Bộ GD&ĐT đã công bố phương án chính thức của kỳ thi THPT quốc gia 2017. Khác với dự đoán ban đầu, những đổi mới của kỳ thi THPT quốc gia 2017 tập trung chủ yếu ở khâu tổ chức thi chứ không phải khâu xét tuyển.
Hai thay đổi lớn nhất là ở mỗi địa phương chỉ có một cụm thi do sở GD&ĐT chủ trì và cấu trúc 8 môn thi ở 2 năm 2015, 2016 được sắp xếp lại còn 5 bài thi.
Chỉ có một loại cụm thi
Theo quy định của kỳ thi THPT quốc gia 2017, mỗi tỉnh, thành trực thuộc trung ương tổ chức một cụm thi do sở GD&ĐT chủ trì dành cho tất cả thí sinh của địa phương. Bộ GD&ĐT sẽ cử cán bộ, giảng viên từ các trường ĐH, CĐ đến các địa phương để phối hợp, hỗ trợ tổ chức thi.
Kiểm tra hồ sơ thí sinh trước khi bước vào phòng thi trong kỳ thi THPT quốc gia 2016. Ảnh: Người Lao Động. |
Tuy nhiên, kinh nghiệm cho thấy việc tổ chức cụm thi tốt nghiệp THPT của các sở GD&ĐT trước đây nhìn chung trên cả nước còn nhiều điều phải lưu ý. Năm 2009, lần đầu tiên tổ chức thi tốt nghiệp THPT theo cụm trường, được quy định mỗi cụm trường ít nhất 3 trường THPT hoặc 3 trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX) hoặc cụm trường hỗn hợp gồm ít nhất 2 trường THPT và 2 trung tâm GDTX (theo quy định của kỳ thi THPT quốc gia 2017, có thể hiểu các cụm trường này là những điểm tổ chức thi).
Năm 2009, cả nước có 1.069 cụm. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2010, cả nước có 1.233 cụm trường. Đến năm 2011, số cụm đã tăng lên gần 1.300 cụm, trong đó có nhiều cụm chỉ 1 trường. Từ năm 2012, Bộ bỏ quy định thi theo cụm và chấm chéo; từ năm 2012 cũng bỏ quy định các trường ĐH, CĐ cử cán bộ phối hợp coi thi.
Trong khi đó, việc tổ chức các cụm thi trong kỳ thi tuyển sinh ĐH được thực hiện nghiêm túc, ổn định liên tục trong nhiều năm, có cụm với số lượng thí sinh xấp xỉ 100.000 (cụm Cần Thơ).
Với kỳ thi THPT quốc gia, việc tổ chức thi theo cụm liên tỉnh và cụm địa phương (năm 2015) hoặc cụm ĐH và cụm tốt nghiệp (năm 2016) cũng khá tốt và ổn định với xu thế tăng dần vai trò của các trường ĐH, từ 38 trường năm 2015 lên 70 trường năm 2016 và giảm dần các cụm tốt nghiệp từ 61 cụm năm 2015 còn 50 cụm năm 2016.
Những thí sinh thi chỉ để xét tốt nghiệp sẽ chọn dự thi ở cụm thi tốt nghiệp, được tổ chức đến tận các huyện của địa phương, thực tế cho thấy tỉ lệ thí sinh thi chỉ để xét tốt nghiệp cũng đã nhích lên cao hơn so với năm 2015.
Vì vậy, để đạt được thành công của kỳ thi THPT quốc gia 2017, chúng ta cần phải giám sát chặt chẽ việc tổ chức các điểm thi ở các cụm thi sao cho vừa tạo thuận lợi cho thí sinh không phải di chuyển quá xa nơi cư trú nhưng cũng bảo đảm việc coi thi phải được thực hiện đúng quy chế.
Khâu đề thi được đổi mới triệt để
Những góp ý về đề thi sau các kỳ thi THPT quốc gia 2015, 2016 và cho dự thảo kỳ thi THPT quốc gia 2017 được Bộ GD&ĐT tiếp thu nghiêm túc. Cần nhớ lại tỷ lệ chọn các môn thi trong 2 kỳ thi THPT quốc gia 2015, 2016 vừa qua chênh lệch nhau khá lớn đã làm dư luận lo ngại về việc học sinh “bỏ rơi” môn sử.
Như vậy, việc học sinh đang học lớp 12 phải chọn bài thi - 3 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ; 2 bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên (tổ hợp Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học xã hội (tổ hợp Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân đối với giáo dục THPT; tổ hợp lịch sử, địa lý đối với GDTX) - thay vì chọn môn thi, bước đầu sẽ xóa được hiện tượng học lệch môn, những môn được chọn thi là môn chính, những môn không thi trở thành môn phụ.
Hơn nữa, chúng tôi cho rằng việc cho phép thí sinh đang học lớp 12 có thể dự thi cả 5 bài thi và được xét tốt nghiệp bằng bài thi có điểm thi cao hơn của bài thi tự chọn là điểm mới khuyến khích học sinh, trước hết là học sinh giỏi, học toàn diện hơn, tăng thêm cơ hội xét tuyển khi dùng kết quả thi này để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ.
Thời gian thi cũng được rút ngắn còn 2 ngày, thay vì 4 ngày, cũng là một cải tiến giảm bớt khá nhiều sự nặng nề, căng thẳng trong khâu tổ chức thi.
Bên cạnh việc thay đổi cơ cấu đề thi từ môn thi sang bài thi, một thay đổi khá lớn nữa là những môn tự luận trước đây như Toán, Lịch sử, Địa lý (cả môn mới là Giáo dục công dân) được chuyển thành dạng trắc nghiệm.
Tuy còn một số dư luận e ngại về dạng thức trắc nghiệm có thể không đánh giá được năng lực của thí sinh, chúng tôi cho rằng với quy mô lớn của một kỳ thi với xấp xỉ 1 triệu thí sinh, việc chuyển các môn thi sang hình thức trắc nghiệm là phù hợp hơn.
Bên cạnh đó, nếu việc coi thi được thực hiện nghiêm túc, thi trắc nghiệm sẽ hạn chế các sai sót hoặc tiêu cực trong khâu chấm thi, cho kết quả nhanh hơn, đáp ứng được sự nóng lòng biết kết quả thi của thí sinh và phụ huynh.
Điều băn khoăn duy nhất ở đây là liệu ngân hàng câu hỏi của các môn mới thi trắc nghiệm lần đầu (Toán, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân) có đạt được yêu cầu về độ khó, độ phân cách… ở quy mô lớn của kỳ thi THPT quốc gia như các môn đã thi trắc nghiệm từ nhiều năm qua hay không.
Việc tổ chức thi các bài thi độc lập (Toán, Văn, Ngoại ngữ) đã khá rõ, tuy nhiên cần có hướng dẫn chi tiết hơn - đặc biệt là thí sinh tự do - việc đăng ký và dự thi các môn thành phần trong các bài thi tự chọn để công tác tổ chức thi được trật tự và không quá phức tạp.
Phải có biện pháp loại trừ khả năng phổ biến tình trạng thí sinh học cùng lớp, cùng trường nay lại ngồi cùng phòng thi khiến cho kỳ thi yêu cầu tính nghiêm túc rất cao trở thành một kỳ thi bình thường.