Cách đó khá xa, một chiếc sà lan vận chuyển dầu cặp sát con tàu hàng mang quốc tịch nước ngoài. Nhìn bề ngoài, dường như chiếc sà lan đang tiếp nhiên liệu cho con tàu lớn trong hành trình vạn dặm phía trước - hình ảnh quá đỗi bình thường ở những cảng biển lớn. Tuy nhiên, ẩn chứa sau đó là cả một đường dây buôn lậu dầu “tạm nhập, tái xuất” quy mô lớn, núp bóng doanh nghiệp vận chuyển, có sự tiếp tay của một số cán bộ hải quan thuộc Chi cục Hải quan Cửa khẩu cảng Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu).
Những “ngư dân” da đen bóng vì nắng gió trên chiếc ghe cá nhỏ không ai khác, chính là các trinh sát Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an TP.HCM đang đấu tranh chuyên án 0623T.
Những chiếc ghe đánh cá nhỏ là phương tiện mà các trinh sát sử dụng trong quá trình phá án. |
Ngày đêm bám biển
Qua công tác điều tra cơ bản lĩnh vực chống buôn lậu, kết hợp với nắm tình hình địa bàn, các trinh sát Phòng Cảnh sát Kinh tế phát hiện Công ty TNHH Vận tải Xăng dầu Saigon Transco (trụ sở tại số 30 Đào Trí, phường Phú Thuận, quận 7, TP.HCM) chỉ là công ty vận chuyển, nhưng thường xuyên có xe bồn chở dầu ra vào và có mặt hàng là dầu DO, FO để bán. Việc mua bán dầu diễn ra thường xuyên nhưng lén lút vào ban đêm.
Hiện tượng bất thường trên nhanh chóng được báo cáo về chỉ huy Phòng Cảnh sát Kinh tế. Tiếp tục thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an TP.HCM phát hiện một đường dây núp bóng doanh nghiệp, lợi dụng chính sách tạm nhập, tái xuất để buôn lậu dầu với quy mô lớn, tính chất phức tạp, do đối tượng Lê Tấn Hòa (48 tuổi, thường trú trên đường Huỳnh Tấn Phát, phường Phú Mỹ, quận 7, TP.HCM) cầm đầu.
Vụ việc được chỉ huy Phòng Cảnh sát Kinh tế báo cáo lên Ban Giám đốc Công an TP.HCM. Dưới sự chỉ đạo của Giám đốc Công an TP.HCM và Phó giám đốc - Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM, chuyên án 0623T được xác lập. Phòng Cảnh sát Kinh tế nhận lệnh, bằng mọi giá phải phá án trước Tết Giáp Thìn 2024.
Tuy nhiên, các đối tượng thực hiện hành vi tội phạm đều có kinh nghiệm trong lĩnh vực buôn lậu dầu nên các trinh sát phải thay phiên nhau đeo bám di biến động của các đối tượng trong đường dây gần như 24/24 giờ. Việc mua bán dầu lậu được thực hiện ở nhiều điểm trên sông, biển trải dài từ TP.HCM xuống tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Thêm vào đó, phương tiện sà lan mua dầu lậu từ các tàu hàng nước ngoài hoặc tàu Việt Nam đi tuyến quốc tế được chúng thay đổi liên tục gây không ít khó khăn cho công tác nghiệp vụ.
Hạ quyết tâm phá án đúng thời hạn, cán bộ chiến sĩ trong Ban chuyên án 0623T luôn trong tinh thần nhận lệnh là lên đường. Có những người mỗi ngày chỉ chợp mắt được vài tiếng đồng hồ, phần lớn thời gian còn lại dán mặt vào ống nhòm đến cay xè cả mắt.
Bồn chứa dầu lậu của Công ty TNHH Vận tải Xăng dầu Saigon Transco. |
Gần chục người trong tổ trinh sát, ai cũng đen nhẻm bởi nắng và gió biển. Giữa mênh mông sóng nước, bữa ăn mang theo thường là bánh mỳ, bánh bao khô khốc chia nhau cùng chai nước lọc. “Ăn vào mà giữ lại được là ngon rồi. Nhiều hôm sóng lớn, không phải dân sông nước, ai nấy đều say sóng, nôn mật xanh mật vàng, lên đến bờ rồi vẫn lâng lâng như say rượu”, một cán bộ kể.
