Hoàng Nhật Ánh (36 tuổi, Quảng Bình) về sống chung với Văn Dũng bằng một đám cưới nhỏ vào năm 2009. Cả hai không đăng ký kết hôn vì Dũng không có giấy tờ tùy thân.
Chỉ thời gian ngắn sau đám cưới, Dũng bắt đầu thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với vợ. Ban đầu, Dũng chỉ đánh vào chân tay, nhưng càng về sau càng tàn bạo.
“Uống rượu về, ông Dũng thường gây gổ, dùng những lời lẽ thô tục nhục mạ tôi ‘không biết đẻ’”, Ánh viết trong lá đơn tố cáo chồng.
11 năm bị đánh đập, hành hạ bởi kẻ vũ phu, Ánh gần như không nhận được sự giúp đỡ nào từ người xung quanh. Chính quyền và các đoàn thể thậm chí không hề hay biết. Vụ việc chỉ bị phát giác khi người phụ nữ này bị chồng đánh đến mức gãy đốt sống, phải nhập viện.
Hoàng Nhật Ánh bị chồng bạo hành trong suốt 11 năm. |
“Phải sao đó mới bị chồng đánh. Không có lửa làm sao có khói”.
Đó là những gì người xung quanh bĩu môi nói về Mỹ (32 tuổi), người bị chồng bạo hành trong suốt 2 năm. Tin lời đồn thổi vợ có quan hệ bất chính với người đàn ông khác, cứ say về, chồng cũ của Mỹ lại lôi cô ra mắng chửi, đánh đập.
Có lần người đàn ông này còn lột hết quần áo vợ rồi đánh đuổi ra đường. Hàng xóm có người ngại can ngăn vì nghĩ là “chuyện nhà người ta”, người lại xì xào “không làm sai gì sao tự nhiên bị chồng đánh”.
2 năm khổ sở, chịu nhục, chịu tủi không ai giúp đỡ, cuối cùng Mỹ để lại đơn ly dị rồi đưa 2 con về quê ngoại.
Câu chuyện của Ánh và Mỹ là điển hình cho rất nhiều phụ nữ bị chồng bạo hành. Nhiều vụ việc xảy ra nhiều năm vẫn không bị tố giác. Nạn nhân ngại lên tiếng, không tìm được sự giúp đỡ khi không ít người vẫn thờ ơ quan niệm mâu thuẫn vợ chồng là chuyện gia đình cần “đóng cửa bảo nhau”.
"Không ai tin tôi bị chồng đánh"
"Tôi có nói với mọi người là tôi bị anh đánh nhưng không ai tin tôi, mọi người bảo tôi nói đùa. Người ta bảo anh ấy không nhìn được thì sao đánh được. Chính vì thế tôi không nói cho ai biết nữa".
Đây là mở đầu câu chuyện của một trong những phụ nữ tham gia vào cuộc Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019. Cô gái sinh năm 1987 và bị khuyết tật vận động ở chân, chung sống không kết hôn với một người đàn ông khiếm thị.
Trong gần 3 năm sống chung, cô thường xuyên bị chồng ghen bóng ghen gió rồi bạo hành. Có những lúc bị chồng túm tóc đập đầu vào giường, đánh đến xây xẩm mặt mày nhưng cô không thể kêu cứu.
Vì không ai tin cô bị người chồng không thể nhìn thấy gì đánh đập. Thế rồi cô im lặng. Chồng đánh cô, ít hôm lại xin lỗi. Mọi chuyện vẫn đâu vào đấy.
Gần 63% phụ nữ Việt Nam từng bị chồng/bạn tình bạo hành. Ảnh: 123RF. |
Báo cáo Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 được thực hiện trên gần 6.000 phụ nữ trong độ tuổi từ 15 đến 64, sinh sống tại 63 tỉnh và thành phố của Việt Nam.
