Wu Chi từng đi khắp Trung Quốc để xem các giải đấu bóng bàn, từ Super League đến World Cup đôi nam nữ. Hiện tại, cô đang chuẩn bị cho chuyến đi quan trọng nhất của mình: Olympics 2024 tại Paris, Pháp.
Nữ sinh đến từ tỉnh Giang Tây này là một người hâm mộ lớn của bộ môn bóng bàn, thường xuyên kết hợp việc du lịch và theo chân các giải đấu. Đến Thế vận hội năm nay, cô dùng tiền tiết kiệm riêng và nhờ thêm sự hỗ trợ của cha mẹ để mua vé xem các trận đấu quan trọng của môn bóng bàn thế giới như bán kết, chung kết đôi nam nữ cũng như trận chung kết đơn.
Bên cạnh đó, Wu cũng muốn dành dịp đặc biệt này để khám phá châu Âu.
"Nếu Olympics không tổ chức ở Paris, tôi vẫn sẽ đi. Đây là cuộc tranh tài lớn nhất thế giới", cô nói và cho biết sẽ thăm các nước khác ở châu Âu trước khi Thế vận hội bắt đầu.
Theo Sixth Tone, những người như Wu Chi đang là khách hàng mục tiêu của các công ty lữ hành tại Trung Quốc khi đại hội thể thao lớn nhất hành tinh sắp khởi tranh. Hàng loạt tour du lịch được thiết kế dành riêng cho tệp du khách muốn đi du lịch và "chắc suất" vào sân xem các trận đấu kinh điển tại Olympics.
Ví dụ, trên Fliggy - nền tảng du lịch của Alibaba - tour "Riverside" có giá khoảng 63.000 nhân dân tệ (8.700 USD) cam kết du khách sẽ có chỗ ngồi tốt để xem lễ khai mạc và cơ hội gặp gỡ các vận động viên Olympics. Fliggy cũng giới thiệu nhiều gói dịch vụ cho người hâm mộ các môn thể thao như lặn, thể dục dụng cụ và điền kinh.
Theo Trip.com, đến cuối tháng 4, lượng đặt vé máy bay từ khắp nơi trên thế giới đến Paris đã tăng 240% và lượng đặt phòng khách sạn tăng 180% so với năm 2023. Nền tảng này cũng cho biết việc xem các sự kiện thể thao đã trở thành một xu hướng lớn trong du lịch.
Dù không có số liệu đầy đủ, nhưng nhiều người cho rằng khách Trung Quốc đang đổ xô đến Pháp. Nhiều người đã xin visa du lịch Pháp trong kỳ nghỉ lễ Lao động 1/ 5 vừa qua.
Ngoài ra, Thế vận hội trùng với kỳ nghỉ hè và kỷ niệm 60 năm quan hệ giữa Trung Quốc và Pháp, dự kiến sẽ thu hút thêm nhiều khách du lịch từ thị trường đông dân nhất thế giới.
Tại Trung Quốc, ngành du lịch thể thao đang phát triển nhanh chóng, tăng 30-40% du khách mỗi năm. Theo bà Cao Yixia, một nhà nghiên cứu ở Thượng Hải, thể thao là một loại hình giải trí phổ biến. Người hâm mộ thể thao muốn có những trải nghiệm đa dạng, khám phá văn hóa địa phương, lịch sử và thiên nhiên trong khi xem các trận đấu.
“Du lịch thể thao không chỉ là về thi đấu mà còn về trao đổi văn hóa, giúp cả du khách và người dân địa phương hiểu nhau hơn”, bà Cao nhận xét.
Xu hướng này cũng giúp tăng trưởng kinh tế nội địa. Năm ngoái, Sở Thể thao tỉnh Tứ Xuyên tổ chức hơn 7.500 sự kiện, thu hút 43 triệu người tham gia và tạo ra doanh thu 40 tỷ nhân dân tệ.
Để phát triển du lịch thể thao, bà Cao cho rằng cần kết hợp các sự kiện thể thao với du lịch địa phương để khách ở lại lâu hơn. Ngoài chất lượng sự kiện, điểm đến cần có dịch vụ công cộng tốt, thông tin dễ tiếp cận và các chiến lược tiếp thị sáng tạo.
“Giúp du khách hiểu được tinh thần, văn hóa và lịch sử của một thành phố qua các sự kiện thể thao là điều cần thiết cho sự phát triển bền vững của du lịch thể thao”, bà nói.
Châu Âu có diện tích nhỏ thứ hai thế giới nhưng sở hữu nền văn hóa đa dạng, có lịch sử phát triển lâu đời. Tri thức - Znews giới thiệu tới bạn đọc những trang sách về lục địa già.