"Sau 14 ngày cách ly tại nhà và có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, tôi lại được y tế phường yêu cầu cách ly tập trung thêm 21 ngày. Quy định nào yêu cầu cách ly 35 ngày?", chị Trang bức xúc sau khi nhận quyết định.
14 ngày cách ly tại nhà và 21 ngày cách ly tập trung
Trao đổi với Zing, Quỳnh Trang cho biết ngày 29/4, cô tới một cửa hàng gội đầu lúc 16h30. Trong khoảng thời gian đó, một người phụ nữ làm việc tại quán bar Sunny (Phúc Yên) cũng có mặt tại địa điểm này.
Dù không nói chuyện với nhau, vị trí ngồi của 2 người này khá gần. Ngày 30/4, sau khi có thông tin về dịch bệnh, người phụ nữ kia nhanh chóng được đưa đi cách ly tập trung.
Quyết định cách ly 14 ngày của Quỳnh Trang sau khi được xét vào diện F2 có kết quả xét nghiệm âm tính. Ảnh: NVCC. |
Lúc này, Trang được xét vào diện F2. Cô tới khai báo y tế tại trung tâm y tế phường Hội Hợp và được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả âm tính với SARS-CoV-2. Trang nhận quyết định cách ly tại nhà trong vòng 14 ngày từ thời điểm tiếp xúc với F1.
Tuy nhiên, đến ngày 12/5, khi chuẩn bị hết hạn cách ly tại nhà và đã có kết quả xét nghiệm âm tính với virus lần 2, Trang tiếp tục nhận quyết định cách ly tập trung thêm 21 ngày do trở thành F1 khi người phụ nữ cô tiếp xúc tại quán gội đầu có kết quả xét nghiệm dương tính với nCoV ngày 9/5.
Quyết định cách ly tập trung 21 ngày đối với Trang sau khi F1 của cô trở thành F0. Ảnh: NVCC. |
Theo Trang, trường hợp của cô đáng lẽ chỉ cần cách ly tập trung thêm 7 ngày để đảm bảo 21 ngày cách ly từ thời điểm tiếp xúc với ca bệnh (29/4) dựa trên quy định mới của Bộ Y tế và có thêm một lần xét nghiệm nữa.
Khác biệt ở trí nhớ của người khai báo
Đại diện Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Vĩnh Phúc cho biết địa phương này áp dụng Quyết định số 3468 của Bộ Y tế về việc ban hành hướng dẫn tạm thời giám sát và phòng, chống Covid-19, kết hợp Công điện số 600 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 về điều chỉnh thời gian cách ly tập trung.
Theo đó, các trường hợp F1 sẽ được cách ly tập trung trong thời gian 21 ngày.
Tuy nhiên, nội dung công điện số 600 nêu: "Điều chỉnh thời gian cách ly tập trung đối với các trường hợp phải cách ly tập trung theo quy định từ ít nhất 14 ngày lên ít nhất 21 ngày liên tục tại khu cách ly tập trung kể từ ngày vào khu cách ly hoặc tiếp xúc lần cuối với người nhiễm SARS-CoV-2".
Về sự khác biệt giữa 2 mốc thời gian trên (từ ngày vào khu cách ly hoặc từ ngày tiếp xúc lần cuối với người nhiễm nCoV), đại diện này cho hay nếu F1 nhớ rõ lịch trình tiếp xúc, ban chỉ đạo các cấp sẽ tính thời gian đủ 21 ngày từ thời điểm F1 tiếp xúc với F0.
"Tuy nhiên, tỉnh thường cẩn trọng quyết định cho cách ly đủ 21 ngày kể từ thời điểm F1 được đưa vào cách ly. Nguyên nhân là các tỉnh đã xảy ra nhiều trường hợp F1 không nhớ rõ lịch trình tiếp xúc với F0. Có thể lúc này quên, lúc sau nhớ, thậm chí vài ngày sau mới nhớ", đại diện Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Vĩnh Phúc nói.
Vĩnh Phúc cẩn trọng trong việc cách ly tập trung sau nhiều trường hợp không nhớ hoàn toàn lịch trình trong khai báo y tế. Ảnh: Ngọc Tân. |
Do đó, Vĩnh Phúc rút ra bài học và nhận định việc cẩn trọng là cần thiết. F1 có đủ 3 lần xét nghiệm có kết quả âm tính với nCoV mới có thể tạm yên tâm.
Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Tuấn Hải, Chủ tịch UBND phường Hội Hợp (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc), nói: "Nhiều trường hợp vừa qua không đảm bảo tính chính xác khi khai báo y tế. Người dân có thể lúc nhớ, lúc quên về lịch trình của mình. Ngoài ra, một yếu tố khác ảnh hưởng đến việc khai báo của họ là tâm lý không ổn định khi bản thân có liên quan ca bệnh".
Ông Hải cho biết thêm việc quyết định thời gian và địa điểm cách ly sẽ do UBND cấp huyện trở lên quyết định. Các UBND cấp xã, phường chỉ được phép quyết định đối với trường hợp cách ly tại nhà và có nhiệm vụ gửi tờ trình báo cáo về thông tin, lịch trình tiếp xúc của các trường hợp liên quan lên UBND cấp huyện.
Như vậy, trường hợp cách ly tập trung thêm 21 ngày sau khi kết thúc cách ly tại nhà 14 ngày là có thể xảy ra. Tuy nhiên, tình huống này sẽ xảy ra khi người khai báo không ghi nhớ rõ ràng lịch trình của mình.
Chính quyền cần công bố và hướng dẫn cụ thể hơn về thời gian cách ly tập trung để người dân nắm rõ. Ảnh minh họa: Phạm Thắng. |
Về vấn đề này, Quỳnh Trang khẳng định: "Tôi nhớ rất rõ lịch trình của mình và đã khai báo cụ thể trong tờ khai. Nhân viên y tế cũng đã ghi chép lại lời khai của tôi và đưa vào quyết định cách ly".
Cách ly tập trung là phương pháp phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả của Việt Nam khi nó đã phát huy tác dụng suốt thời gian qua. Tuy nhiên, thời gian cách ly tập trung, các tiêu chí để đánh giá mốc thời hạn cách ly có lẽ cần được công bố, hướng dẫn rộng rãi và cụ thể hơn để người dân nắm rõ, tránh ảnh hưởng cuộc sống hay gây ra những bức xúc không đáng có.