Theo kết quả cuộc điều tra được thực hiện bởi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổng cục Thống kê thực hiện với sự hỗ trợ kỹ thuật và tài chính của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) và Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT), gần 63% phụ nữ Việt Nam từng bị chồng/bạn tình bạo hành.
Bạo lực đối với phụ nữ vẫn bị che giấu. Một nửa phụ nữ bị chồng bạo lực chưa bao giờ kể với bất kỳ ai. 90,4% bị bạo lực thể xác/tình dục do chồng/bạn tình gây ra không tìm kiếm bất kỳ sự hỗ trợ nào từ các cơ quan chính quyền.
Tại hội nghị báo cáo kết quả cuộc điều tra được công bố ngày 14/7, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, bà Nguyễn Thị Hà, nói: “Sự im lặng, kỳ thị của cộng đồng và văn hoá đổ lỗi là những rào cản khiến người bị bạo hành không dám lên tiếng để tìm kiếm sự giúp đỡ”.
Bạo hành không phải chuyện "đóng cửa bảo nhau"
Không chỉ tại Việt Nam, ở nhiều nước châu Á khác, việc vợ chồng lời qua tiếng lại, thậm chí đánh đập nhau bị coi là “chuyện gia đình”. Người ngoài, kể cả cơ quan chức năng cũng ngại can thiệp.
Theo Wang Han, phóng viên Global Times, ở Trung Quốc, nạn bạo lực gia đình vẫn luôn bị xem nhẹ tại đất nước tỷ dân.
“Nhiều người nghĩ rằng xung đột giữa một cặp vợ chồng là vấn đề riêng tư, cần ‘đóng cửa bảo nhau’ thay vì nhờ đến cảnh sát và tòa án.
Một người bạn của tôi làm cảnh sát ở Thượng Hải nói rằng nếu ai đó gọi cho họ và báo cáo bạo lực gia đình, phản ứng đầu tiên của hầu hết cảnh sát là đề nghị thiền tĩnh tâm thay vì ngay lập tức giúp đỡ nạn nhân và cách ly hung thủ”, ông Wang cho biết.
Hơn 16.000 vụ bạo hành gia đình được trình báo vào năm 2017 tại Hàn Quốc. Ảnh: Getty. |
Tháng 10/2018, một cuộc tranh cãi nổ ra trong dư luận Hàn Quốc về cách cảnh sát phản ứng lại các lời trình báo về bạo lực gia đình. Một người đàn ông đã đâm vợ cũ đến chết sau khi ly hôn 4 năm, và 3 con gái của họ đã khởi xướng một kiến nghị thư trên mạng yêu cầu trừng phạt bố mình.
Nhiều nhóm hoạt động vì quyền lợi phụ nữ nói rằng cái chết của người mẹ có thể được ngăn chặn nếu như chính phủ Hàn Quốc giải quyết tốt hơn các vụ bạo lực gia đình.
Tờ Korea Herald dẫn số liệu của cảnh sát cho biết trong hơn 16.000 trường hợp bạo lực gia đình được trình báo vào năm 2017 ở nước này, cảnh sát chỉ bắt giữ nghi phạm trong 1% số vụ đó. Ngoài ra, 35% người bạo hành thoát khỏi truy tố hình sự, và chỉ phải tham gia các chương trình giáo dục.
Các nhà hoạt động vì quyền phụ nữ tại Hàn Quốc đang kêu gọi sửa đổi Đạo luật về các trường hợp đặc biệt liên quan đến trừng phạt bạo lực gia đình. Điều 1 của đạo luật nói rằng mục đích chính của nó là "duy trì và khôi phục gia đình", và thường được hiểu là việc ly hôn chỉ là lựa chọn cuối cùng để giải quyết các vụ bạo hành.
Những người chỉ trích nói rằng điều này thường ép nạn nhân phải "tha thứ" và "hòa giải" với người bạo hành mình thay vì cắt đứt quan hệ với họ.