Ngày 15/3, Zing.vn đăng bài “Người dân chặn trước cửa nhà phản đối tháo dỡ bậc tam cấp” phản ánh nhiều hộ gia đình trên đường Xã Đàn (phường Phương Liên, quận Đống Đa) phản đối việc các cơ quan chức năng phá dỡ bậc tam cấp.
Bài đã nhận được nhiều phản hồi từ độc giả với các ý kiến trái chiều xoay quanh phản ứng của người dân, sự đúng sai của vấn đề, trách nhiệm của cơ quan chức năng.
Người dân có lý
Trong những hộ gia đình phản ứng với các cơ quan chức năng phá dỡ bậc tam cấp trên đường Xã Đàn sáng 15/3, ông Phạm Ngọc Cần (208 Xã Đàn) là người đứng chặn trước cửa nhà để phản đối.
Ông nói lý do phản đối là nhà ông làm từ năm 2006, được xác định cốt nhà rõ ràng và chấp hành nghiêm chỉnh. Khi đường Xã Đàn mở rộng, phần đường thấp hơn rất nhiều so với nhà khiến ông phải tạo thêm bậc tam cấp để thuận tiện việc di chuyển.
Trước lý lẽ của ông Cần, nhiều độc giả bày tỏ sự đồng tình. Họ cho rằng, không chỉ riêng tại Hà Nội, nhiều thành phố lớn trên cả nước đều có hiện tượng mặt đường được nâng cao hơn nhiều so với nền nhà dân.
“Đó là lý do những người dân ở mặt tiền thường làm nền nhà mình cao hơn so với mặt đường lúc xây. Không phải vì họ sợ ngập nước, mà họ sợ mặt đường có thể bị nâng lên bất cứ lúc nào”, độc giả Lan Hương nhận định.
Ông Cần đứng chặn trước cửa khiến các lực lượng chức năng không thể làm việc, buộc cảnh sát phải đưa ông ra khỏi cửa nhà. Ảnh: Quỳnh Trang. |
Đóng góp cho ý kiến của Lan Hương, Phan Tùng chia sẻ nhiều hộ dân đã xây đúng giấy phép, đúng cao độ (ở thời điểm họ làm nhà) nhưng sau đó mặt đường bị hạ hay nâng lên khiến nền nhà họ bỗng chênh lệch độ cao với mặt đường khá nhiều.
“Điều này không chỉ làm cho sinh hoạt của người dân sống trong căn nhà gặp khó khăn mà giá trị căn nhà cũng bị mất”, Phan Tùng bình luận.
Đồng tình, người dùng Mai Lan cho rằng trong trường hợp mặt đường hạ, nền nhà trở nên cao hơn mặt đường cả mét, người dân bắt buộc phải làm bậc tam cấp để thuận tiện việc ra vào nhà.
“Nếu tháo dỡ các bậc tam cấp trước, người dân sẽ ra vào nhà như thế nào, đặc biệt là người già, trẻ em hay người khuyết tật. Đây là vấn đề cấp thiết, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt hàng ngày nên người dân phản đối là chuyện hợp lý”, Mai Lan chia sẻ.
Giải pháp cho chính quyền
Không những chỉ ra điểm bất cập trong việc cơ quan chức năng tháo dỡ bậc tam cấp, nhiều độc giả còn bày tỏ lo ngại cách làm việc của chính quyền hiện nay cứng nhắc, có thể khiến người dân bất mãn.
Lập luận cho quan điểm này, độc giả Minh Hằng viết: “Chiến dịch dẹp vỉa hè, đòi lại vỉa hè cho người đi bộ mang nhiều ý nghĩa, nên được ủng hộ. Tuy nhiên, chiến dịch này không thể là một cơn bão để càn quét, dẹp sạch những vật cản trên vỉa hè chỉ trong chớp mắt được”.
“Như vậy, chính quyền có thể nhanh chóng đòi lại vỉa hè cho người đi bộ, nhưng sinh hoạt của những người dân sống bên đường sẽ ra sao, ai sẽ là người trả lại sự thuận tiện cho cuộc sống của họ sau khi làm đảo lộn nó?”, Minh Hằng chia sẻ.
Nhiều hộ dân trên đường Xã Đàn cho rằng việc tháo dỡ bậc tam cấp là không hợp lý. Ảnh: Quỳnh Trang. |
Cùng quan điểm, bạn đọc Hồng Loan bày tỏ chủ trương giành lại vỉa hè cho người đi bộ mang mục đích tốt nhưng nếu triển khai cứng nhắc, không tốt sẽ làm xuất hiện tiêu cực.
“Theo tôi, chính quyền nên cho phép xây bậc tam cấp với kích thước hợp lý chứ không nên đột ngột tháo dỡ. Như vậy sẽ làm mất lòng người dân vì cái sai đầu tiên một phần từ các nhà quy hoạch”, Hồng Loan ý kiến.
Đồng quan điểm với giải pháp cho chính quyền mà Hồng Loan đưa ra, tài khoản Võ Ngọc Dũng cho hay nên xem xét đường hay nhà được xây dựng trước. Nếu đường làm sau khiến nền nhà dân cao hơn thì chính quyền phải chấp nhận cho người dân làm bậc tam cấp để thuận tiện sinh hoạt.
Ngoài ra, bạn đọc Phi Phong nhấn mạnh khi chính quyền muốn tháo dỡ bậc tam cấp, họ phải thông báo cụ thể và cho người dân vài ngày để chuẩn bị. Đồng thời, chính quyền phải cùng người dân tìm giải pháp, làm sao để đòi lại vỉa hè cho người đi bộ nhưng cũng phải đảm bảo quyền lợi của người dân sống bên đường.