Bủa lưới
Sau khi được Giám đốc Công an TP.HCM và Phó giám đốc - Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM phê duyệt kế hoạch phá án, vào lúc 7h ngày 13/1 - cận kề Tết Giáp Thìn 2024, các thành viên ban chuyên án thuộc Phòng Cảnh sát Kinh tế TP.HCM phối hợp với Trạm Biên phòng Cửa khẩu Cảng Phú Mỹ, Biên phòng Cửa khẩu Cảng TP.HCM kiểm tra, phát hiện trên sà lan Tấn Hào 2 (số đăng ký SG-2411) thuộc sở hữu của Công ty TNHH Vận tải Xăng dầu Saigon Transco có lượng dầu DO, FO rất lớn, được chứa trong hầm bí mật (hầm không nằm trong thiết kế). Toàn bộ số hàng hóa trên không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ.
Qua làm việc với thuyền trưởng Nguyễn Tấn Tài, máy trưởng Nguyễn Quốc Việt và toàn bộ các nhân viên trên sà lan Tấn Hào 2, bước đầu xác định: Số hàng trên có khối lượng khoảng 6.000 lít dầu DO và 45.000 lít dầu FO được Saigon Transco thỏa thuận mua lại từ tàu nước ngoài Valiant Summer (quốc tịch Singapore) đem về nhằm tiêu thụ trong nước.
Nắp hầm chứa dầu lậu trên sà lan Tấn Hào 2. |
Song song với việc kiểm tra tại sà lan Tấn Hào 2, tổ công tác thứ 2 thuộc Phòng Cảnh sát kinh tế, phối hợp với Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Trạm biên phòng cửa khẩu Cảng Phú Mỹ, Kiểm sát viên thuộc Phòng 3 - VKSND TP.HCM, Công ty TNHH Thoresen - Vinama (đại lý của hãng tàu) tổ chức làm việc với ông Dabalos Romel Agoncillo (51 tuổi, quốc tịch Philippines) - thuyền trưởng tàu Valiant Summer và ông Initan PanFilo JR. Gastador - máy trưởng của tàu Valiant Summer.
Qua làm việc, các đối tượng người nước ngoài khai nhận, quá trình cập cảng Baria Serece (thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), tàu Valiant Summer có liên hệ với đơn vị cung cấp là Petrolimex Bà Rịa - Vũng Tàu (số 12 Hoàng Hoa Thám, phường 2, TP Vũng Tàu) để đặt hàng nhiên liệu cấp cho tàu.
Ngày 12/1, sà lan Tấn Hào 2 do Nguyễn Huy Phương phụ trách, cập mạn tàu Valiant Summer đang neo đậu tại cảng Baria Serece vào lúc 11 giờ để cấp dầu. Trước khi tiến hành việc bơm dầu lên tàu, Nguyễn Duy Phương đề nghị ông Dabalos Romel Agoncillo - thuyền trưởng tàu Valiant Summer bán lại 6 tấn dầu DO và 45 tấn dầu FO và được ông này đồng ý. Phương đã thanh toán cho ông Initan PanFilo JR. Gastador - máy trưởng của tàu Valiant Summer 2.800 USD.
Cùng ngày 13/1, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP.HCM tổ chức khám xét khẩn cấp tại trụ sở Saigon Transco (số 1283/39 Huỳnh Tấn Phát, quận 7 và số 30 Đào Trí, phường Phú Thuận, quận 7), nhà riêng của Lê Văn Phước (tổ 5, ấp 1, xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè) và một số cá nhân liên quan, thu giữ nhiều tài liệu chứng cứ liên quan đến vụ án.
Buôn lậu hàng triệu lít dầu
Kết quả điều tra, Lê Tấn Hòa thành lập Saigon Transco thực hiện các hợp đồng vận chuyển dầu FO, DO (thuộc diện tạm nhập, tái xuất) từ Tổng kho xăng dầu Nhà Bè giao cho các tàu quốc tế (đang neo đậu tại khu vực sông Đồng Nai, cảng Phú Mỹ - Vũng Tàu, cảng Lotus…).
Theo quy định, dầu “tạm nhập, tái xuất” được công ty kinh doanh dầu mua về theo hình thức tạm nhập, sau đó bán (tái xuất) cho tàu quốc tế (tàu viễn dương quá cảnh Việt Nam), không được tiêu thụ nội địa.
Lợi dụng quá trình vận chuyển dầu nêu trên, Hòa đã chỉ đạo nhân viên của công ty liên hệ với các thuyền trưởng, máy trưởng của các tàu nước ngoài để thương lượng mua lại một phần lô dầu giao cho tàu mà không làm thủ tục khai báo hải quan theo quy định. Dầu mua lại được Hòa chỉ đạo bơm vào các khoang bí mật được thiết kế trên sà lan để qua mặt cơ quan chức năng, sau đó tập kết về kho chứa dầu tại trụ sở Saigon Transco để tiêu thụ nội địa, thu lợi bất chính.
