Liên quan tới tình hình Bệnh viện Bạch Mai sau khi ghi nhận 3 ca mắc Covid-19 (bao gồm 2 điều dưỡng, 1 bệnh nhân), Zing.vn đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, cố vấn cao cấp Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 quốc gia. Ông cũng tham gia hỗ trợ công tác chống dịch tại Bệnh viện Bạch Mai.
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam. Ảnh: Tuấn Dũng. |
Bệnh viện Bạch Mai được coi là ổ dịch vì có ca nhiễm
- Nhiều người đang gọi Bệnh viện Bạch Mai là ổ dịch, song nhiều người lại cho rằng không nên gọi như vậy, bởi bệnh viện là “chiến trường”, không phải “ổ dịch”. Ông nghĩ sao?
- Ở bất cứ chỗ nào, kể cả có một ca bệnh thì cũng được gọi là ổ dịch. Hiện tại, Bệnh viện Bạch Mai cũng được coi là một ổ dịch. Thực tế đã ghi nhận các ca tại đây, bao gồm cả nhân viên y tế lẫn bệnh nhân.
- Bộ Y tế đã chỉ đạo thực hiện các biện pháp tại Bệnh viện Bạch Mai như thế nào?
- Tại Bệnh viện Bạch Mai đã cách ly Trung tâm Bệnh nhiệt đới, khoa Thần Kinh, C9 - Viện Tim mạch, là những nơi ghi nhận ca mắc. Bệnh viện thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt trong phòng bệnh như xem xét các quy trình, vấn đề bố trí chống lây chéo như vệ sinh, khử khuẩn.
Bên cạnh đó, áp dụng các biện pháp xã hội như tạm ngừng khám chữa bệnh theo yêu cầu và tái khám, chỉ tiếp nhận các trường hợp cấp cứu hoặc cần theo dõi, điều trị bệnh liên tục. Bệnh viện đang kiểm soát người ra vào, chỉ còn duy trì một cổng phía đường Giải Phóng.
Toàn bộ bệnh nhân và người nhà không được ra ngoài, các suất ăn được nhà ăn của bệnh viện bố trí đầy đủ. Phải đeo khẩu trang, sát khuẩn tay trước khi vào viện. Đặc biệt, lấy mẫu xét nghiệm 100% nhân viên và bệnh nhân tại đây.
Ban Chỉ đạo đã thành lập Tổ công tác do PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, làm tổ trưởng. Trước 17h hàng ngày hoặc đột xuất, tổ công tác phải báo cáo tình hình ở Bệnh viện Bạch Mai với Ban chỉ đạo quốc gia chống dịch Covid-19.
- Các tình huống đã được tính toán như thế nào?
- Hiện, chưa thể đánh giá được tình hình, mức độ nguy hiểm ở Bệnh viện Bạch Mai. Phải chờ làm xong hết xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 cho tất cả nhân viên bệnh viện, bệnh nhân thì từ đó mới đánh giá được chính xác tình hình ở Bệnh viện Bạch Mai cũng như nguy cơ lây dịch bệnh Covid-19 ra cộng đồng ở mức độ nào. Dự kiến, trong hôm nay sẽ có kết quả bước đầu. Lúc đó, mới đánh giá được cụ thể.
Nếu không lây nhiễm thì không sao. Còn ngược lại, nếu có ca lây nhiễm phải thực hiện biện pháp mạnh mẽ, kể cả đóng cửa nếu cần thiết.
- Việt Nam đã có tiền lệ đóng cửa một bệnh viện nào chưa?
- Có, chúng ta đã từng đóng cửa Bệnh viện Việt Pháp trong dịch SARS năm 2003 khi có những nhân viên y tế lây bệnh và không may qua đời. Song, tình hình ở Bệnh viện Bạch Mai không trầm trọng như Bệnh viện Việt Pháp.
- Bộ Y tế đã tìm ra được nguồn lây ở Bệnh viện Bạch Mai chưa?
- Tạm thời chưa xác định được nguồn lây, cần chờ thời gian. Có thể lây từ bên ngoài về, đơn cử việc nữ điều dưỡng đã từng du lịch ở Côn Đảo. Ở Bệnh viện Bạch Mai, chưa ghi nhận tình trạng lây từ bệnh nhân sang nhân viên y tế.
- Trong số những người mắc, có 2 nữ điều dưỡng làm việc tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới và một bệnh nhân từng có thời gian điều trị tại khoa Thần Kinh. Có mối liên hệ gì giữa các bệnh nhân này?
- Đây là hai ổ khác nhau, không liên quan tới nhau. Bệnh viện Bạch Mai rất rộng, nhiều khoa, phòng nên đây là điều dễ hiểu.
Nữ điều dưỡng mắc Covid-19 của BV Bạch Mai đang được điều trị tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Việt Hùng. |
Nguy cơ ở tất cả cơ sở y tế, không chỉ Bệnh viện Bạch Mai
- Qua câu chuyện Bệnh viện Bạch Mai, ông có cho rằng nguy cơ bùng phát có thể xảy ra ở các cơ sở y tế khác hay không?
- Các bệnh viện đều có nguy cơ nhiễm, không chỉ riêng Bạch Mai. Các cơ sở y tế nếu không làm mạnh, làm tốt thì sẽ gặp tình trạng tương tự. Còn nếu làm tốt, sẽ tránh được. Bệnh viện Bạch Mai là bệnh viện lớn, có quá nhiều người tới.
Với diễn biến dịch bệnh Covid-19 hiện tại ở nước ta, nhân viên y tế được xác định đối tượng có nguy cơ lớn lây bệnh. Do đó, chúng ta phải tích cực phòng để nhân viên y tế không bị lây bệnh. Ở Trung Quốc có tới hàng nghìn nhân viên y tế mắc Covid-19, chúng ta cũng không thể tránh mà chỉ hạn chế đến mức thấp nhất.
- Tình hình dịch bệnh hiện tại ở nước ta như thế nào?
- Thủ tướng đã đánh giá tình hình hiện tại là nghiêm trọng, phức tạp. Đặc biệt, có nhiều ca lây trong cộng đồng, tức không phát hiện được ca đầu tiên - nguồn lây là ở đâu. Nếu không làm gấp, nhanh, sẽ không còn cơ hội để ngăn chặn dịch. Dịch sẽ bùng phát rất mạnh.
- Theo ông, người dân nên làm gì lúc này?
- Người dân cần chung tay chống dịch, làm theo lời kêu gọi của chính phủ, ngành Y tế. Người dân không nên ra đường nếu không có việc thực sự cần thiết. Những người trên 60 tuổi cần ở nhà toàn bộ thời gian. Thực hiện khai báo y tế đầy đủ. Tập trung phòng vệ cá nhân, thường xuyên rửa tay, sát khuẩn, đeo khẩu trang nơi công cộng.
- Còn với các bệnh nhân, người đã từng đến Bệnh viện Bạch Mai thì sao?
- Cục Quản lý khám chữa bệnh đã có công văn đề nghị Bệnh viện Bạch Mai phối hợp lập danh sách người bệnh khám, chữa bệnh tại bệnh viện này từ ngày 10/3 đồng thời có công văn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố đề nghị khẩn trương báo cáo việc rà soát và lập danh sách toàn bộ nhân viên làm việc (người hành nghề, người làm việc) tại Bệnh viện Bạch Mai tham gia khám, chữa bệnh tại các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn quản lý từ ngày 10-26/3.
Chúng tôi cũng kêu gọi những người từng đến Bệnh viện Bạch Mai trong vòng 14 ngày trở về trước nên tự cách ly tại nhà, theo dõi sức khỏe.