Mẹ của Paulo Dybala kể lại rằng, cậu con trai út của bà được sinh ra với quả bóng dưới chân. Đó là món quà của ông bố Adolfo. Khi còn trẻ, ông đã đặt mục tiêu trở thành một cầu thủ nổi tiếng, nhưng bất thành. Adolfo chuyển giấc mơ đó sang hai đứa con trai đầu, Gustavo và Mariano, để rồi tiếp tục thất bại. Vì vậy, Paulo giống như niềm hy vọng cuối cùng. Một canh bạc mà ông sẽ chơi tất tay.
Câu chuyện bắt nguồn từ một người Ba Lan tên Boleslaw. Trong những năm Đệ nhị Thế chiến, ông sống ở Krasniow, ngôi làng nhỏ thuộc tỉnh Swietokrzyskie của đất nước nằm gọn trong vùng đồng bằng Bắc Âu. Hết chiến tranh, Boleslaw trở về từ trại lao động cưỡng bức của phát xít Đức mà không nhìn thấy bất kỳ manh mối của tương lai.
Cực chẳng đã, ông nghe theo một người bạn, lên tàu và tìm đến đất nước Argentina với niềm tin về một cuộc sống tốt đẹp hơn. Thế nhưng hai tuần đầu tiên ở mảnh đất xa lạ này, Boleslaw phải ngủ trên một cánh đồng ngô trong tình trạng đói và khát. Một vài người đã tìm thấy và cứu sống ông. Kể từ đó, Boleslaw trở thành người Argentina, phiêu bạt đến ngôi làng Laguna Larga ở Cordoba và làm giúp việc trong nhà thờ.
Dybala ghi bàn đầu tiên vào lưới Barca. |
Cuộc sống không bao giờ dễ dàng với người nhập cư, và không có mối liên hệ dù là nhỏ nhất với quốc gia sở tại. Đến lúc nào đó, Boleslaw phát hiện ra rằng, cách duy nhất để được thừa nhận ở Argentina là thông qua bóng đá, thứ mà người dân nơi đây coi như một loại tôn giáo.
Vì vậy, ông hướng cậu con trai - tức bố của Paulo Dybala - theo nghiệp quần đùi áo số. Nhưng tất cả những gì Adolfo làm được là ra sân vào mỗi cuối tuần ở vị trí tiền vệ trong một đội bóng địa phương. Và thế là, nhiệm vụ trở thành một ngôi sao được chuyển tiếp đến đời cháu của Boleslaw.
Đầu tiên là Gustavo, anh cả của Paulo. Chỉ sau thời gian ngắn chơi bóng đá, cậu từ bỏ để bây giờ có mức lương đủ sống với nghề họa sĩ. Tiếp theo đến Mariano. Đứa này khá hơn và được đánh giá cao về kỹ thuật, song lại mắc bệnh... nhớ nhà. Adolfo vô cùng tức giận, nhưng bất lực để khuyên nhủ Mariano quay trở lại trung tâm đào tạo.
46 pha chạm bóng của Dybala diễn ra ở khắp mọi nơi để đem đến nỗi đe dọa thường trực cho đội bóng của Luis Enrique. |
Cuối cùng, định mệnh chọn Paulo. Adolfo dường như cũng cảm nhận được điều gì đó đặc biệt ở cậu út, nên sẵn sàng tha thứ nếu cậu chểnh mảng học hành. Tuy nhiên, lại rất khắc nghiệt với các hoạt động bóng đá. Paulo từng kể rằng, vào một ngày, cậu ghi 2 hay 3 bàn thắng gì đó để có thể tự tin tiến về phía người cha sau trận đấu. Đáp lại là khuôn mặt đỏ bừng vì giận dữ. Adolfo dội cả xô nước lạnh vào vẻ hớn hở của Paulo với lý do, cậu đã bỏ lỡ vài cơ hội để có thể kết thúc với 5 hoặc 6 bàn.
Những người bạn gọi Adolfo là “El Chancho” - tức con heo, bởi sự khắc nghiệt với đứa con trai. Ông cùng từ chối lời mời từ Newell’s Old Boys, trung tâm uy tín ở Rosario để gửi Paulo tới Instituto Atletico, nơi từng tạo nên những huyền thoại như Osvaldo Ardiles hay Mario Kempes.
Bây giờ, Dybala đã hiện thực hóa giấc mơ mà ông và cha theo đuổi cả đời. |
Cứ mỗi ngày, Adolfo lại chở cậu út trên chiếc xe cọc cạch, trải qua hành trình dài 65 km đến nơi đào tạo. Cho đến khi Paulo được 13 tuổi, ông qua đời vì ung thư tuyến tụy. Một cú sốc lớn với Paulo. Mặc dù ông bố quá nghiêm khắc, nhưng anh biết rằng, nó chỉ tốt cho sự nghiệp của mình.
Nếu không có những ngày tháng ấy, chắc chắn không có một Dybala như hôm nay, người đã hủy diệt Barca theo một cách tàn nhẫn nhất. Đối đầu với gã khổng lồ xứ Catalan, với những ngôi sao hàng đầu thế giới nhưng chàng trai 23 tuổi không hề sợ hãi. Trái lại, chuyển nỗi sợ ấy lên phía đối phương.
Và bây giờ, ở một nơi nào đó trên thiên đàng, hẳn Boleslaw cùng “Con heo” Adolfo đã có thể mỉm cười. Giấc mơ về một ngôi sao của họ đã thành hiện thực.
Với 4 bàn thắng tại Champions League chỉ sau 18 cú dứt điểm, tỷ lệ chuyển đổi cơ hội của Dybala là 22,2%, tốt hơn cả Lewandowski (21,2%) và vượt xa Ronaldo (5,1%). Xét theo thời gian, trung bình cứ 125 phút anh lại ghi một bàn thắng.
Dybala được Whoscored chọn là Cầu thủ hay nhất trận. |