Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

PGS Văn Như Cương đề nghị lập Trại viết SGK

Trước dự thảo đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) của Bộ GD-ĐT kéo dài đến 2022, PGS Văn Như Cương đề nghị lập Trại viết SGK để rút ngắn thời gian xuống còn một năm.

Sáng 8/3, tại hội nghị tham vấn chuyên gia về đề án đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau 2015, PGS.TS Văn Như Cương - Hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh đã có bài phát biểu ấn tượng, trực tiếp đề cập những vấn đề còn yếu kém.

PGS Văn Như Cương phát biểu tại hội nghị sáng 8/3 do Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng Quốc hội tổ chức.

‘10 năm đổi mới là quá dài’

Về lộ trình thực hiện đề án sẽ kết thúc vào năm 2022 (sau 8 năm), ông đánh giá: “Theo kinh nghiệm của tôi thời gian có thể sẽ kéo dài đến 2024. Như vậy, 10 năm để chúng ta thay đổi cơ bản và toàn diện nền giáo dục là quá dài, khó chấp nhận được.

Thời gian đó có thể là nhiệm kỳ của 2-3 vị bộ trưởng khách nhau của ngành giáo dục. Ngay cả các vị lãnh đạo cấp cao hơn cũng đã thay đổi. Rất nhiều người ngồi trong cuộc họp này cũng không còn làm việc, thậm chí chí không còn".

Bởi vậy, PGS Cương đề nghị đẩy nhanh tiến độ của công cuộc đổi mới này: “Một mặt, chúng ta cần thận trọng, mặt khác không thể làm ăn theo kiểu rề rà, đến đâu hay đến đó. Xã hội không thể chờ và đợi như thế”.

Kiến nghị xây dựng Trại viết SGK

Để có thể đẩy nhanh tiến độ, vị hiệu trưởng này cho rằng: “Cần bỏ bớt những khâu rườm rà cứng nhắc không mang lại hiệu quả thiết thực mà chỉ kéo dài thời gian chờ đợi. Việc gì làm trước được thì cứ làm, không nhất thiết phải tuần tự”.

Đặc biệt, ông nhấn mạnh: “Tôi tha thiết đề nghị tổ chức Trại viết SGK”. Ở đó, các tác giả làm việc tập trung theo đúng giờ hành chính. Họ phải tách ra khỏi cơ sở làm việc cũ trong một thời gian quy định, tập trung hoàn toàn cho công việc này.

Trước đây, các tác giả đều làm chính tại đơn vị công tác của mình, tranh thủ và sắp xếp thời gian để viết sách giáo khoa. Đó là nguyên nhân khiến công việc này kéo dài.

“Làm việc theo công thức này tôi tin rằng chắc chắn sẽ nhanh ít nhất gấp 10 lần trước đây. Tôi dự trù sau khi chương trình các bộ môn từ lớp 1-12 (thử nghiệm) đã được thẩm định lần đầu, công việc biên soạn sách giáo khoa tập trung ở trại chỉ cần 6 tháng là nhiều nhất”, thầy Cương phân tích.

Đồng loạt thay sách giáo khoa từ lớp 1-12

PGS Văn Như Cương còn phản biện nội dung thay sách giáo khoa mới theo kiểu cuốn chiếu của Bộ GD-ĐT và cho rằng phải mất 5 năm để hoàn thành nếu làm theo phương án này.

Ông phân tích: “Hãy hình dung tình trạng sau đây ở các trường tiểu học, giả sử năm nay thay sách lớp 1 theo kiểu cuốn chiếu thì các em lớp 2 vẫn học chương trình cũ. Ba năm tiếp theo (lớp 3-5) họ vẫn học theo chương trình cũ, còn học sinh lớp dưới được học chương trình mới.

Hai kiểu đào tạo cũ và mới cùng tồn tại trong một trường là không ổn về mặt tâm lý, tổ chức giảng dạy và nhiều vấn đề khác. Đó là chưa bàn những vấn đề sẽ nảy sinh đối với trường có 2 hoặc 3 cấp học”.

Qua đó, ông đề nghị nên cương quyết thay đồng loạt sách từ lớp 1-12. Nếu làm theo phương án này lộ trình thực hiện chỉ mất một năm.

Bộ giáo dục mất 9 năm để hoàn thiện sách giáo khoa mới

Theo dự thảo mới nhất về đổi mới giáo dục phổ thông, Bộ GD - ĐT sẽ phải mất 9 năm (2014-2022) để hoàn thiện chương trình, sách giáo khoa phổ thông.

An Hoàng

Bạn có thể quan tâm