Bồn chứa dầu lậu của Công ty TNHH Vận tải Xăng dầu Saigon Transco. |
Hòa cho người nhà nắm giữ vai trò quan trọng trong chuỗi hành vi phạm tội, hoạt động khép kín theo quy trình. Cụ thể, sà lan vận chuyển dầu sau khi nhận dầu từ kho của công ty kinh doanh xăng dầu sẽ xuất bến ra nơi tàu nước ngoài mua dầu neo đậu. Sà lan cập mạn tàu nước ngoài tương đương khoảng thời gian cần thiết để bơm số dầu mà tàu nước ngoài mua để qua mặt cơ quan chức năng. Trên thực tế sà lan chỉ bơm lượng dầu rất ít lên tàu, số dầu còn lại đã được thỏa thuận mua lại từ trước đó.
Sau khi hoàn tất quá trình mua bán, sà lan chở số dầu lậu mua được về đậu ngoài khơi bến tàu của Saigon Transco. Đến đêm, chiếc sà lan này sẽ vào bến, bơm số dầu trên qua một chiếc sà lan đậu trong bến được ngụy trang là một chiếc sà lan hỏng, đang sửa chữa.
Từ chiếc “sà lan hỏng” này có một hệ thống ống ngầm chôn dưới mặt đất đưa dầu lậu vào các bồn chứa bí mật trong khuôn viên Saigon Transco. Từ đây, dầu sẽ được bơm lên các xe bồn đưa đi tiêu thụ các nơi. Hoạt động vận chuyển, mua bán dầu diễn ra vào đêm khuya, gây khó khăn cho Ban chuyên án trong việc huy động phương tiện, lực lượng theo dõi, giám sát xuyên suốt, liên tục.
Từ trái qua: Lê Minh Thuận, Nguyễn Huy Phương, Lê Tấn Hòa, Lê Văn Phước đã bị khởi tố |
Số liệu điều tra ban đầu thể hiện, trong khoảng 24 tháng (từ năm 2022 đến hết năm 2023), Hòa đã chỉ đạo buôn lậu trót lọt hàng triệu lít dầu có nguồn gốc từ hàng tạm nhập tái xuất, trị giá lên tới hàng chục tỷ đồng.
Với sự chỉ đạo của Ban Giám đốc Công an TP.HCM, lãnh đạo Phòng Cảnh sát Kinh tế, chỉ trong vòng 9 ngày, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM ra quyết định khởi tố vụ án “Buôn lậu” và “Nhận hối lộ” xảy ra tại TP.HCM và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Đồng thời, cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố 6 bị can, gồm Lê Tấn Hòa (48 tuổi, chủ mưu), Lê Văn Phước (40 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Xăng dầu Saigon Transco), Nguyễn Huy Phương (37 tuổi, nhân viên giao nhận Saigon Transco), Lê Minh Thuận (48 tuổi), Nguyễn Tấn Tài (28 tuổi), Nguyễn Quốc Việt (59 tuổi) về tội “Buôn lậu”.
Hai cán bộ Hải quan tiếp tay
Mở rộng điều tra, Phòng Cảnh sát Kinh tế phát hiện hành vi tiêu cực của 2 cán bộ công chức Hải quan thuộc Chi cục Hải quan Cảng Phú Mỹ là Hồ Việt Tân (61 tuổi) và Bùi Huỳnh Bá Phước (40 tuổi).
Qua đấu tranh nhanh, các đối tượng cán bộ Hải quan khai nhận đã nhận tiền chung chi của đối tượng Lê Tấn Hòa và các nhân viên Saigon Transco để không thực hiện đầy đủ quy trình giám sát hải quan theo quy định, tạo điều kiện để Lê Tấn Hòa và đồng bọn mua bán dầu FO, DO từ các tàu quốc tế mà không khai báo hải quan. Ngày 18/3, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM ra quyết định khởi tố đối với Hồ Việt Tân, Bùi Huỳnh Bá Phước về tội “Nhận hối lộ”.
Tủ sách pháp luật sẽ giúp độc giả của Znews tìm hiểu sâu hơn về các luật, bộ luật, cũng như dễ dàng tiếp cận các quy định về đăng ký tạm trú, xử phạt hành chính…