Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Panasonic Việt Nam thu đổi 12.500 pin sinh thái năm 2016

12.500 viên pin sinh thái được thu đổi là kết quả chiến dịch “Đổi pin sinh thái” được thực hiện giữa Công ty Panasonic Việt Nam và Tổng cục Môi trường.

Chiến dịch được triển khai nhằm nâng cao kiến thức, thiết lập thói quen sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường của cộng đồng, góp phần quảng bá chương trình “Nhãn xanh Việt Nam”

Pin là sản phẩm rất thân thuộc trong đời sống hàng ngày. Tuy nhiên ít ai biết rằng pin chứa nhiều hóa chất độc hại, nếu không thu hồi và xử lý đúng cách sẽ gây ô nhiễm môi trường và nguy hại đáng kể đến sức khỏe cộng đồng. Thông thường, khi pin không còn giá trị sử dụng, người dân có thói quen vứt bừa bãi hoặc bỏ chung vào thùng rác gia đình như các loại rác thải khác, đem chôn lấp hoặc đốt.

Nghiên cứu của Viện Khoa học môi trường và Phát triển (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho thấy, cả hai phương pháp trên đều tác động xấu đến môi trường. Khi chôn lấp pin, các kim loại nặng như chì, kẽm, niken và thủy ngân có trong pin sẽ thấm vào đất, nguồn nước ngầm và gây ô nhiễm nguồn nước. Hoặc khi đốt, các thành phần nguy hại trong pin sẽ bốc lên thành khói độc, chất độc của pin đọng lại trong tro gây ô nhiễm không khí.

Trong một viên pin AA thông thường chứa 18,4 mg chì, 0,93 mg thủy ngân, 1,69 mg cadmium. Trong khi đó mức dung nạp tạm thời của một người 65 kg là 1,625 mg chì/tuần, 0,104 mg thủy ngân/tuần,1,625 mg cadmium/tháng (theo WHO). Khi con người hấp thụ qua đường ăn uống hoặc hít thở, các độc tố phát tán từ pin có thể gây hại não, thận, hệ thống sinh sản và tim mạch.

Panasonic Viet Nam anh 1
Những sản phẩm pin cũ, đã qua sử dụng cần được thu hồi và xử lý đúng cách thay vì vứt bừa bãi ra môi trường.

Phát biểu trong hội nghị đánh giá kết quả Chương trình phối hợp về bảo vệ môi trường giữa Tổng cục Môi trường và Công ty Panasonic Việt Nam, diễn ra ngày 12/1, ông Masahiro Yamamoto, Giám đốc kế hoạch Công ty TNHH Panasonic Việt Nam khẳng định: “Panasonic ủng hộ chiến lược quốc gia trong vấn đề bảo vệ môi trường và hy vọng được góp sức vào nhiệm vụ bảo vệ môi trường cũng như sự phát triển bền vững của Việt Nam thông qua hợp tác doanh nghiệp - nhà nước”.

“Trong thỏa thuận hợp tác chiến lược mới được ký kết vào năm 2015, Panasonic và Tổng cục Môi trường đã làm việc và mở rộng phạm vi hợp tác để đẩy mạnh hoạt động tới các vùng nông thôn và miền núi, những sáng kiến mới mẻ như chiến dịch trao đổi pin để thúc đẩy việc sử dụng các sản phẩm sinh thái. Thông qua chiến dịch này, Panasonic Việt Nam hy vọng nâng cao nhận thức cho người dân về tầm quan trọng của việc sử dụng pin sinh thái, vì chúng được sản xuất ra mà hoàn toàn không chứa phụ gia mang hóa chất độc”, ông Yamamoto bổ sung.

Panasonic Viet Nam anh 2
Ông Masahiro Yamamoto (phải) và bà Nguyễn Thị Quyên (trái) đại diện Panasonic Việt Nam báo cáo kết quả hợp tác giữa Panasonic và Tổng cục Môi trường về vấn đề bảo vệ môi trường năm 2016.

Cũng trong hội nghị này, bà Nguyễn Thị Quyên - Phó trưởng phòng cấp cao Bộ phận Kế hoạch Kinh doanh và Phát triển Thương hiệu, Công ty TNHH Panasonic Việt Nam tổng kết: “Năm 2016, Panasonic đã tổ chức chiến dịch thu pin cũ, đổi pin mới tại Yên Bái (tháng 3), Thanh Hóa (tháng 5), Quảng Nam (tháng 9), Hòa Bình (tháng 12); đổi 12.500 pin sinh thái không có chì, thủy ngân và cadmium. Trong số pin chúng tôi thu hồi, có 70 % pin chứa kim loại nặng độc hại.

Panasonic Viet Nam anh 3
Những sản phẩm pin được thu đổi từ chiến dịch.
Panasonic Viet Nam anh 4
Hoạt động đổi pin sinh thái tổ chức ở các tỉnh thành được nhiều người dân hưởng ứng.

Không chỉ đem đến lợi ích tiêu dùng thiết thực cho người dân, thông qua hoạt động đổi pin, Panasonic Việt Nam mong muốn sẽ tiếp tục hợp tác với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Môi trường để nâng cao nhận thức cũng như quảng bá cho thương hiệu Nhãn xanh Việt Nam.

Chương trình Nhãn xanh Việt Nam được triển khai trên phạm vi toàn quốc từ tháng 3/2009 nhằm cải thiện và duy trì chất lượng môi trường sống thông qua giảm thiểu sử dụng năng lượng, vật liệu cũng như các chất thải trong quá trình sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng các sản phẩm, dịch vụ.

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thu Hà, Phó vụ trưởng bộ phận Chính sách Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường “Chương trình Nhãn xanh Việt Nam thuộc mạng lưới Nhãn sinh thái toàn cầu (GEN) chưa được người dân, doanh nghiệp biết và hưởng ứng rộng rãi. Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Môi trường cần tăng cường nhiều hoạt động hơn nữa với các đơn vị, tiêu biểu như Panasonic Việt Nam để quảng bá mạnh mẽ chương trình này, góp phần bảo vệ môi trường và cũng là bảo vệ cuộc sống của người dân”.

Panasonic Viet Nam anh 5
Đại diện Panasonic Việt Nam và Tổng cục môi trường chụp ảnh kỷ niệm kết quả một năm ký thỏa thuận hợp tác về bảo vệ môi trường.

Panasonic Việt Nam đã hợp tác với Tổng cục Môi trường từ năm 2012 với nhiều hoạt động vì môi trường như: Panasonic vì một Việt Nam Xanh, chương trình trồng cây, chương trình lớp học môi trường và ngày Môi trường thế giới. Trong thỏa thuận hợp tác chiến lược mới được kí kết vào năm 2015, Panasonic và Tổng cục Môi trường đã làm việc và mở rộng phạm vi hợp tác.

“Đổi pin sinh thái” là một phần trong chuỗi các hoạt động bảo vệ môi trường, ngoài ra còn có chương trình Trồng cây Panasonic vì một Việt Nam xanh, chương trình giáo dục môi trường và thực nghiệm khoa học cho học sinh trên địa bàn 5 tỉnh thành.

Sơn Trà

Bạn có thể quan tâm