Liu Fang, đang làm công việc văn phòng tại Thượng Hải, đã kết hôn được 7 năm và có một con trai 6 tuổi. Lúc mới lập gia đình, cô cứ nghĩ con cái sẽ khiến hạnh phúc nhân đôi, gắn kết cuộc sống hai vợ chồng.
Thế nhưng, người phụ nữ 38 tuổi nhanh chóng nhận ra cô đã sai. Hạnh phúc không gia tăng, chỉ có công việc nhân ba: việc văn phòng, việc nhà, việc chăm sóc con cái.
"Tôi đã nghĩ đến chuyện ly hôn trong suốt thời gian qua. Kết hôn và sinh con là điều khiến tôi hối hận nhất trong cuộc đời này", Liu nói.
Giống Liu, ngày càng nhiều phụ nữ Trung Quốc, những người vốn đã không mặn mà với chuyện lấy chồng, cảm thấy bất hạnh trong hôn nhân. Không chỉ khó khăn trong việc cân bằng công việc với cuộc sống gia đình, họ ngày càng bất mãn với những chính sách công khiến mình bất lợi như quy định "30 ngày hòa giải" trước ly hôn có hiệu lực từ đầu năm nay.
Ngày càng nhiều phụ nữ Trung Quốc không mặn mà lấy chồng, sinh con. Ảnh: Steven Ribet. |
Hối hận nhưng không thể ly hôn
Năm 2020, gần 20% phụ nữ đã kết hôn cho biết họ hối tiếc vì lập gia đình, tăng mạnh so với 12% vào năm 2017 và 9% vào năm 2012, theo Khảo sát Cuộc sống Tươi đẹp hàng năm của Trung Quốc.
Trong khi đó, chỉ 7% nam giới hối hận vì đã cưới vợ vào năm ngoái.
Cuộc khảo sát được thực hiện bởi Cục Thống kê Quốc gia, Tổng công ty Bưu chính Trung Quốc và Trường Phát triển Quốc gia thuộc Đại học Bắc Kinh. Mẫu khảo sát được phát cho 100.000 hộ gia đình trên khắp Trung Quốc qua đường bưu điện.
Trái ngược với sự gia tăng bất mãn trong hôn nhân, tỷ lệ ly hôn ở quốc gia tỷ dân đang có xu hướng giảm.
Chính sách 30 ngày hòa giải làm giảm tỷ lệ ly hôn ở Trung Quốc. Ảnh: AP. |
Năm 2009, tỷ lệ ly hôn trên kết hôn là 20%, tức cứ 5 đôi kết hôn, sẽ có 1 cặp ly hôn. Đến năm 2019, tỷ lệ này là 50%, song năm ngoái giảm còn 45%, theo số liệu của Bộ Nội vụ.
Thông thường, phụ nữ là người đề nghị ly hôn. Theo số liệu của Tòa án Nhân dân Tối cao, hơn 73% các vụ ly hôn trên khắp Trung Quốc trong năm 2017 đều do người vợ đề xuất.
Để hạn chế tỷ lệ ly hôn, từ 1/1/2021, chính phủ Trung Quốc đã thực hiện một đạo luật yêu cầu các cặp vợ chồng phải trải qua "thời gian hòa giải" 30 ngày trước khi hoàn tất việc chia tay.
Trong một cuộc khảo sát của CCTV vào năm ngoái, gần 47% đàn ông Trung Quốc cho biết họ đã tham gia làm việc nhà trước khi kết hôn, so với 46% ở phụ nữ. Nhưng tỷ lệ này đã thay đổi sau khi kết hôn, với 46% nam giới và 48% phụ nữ đảm nhận công việc gia đình.
Zhu Nan, nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Khoa Tâm lý của Đại học Macau, nói: "Các nhà nghiên cứu cho thấy chính sự phân chia lao động gia đình không đồng đều (thường thiên về nam giới) có liên quan đáng kể đến sự bất mãn trong hôn nhân".
Zhu cũng chỉ ra rằng cuộc khảo sát do CCTV thực hiện có thể không chặt chẽ về mặt phương pháp so với các nghiên cứu hàn lâm nên kết quả của nó không phản ánh chính xác thực tế.
Vừa kiếm tiền, vừa lo việc nhà
Tại Mỹ, 51% đàn ông đã kết hôn cho biết họ hài lòng với cách phân chia công việc gia đình, so với tỷ lệ 40% ở nữ giới, theo nghiên cứu năm 2019 được công bố bởi Trung tâm Nghiên cứu Pew.
56% đàn ông hài lòng với cách nuôi dạy con cái của vợ. Nhưng chỉ 42% phụ nữ chấp nhận cách chăm sóc con của chồng.
Huang Yuqin, giáo sư xã hội học tại Đại học Khoa học và Công nghệ miền Đông Trung Quốc, cho biết, tại Trung Quốc, những người vợ đang phải gánh vác hầu hết công việc nhà và vấn đề nuôi dạy con cái.
Tỷ lệ tham gia lao động của phụ nữ Trung Quốc vẫn ở mức cao trên 60%, một trong những mức cao nhất châu Á - Thái Bình Dương, vì vậy nhiều bà mẹ vừa phải đi làm, vừa quán xuyến việc nhà.
"Phụ nữ đầu tư tâm sức và thời gian cho gia đình nhiều hơn chồng… Sự bất mãn nảy sinh khi trách nhiệm hai bên không đồng đều", bà Huang nói.
Gánh nặng việc nhà, chăm sóc con cái đổ dồn lên người phụ nữ. Ảnh: Getty. |
Phụ nữ ở độ tuổi 36-45 là những người cảm thấy bất mãn nhất. Bà Huang lý giải có thể do họ đang ở giai đoạn mệt mỏi nhất của cuộc đời.
Hou Hongbin, nhà văn nữ quyền ở Quảng Châu, còn chỉ ra một vấn đề khác. "Chính quyền đã cấm nhà trai tặng quà đính hôn, nhưng không cấm của hồi môn từ nhà gái. Khi xảy ra bạo lực gia đình, chính quyền địa phương thường dung túng cho hành vi đó và phụ nữ không có nơi nào để tìm kiếm sự bảo vệ".
Phụ nữ cũng chịu nhiều áp lực hơn trong việc sinh con khi chính phủ Trung Quốc bãi bỏ chính sách một con vào năm 2015 và bắt đầu khuyến khích các gia đình nuôi hai con trong bối cảnh dân số già đi nhanh chóng, bà Hou nói thêm.
Đối với Liu, một người mẹ không cảm thấy hạnh phúc, cuộc sống của những người bạn độc thân luôn là điều cô ngưỡng mộ và ao ước.
“Tôi không thể phủ nhận rằng mình rất ghen tị với họ, ít nhất là ở giai đoạn này. Họ thuộc về chính họ, có thời gian của riêng mình để giải trí hoặc phát triển sự nghiệp", cô nói.