Tại kỳ họp thứ nhất Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước nhiệm kỳ 2014-2019 diễn ra trong hai ngày 13 và 14/1, hội đồng đã xét, bỏ phiếu và quyết nghị công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS) năm 2014 cho 59 tân GS và 585 tân PGS.
PGS trẻ nhất là Từ Trung Kiên, sinh ngày 20/2/1981. Ông hiện là trưởng bộ môn cơ sở, khoa Chăn nuôi thú y, ĐH Nông lâm Thái Nguyên thuộc ĐH Thái Nguyên. PGS Từ Trung Kiên là con trai GS.TS Từ Quang Hiển, nguyên giám đốc ĐH Thái Nguyên, hiện nay là chủ tịch Hội đồng chức danh giáo sư liên ngành chăn nuôi, thú y.
Ngày 15/1, PGS Từ Trung Kiên đã có buổi trao đổi với phóng viên. Ông cho biết rất vui mừng vì đây là kết quả phấn đấu suốt quãng thời gian dài vừa qua. Ông không nghĩ tới chức danh này nhiều, chỉ cố gắng hoàn thành công việc.
Thạo nghề nông, yêu động vật- Tại sao PGS lại chọn ngành chăn nuôi để theo đuổi?
- Tôi sinh ra và lớn lên trong gia đình có bố mẹ cũng từng làm nông nhiều năm. Từ cấy cày, chăn nuôi đến thu hoạch chè nhà nông tôi đều thạo. Nhưng bản thân tôi thích động vật hơn nên quyết định theo ngành này. Ở nhà tôi nuôi gà, ở trường tôi được thuê khoán để phụ trách trại chăn nuôi với gần 2000 con gà đủ loại giống.
PGS Từ Trung Kiên. |
Tôi cũng có may mắn khi có bố làm trong ngành này. Ông dạy về dinh dưỡng động vật và giờ tôi cũng theo nghiệp cha. Ông là tấm gương trong học tập cũng như cuộc sống đối với tôi.
- Công trình nào PGS tâm huyết và hài lòng nhất trong sự nghiệp của mình?
- Tôi chuyên nghiên cứu về dinh dưỡng. Công trình nghiên cứu tôi tâm huyết nhất là về cỏ và dinh dưỡng cho động vật nhai lại. Từ thực tế ngành nông nghiệp VN, tôi nghĩ chăn nuôi đi theo con đường công nghiệp hóa hiện đại hóa rất khó. Khi mở cửa với thế giới, ngành chăn nuôi VN sẽ gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là vấn đề giá thức ăn. Hiện mặt hàng này ở VN cao hơn nước khác nhiều khi nguồn nguyên liệu đa phần nhập khẩu. Khi hội nhập, giá cả gia súc sẽ giảm xuống.
Cộng thêm với chuyện dịch bệnh nhiều, khó kiểm soát nguồn gia súc gia cầm từ Trung Quốc nên người chăn nuôi ở VN, nhất là phía Bắc thua lỗ nhiều. Không ít người đã phải chuyển sang nghề khác.
Nghiên cứu của mình mang tính chất hệ thống tức là từ khi trồng cỏ đến thử nghiệm trong chăn nuội bò. Trước giờ ở VN chưa có nghiên cứu nào đi toàn diện như vậy. Ở miền Bắc cũng có giống cỏ voi nhưng mùa đông năng suất thấp, cỏ cứng và dát khiến gia súc không thích ăn lắm. Giống cỏ mới sẽ cho chất lượng tốt hơn nhiều. Khi triển khai công việc của người chăn nuôi sẽ đỡ vất vả hơn, giá trị vật nuôi cũng sẽ tăng lên, giá thành cạnh tranh.
Hi vọng đây sẽ là động lực để bà con mặn mà hơn với việc chăn nuôi.
Lương chỉ bằng nửa SV ra trường
- Trong trường của PGS, sinh viên có yêu thích ngành chăn nuôi không?
- Do đặc thù ĐH Nông lâm Thái Nguyên ở vùng núi phía Bắc nên chăn nuôi hiện tại vẫn là một ngành hot. Khoa chăn nuôi thường xuyên có hội chợ việc làm. Sinh viên nam học chăn nuôi thú y hầu như ra trường xin được việc 100%, các bạn nữ cũng chỉ trong vòng 1 năm là có việc làm đúng nghề Các sinh viên của mình ra trường được nhà tuyển dụng trả lương 9-13 triệu/tháng là bình thường. Trong khi mình chỉ nhận lương hơn 5 triệu. Nhưng đó là điều những người thầy như mình rất hạnh phúc.
Gia đình PGS Từ Trung Kiên. |
- Với mức lương thấp chỉ bằng một nửa SV ra trường, PGS phải xoay xở như thế nào để đảm bảo cuộc sống và tập trung nghiên cứu?
- Với ngành nghề khác có thể chuyên nghiên cứu khoa học ít nhưng những ngành kỹ thuật, chăn nuôi như chúng tôi, không làm nghiên cứu sẽ không biết gì, không thể phát triển. Sinh viên cũng rất tích cực học hỏi. Các em chủ động tìm thầy để được hướng dẫn và cùng làm.
Còn chuyện lương, để có thêm thu nhập mình tích cực tham gia vào các đề tài dự án hoặc chắp mối buôn bán những thứ có liên quan đến ngành nghề chăn nuôi kiếm thêm. Ngày trước mình có chơi thể thao nhưng nay có vợ con, công việc nhiều nên khoảng 3 năm trở lại đây mình đã gần như bỏ hoàn toàn thể thao.
- Dịp thi cử, cuối năm hoặc lễ Tết… PGS có nhận được nhiều “cảm ơn”, phong bì của sinh viên không?
- Khi đồng lương không đủ sống sẽ có người làm như vậy. Đây cũng là việc những nhà hoạch định chính sách cần suy nghĩ. Bản thân tôi không bao giờ nhận phong bì, tiền của sinh viên. Các em khi lựa chọn chuyên ngành này hầu như có xuất thân từ gia đình nông dân. Để có một đồng cho con họ phải ki cóp lắm. Nhận của các em để rồi tối về nằm trằn trọc là điều tôi không làm được và thẳng thừng từ chối.
- Ngành giáo dục đang thực hiện đổi mới căn bản toàn diện. Ông có trăn trở gì cho lần đổi mới này?
- Chủ trương đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo là đúng rồi. Tôi chỉ hi vọng các bộ ngành và Chính phủ cần có quan điểm xây dựng những ngành nghề mũi nhọn, chiến lược cho phát triển để tập trung nguồn nhân lực cho đào tạo. Như vậy sẽ tốt hơn đầu tư kiểu dàn trải.
Giáo dục đại học cần được quan tâm nhiều hơn, đầu tư mạnh hơn về cơ sở vật chất và cần có những đại học lớn mạnh, không cần dàn trải mỗi tỉnh có một trường đại học như hiện nay.
Khi đó từ người học đến người dạy đều phải nỗ lực, phấn đấu dạy thực học thực, cứ như thế phát triển lên."Nguồn giống tốt" sẽ đào tạo ra những “sản phẩm” tốt và một xã hội tốt.
- Xin cảm ơn PGS!