Get Out (2017)
Đứng thứ nhất trong danh sách 101 kịch bản phim vĩ đại nhất thế kỷ XXI là tác phẩm kinh dị Get Out của biên kịch kiêm đạo diễn Jordan Peele. Bộ phim kể về chuyến viếng thăm đầy sóng gió gia đình cô bạn gái da trắng của chàng da đen Chris Washington (Daniel Kaluuya). Năm 2018, phim từng giành giải kịch bản gốc xuất sắc tại Oscar và Writers Guild Award. Peele chia sẻ với Written By về bộ phim dài đầu tay do mình đạo diễn: “Ngay từ khi bắt tay vào viết kịch bản, tôi đã nhận ra Get Out phức tạp hơn rất nhiều câu chuyện kinh dị với nhân vật chính là một anh chàng da đen”.
Eternal Sunshine of the Spotless Mind (2004)
Trong bộ phim chính kịch, lãng mạn pha trộn yếu tố khoa học viễn tưởng, Jim Carrey và Kate Winslet vào vai một cặp tình nhân tìm đến sự trợ giúp của khoa học để xóa ký ức về đối phương sau khi quan hệ đổ vỡ. Tác phẩm giành một giải Oscar và một giải Writers Guild Award năm 2005 cho kịch bản gốc xuất sắc. Kịch bản phim được Charlie Kaufman chấp bút từ ý tưởng của nghệ sĩ thiết kế Pierre Bismuth. Đạo diễn Michel Gondry mô tả ý tưởng của Bismuth: “Chuyện gì sẽ xảy ra nếu bạn gửi bưu thiếp cho mọi người, cho họ biết mình đã bị xóa khỏi trí nhớ của ai đó? Họ sẽ phản ứng như nào?”.
The Social Network (2010)
Năm 2011, bộ phim về khởi thủy của mạng xã hội Facebook đã giành ba tượng vàng Oscar cho kịch bản chuyển thể, dựng phim và nhạc phim. Cùng năm, tác phẩm do David Fincher đạo diễn cũng giật giải Kịch bản chuyển thể xuất sắc tại Writers Guild Award. The Social Network được Aaron Sorkin xây dựng kịch bản dựa trên nội dung cuốn sách The Accidental Billionaires của Ben Mezrich. Trong phim, chàng sinh viên năm hai Mark (Jesse Eisenberg) đã tạo ra một mạng xã hội mang tính đột phá. Tuy nhiên, thành công của nó cũng khiến anh vướng vào hàng loạt vụ kiện tụng với các nhà đồng sáng lập - cũng đồng thời là bạn bè thân thiết của mình.
Parasite (2019)
Đứng thứ tư trong danh sách là Parasite của Bong Joon Ho. Đây là bộ phim châu Á duy nhất góp mặt trong top 20. Năm 2020, Parasite từng viết nên lịch sử cho điện ảnh Hàn Quốc khi giành chiến thắng tại bốn hạng mục Phim xuất sắc, Đạo diễn xuất sắc, Kịch bản gốc xuất sắc và Phim nước ngoài xuất sắc. Bộ phim khai thác thực trạng phân hóa giàu nghèo trong xã hội Hàn Quốc thông qua câu chuyện giữa hai gia đình: nhà Park thuộc giới tinh hoa và nhà Kim nằm dưới đáy xã hội. Bi kịch xảy ra khi bốn người nhà Kim bước được một chân vào căn biệt thự nhà Park. Kịch bản phim được biên kịch Han Jin Won và Bong Joon Ho bắt tay xây dựng từ ý tưởng câu chuyện của chính vị đạo diễn.
No Country for Old Men (2007)
No Country for Old Men là một trong những tác phẩm xuất sắc của anh em Joel và Ethan Coen. Tác phẩm được xây dựng kịch bản từ nội dung cuốn tiểu thuyết cùng tên của Cormac McCarthy. Tại Oscar 2018, phim giành tượng vàng ở bốn hạng mục phim xuất sắc, đạo diễn xuất sắc, nam chính xuất sắc và kịch bản chuyển thể xuất sắc. No Country for Old Men cũng được vinh danh tại hạng mục Kịch bản xuất sắc của Writers Guild Award 2008. Tác phẩm gây ám ảnh bằng hình tượng tay sát thủ lầm lì với mái đầu rẽ ngôi bóng mượt và nhân sinh quan méo mó. Gã lang thang hại người bằng khẩu súng chuyên dùng để giết gia súc. Đây là một trong ba mảnh ghép lớn của bức tranh vùng Tây Texas hoang vu, vô nhân tính được anh em nhà Coen khắc họa.
