửa hoặc thay thế phụ tùng mới để kiểm định dù chưa cần thiết thay thế. Hoặc trung tâm có thể dễ dãi trong đăng kiểm để thu hút khách hàng, cạnh tranh thiếu lành mạnh như một số cơ sở đăng kiểm tư nhân thời gian qua.
Trong khi đó, điều 4 Nghị định 139/2018 quy định, tổ chức kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới phải độc lập về pháp lý và tài chính với các tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải bằng ôtô, bảo dưỡng, sửa chữa xe cơ giới.
Do đó, theo ông Thanh, nếu cho phép các cơ sở bảo dưỡng 3S, 4S tham gia đăng kiểm thì phải sửa đổi nghị định này.
Ngoài ra, nhằm giải quyết lo ngại quyền lợi khách hàng bị ảnh hưởng khi xảy ra tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi” từ các cơ sở sửa chữa, bảo dưỡng kiêm nhiệm vụ đăng kiểm, ông Thanh cho rằng, những đơn vị này phải niêm yết giá phụ tùng.
Cơ sở bảo dưỡng phải thông báo cho chủ xe tự do thay thế theo nhu cầu. Người dân có thể tham khảo trước khi quyết định vào đăng kiểm tại các cơ sở này hay các trung tâm đăng kiểm.
Trước những lo ngại trên, Cục phó Đăng kiểm Việt Nam Nguyễn Tô An cho biết, đây mới là ý tưởng nhằm tăng thêm sự lựa chọn cho chủ phương tiện. Chủ xe hoàn toàn được tự lựa chọn nơi đăng kiểm, bảo dưỡng xe và thay thế phụ tùng theo nhu cầu, các trung tâm bảo dưỡng không thể ép.
Hiện các phòng ban đang tiến hành nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng từ góc độ pháp luật cho đến những phát sinh có thể ảnh hưởng tới người dân, sau đó mới cân nhắc đề xuất với Bộ GTVT.
Về thực tế một số trung tâm đăng kiểm vừa qua cạnh tranh không lành mạnh, có nhiều sai phạm, tuy nhiên, theo ông An, không vì thế mà Cục Đăng kiểm Việt Nam siết chặt số đơn vị kiểm định, thay vào đó sẽ sửa đổi quy định để nâng cao chất lượng kiểm định. Chủ trương trao quyền kiểm định giúp tận dụng trang thiết bị của các trung tâm bảo dưỡng xe, tăng thêm lựa chọn cho người dân.
Sách hay đọc trên xe
Chuyên mục Xe gửi tới độc giả những tựa sách hay với nhiều chủ đề hấp dẫn. Trên những chặng hành trình với những chiếc xe, không hiếm khi chúng ta có những khoảnh khắc nghỉ ngơi, thư giãn, và những trang sách là người bạn đồng hành lý thú.