Bộ Công an vừa cảnh báo về phần mềm gián điệp ẩn dưới ứng dụng điện thoại mang tên “Bộ Công an”. Theo cơ quan chức năng, phần mềm này có thể giúp kẻ gian chiếm quyền điều khiển thiết bị di động, từ đó truy cập tài khoản ngân hàng để thực hiện giao dịch.
Vậy khi lỡ cài ứng dụng này, người dùng cần làm gì để không bị mất dữ liệu và tài sản?
Xóa sạch mọi thứ liên quan
Chia sẻ với Zing, cán bộ Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an Hà Nội đánh giá thủ đoạn lừa đảo qua các thiết bị di động đang khá phổ biến, được giới tội phạm thường xuyên sử dụng. Công an từng ghi nhận việc kẻ gian bí mật theo dõi điện thoại, sau đó truy cập vào tài khoản ngân hàng rồi chuyển tiền ra nước ngoài.
Theo vị này, nếu lỡ cài đặt phần mềm gián điệp mang tên "Bộ Công an", người dùng điện thoại cần nhanh chóng gỡ toàn bộ tài nguyên của ứng dụng khỏi thiết bị, hoặc khôi phục cài đặt gốc của điện thoại.
"Việc tiếp theo, người dân cần thay đổi toàn bộ mật khẩu tài khoản ngân hàng, thông báo chặn các giao dịch liên quan tiền mặt", cán bộ này hướng dẫn.
Hình ảnh phần mềm gián điệp. Ảnh: Bộ Công an. |
Sau đó, người dùng có thể đến ngân hàng yêu cầu hỗ trợ cấp mật khẩu tài khoản mới, rà soát lại các giao dịch trước, trong và sau khi gỡ bỏ phần mềm gián điệp. Ngoài ra, nạn nhân cần thay đổi mật khẩu tài khoản mạng xã hội, thư điện tử...
"Nếu nghi ngờ bị kẻ gian đánh cắp thông tin cá nhân hoặc rút tiền trong tài khoản, người dân cần trình báo cơ quan công an để được hỗ trợ", cán bộ Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an Hà Nội khuyến cáo.
Đề cập thủ đoạn của kẻ lừa đảo, ông Ngô Tuấn Anh, Phó chủ tịch phụ trách an ninh mạng của BKAV, cho biết hệ điều hành Android dựa trên mã nguồn mở. Đây là lý do khiến giới tội phạm thường chọn người dùng hệ điều hành này để gây án.
Theo ông Tuấn Anh, trước khi chiếm quyền điều khiển thiết bị di động, kẻ gian sẽ tìm cách dụ nạn nhân cài ứng dụng gián điệp "Bộ Công an" có đuôi .apk. "Sau khi ứng dụng được cài đặt, kẻ xấu sẽ theo dõi được nội dung tin nhắn, cuộc gọi và những nội dung cá nhân trên điện thoại", chuyên gia phân tích.
Đặc biệt, phần mềm gián điệp có thể kiểm soát tin nhắn, đọc được mã OTP tài khoản ngân hàng của người dùng. Sau đó, tội phạm sẽ thực hiện giao dịch rút tiền từ tài khoản của bị hại.
Đủ căn cứ xử lý hình sự
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Hoàng Trọng Giáp (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng người thực hiện hành vi gọi điện, dụ dỗ hay đe dọa nạn nhân cài phần mềm gián điệp, nếu nhằm chiếm đoạt tài sản hoặc đánh cắp thông tin có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự bất kể đã đạt được mục đích hay chưa.
Trường hợp xử phạt hành chính, người vi phạm có thể bị phạt tối đa 100 triệu đồng, theo quy định tại điểm c, khoản 2 Điều 81 Nghị định số 15/2020 của Chính phủ.
Luật sư Giáp cho rằng hoàn toàn có thể xử lý hình sự người viết phần mềm gián điệp. Ảnh: Hải Nam. |
Còn người dụ nạn nhân cài phần mềm gián điệp để thực hiện các thao tác chiếm đoạt tài sản thì bị truy cứu về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự. Với tội danh này, người phạm tội đối diện với mức án phạt cao nhất là tù chung thân nếu chiếm đoạt từ 500 triệu đồng trở lên.
Ngoài ra, hành vi sử dụng phần mềm gián điệp nhằm chiếm đoạt tài sản có thể bị truy cứu về tội Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, với khung hình phạt tối đa 20 năm tù.
Đối với người viết phần mềm gián điệp, luật sư Giáp cho rằng hoàn toàn có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự tương tự người thực hiện hành vi dụ nạn nhân cài đặt ứng dụng.
"Người viết phần mềm đã tạo ra công cụ, phương tiện, cách thức để cho người khác thực hiện hành vi vi phạm nên có vai trò đồng phạm giúp sức cho người khác thực hiện tội phạm", luật sư phân tích.