Moonlight (2016)
Moonlight đưa khán giả đi qua ba giai đoạn trong cuộc đời một thanh niên đồng tính người Mỹ gốc Phi: thời thơ ấu nghèo khó với người mẹ nghiện ngập; giai đoạn vị thành niên chìm trong chuỗi ngày bị bắt nạt và tuổi mới lớn bế tắc. Kịch bản Moonlight được Barry Jenkins chuyển thể từ nội dung vở kịch chưa từng công bố của Tarell Alvin McCraney. Cả McCraney và Jenkins đều được nuôi lớn bởi những người mẹ nghiện ngập vùng Liberty City, Florida (Mỹ). Nhờ vậy, họ đồng cảm với đối phương cũng như nhân vật chính của câu chuyện. Trong chương trình phát thanh Script Apart, Jenkins chia sẻ anh cảm thấy kịch bản Moonlight là “tự truyện của tôi hòa trộn với cuộc đời Tarell”. Moonlight giành ba giải Oscar cho phim xuất sắc, nam diễn viên phụ và kịch bản chuyển thể. Writers Guild Award cũng trao cho phim một giải Kịch bản chuyển thể xuất sắc.
There Will Be Blood (2007)
Bộ phim của đạo diễn kiêm biên kịch Paul Thomas Anderson được xây dựng dựa trên một số tình tiết từ cuốn tiểu thuyết Oil! của Upton Sinclair. Trong phim, nam diễn viên Daniel Day-Lewis thủ vai Daniel Plainview - một người khai thác bạc ôm mộng đổi đời nhờ dầu mỏ tại nam California cuối thế kỷ XIX. Phim mở đầu bằng một trường đoạn không lời dài hơn 5 phút, ghi lại cảnh Plainview làm việc dưới mỏ. Anh chỉ có một thân một mình, đào bới vất vả nhưng vẫn không hài lòng với thành quả. Cảnh này có liên hệ chặt chẽ với đoạn kết phim, khi Plainview giàu có nhưng cô độc, dùng con ki gỗ đánh kẻ thù để giải tỏa cơn giận dữ vô vọng. There Will Be Blood được nhận đề cử Oscar hạng mục kịch bản chuyển thể xuất sắc.
Inglourious Basterds (2009)
Theo đạo diễn Quentin Tarantino, Inglourious Basterds là phim điện ảnh thứ 6 ông từng thực hiện. Nhà làm phim đã triển khai ý tưởng Inglourious Basterds dưới dạng bản thảo truyện nhiều năm trước khi biến nó thành kịch bản điện ảnh. Trong cuộc phỏng vấn với tạp chí Filmmaker, Tarantino từng nói về Inglourious Basterds: “Tôi đã nghĩ chừng này chất liệu đủ để sản xuất cả một mini-series chứ chẳng đùa, nhưng hãy tem tém lại, gói gọn mọi thứ vào một bộ phim điện ảnh thôi”. Inglourious Basterds lấy bối cảnh nước Pháp thời bị phát xít chiếm đóng trong Thế Chiến II. Một nhóm lính Mỹ và Do Thái hợp tác với nữ chủ nhân rạp chiếu bóng đầy hận thù trong kế hoạch bắt tên sĩ quan Đức đền nợ máu.
Almost Famous (2000)
Từ những trải nghiệm làm phóng viên cho tờ Rolling Stone năm 17 tuổi, biên kịch Cameron Crowe đã xây dựng nên cốt truyện của Almost Famous. Ông cũng là người tự tay đạo diễn kịch bản do mình chấp bút. Năm 2001, Almost Famous đã mang về cho Cameron Crowe một tượng vàng Oscar cho kịch bản gốc xuất sắc. Trong bộ phim lấy bối cảnh nước Mỹ thập niên 1970, một nam sinh trung học được trao cơ hội viết báo cho tạp chí Rolling Stone về chuyến lưu diễn của một ban nhạc rock triển vọng. Năm 2020, nhân dịp bộ phim tròn 20 tuổi, Cameron Crowe đã chia sẻ với Empire về những khó khăn khi xây dựng kịch bản phim: “Thử thách đối với tôi là viết về thứ gì đó cá nhân nhưng không quá riêng tư và lột tả được tinh thần của những ban nhạc rock thời đó”.
Memento (2000)
Bộ phim giật gân, kỳ bí là tác phẩm điện ảnh thứ hai của Christopher Nolan trong vai trò đạo diễn. Ông viết kịch bản Memento dựa trên truyện ngắn Memento Mori của Jonathan Nolan. Nhân vật chính của phim là một người đàn ông mắc chứng mất trí nhớ ngược chiều điên cuồng trả thù cho cái chết của vợ. Memento cuốn khán giả vào chuyến hành trình nơi dòng thời gian tuyến tính bị bẻ gãy, xáo trộn trước khi chắp nối lại bởi một người đàn ông đã mất khả năng nhận thức về nó. Trong một video phỏng vấn, Nolan từng phải sử dụng biểu đồ để tóm tắt các tình tiết xảy ra trong Memento. Xuyên suốt bộ phim, các sự kiện diễn ra trong đời nam chính lần lượt được tua ngược về mốc khởi đầu. Tuy nhiên, xen giữa dòng chảy ngược, khán giả vẫn nhận ra thời gian đang trôi xuôi chiều thông qua các điểm nhìn cả khách quan lẫn chủ quan.