Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phái yếu thích ngành 'mạnh'

Đó là một trong những bất ngờ tại ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp được tổ chức vào hôm qua (10/3) tại ĐH Bách khoa Hà Nội.

Phái yếu thích ngành 'mạnh'

Đó là một trong những bất ngờ tại ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp được tổ chức vào hôm qua (10/3) tại ĐH Bách khoa Hà Nội.

Khoảng hai vạn học sinh, phụ huynh tham dự ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp tại Hà Nội.

Khoảng 20.000 thí sinh và phụ huynh học sinh đã tới dự ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp. Vui, có nhiều thông tin bổ ích, nhiều trải nghiệm lý thú là những điều mà nhiều thí sinh xác nhận sau một ngày cuốn vào không khí sôi động.

 

Ngành kinh tế: tỉnh táo nhưng đừng quá lo

Ngành kinh tế chưa bao giờ nguội lạnh dù “thừa nhân lực, giảm chỉ tiêu” là nỗi lo của rất nhiều thí sinh tại ngày hội. Theo các thầy cô đại diện cho các trường khối kinh tế, mặc dù việc dư thừa nhân lực ở mức cần cảnh báo là đúng nhưng cơ hội vẫn mở ra với những thí sinh có năng lực.

PGS.TS Hoàng Trần Hậu, hiệu trưởng ĐH Tài chính - marketing TP.HCM, thẳng thắn: “Quy luật thị trường là nên mua khi xã hội không thích và bán cái mà xã hội đang cần. Nếu tôi là thí sinh thì tôi vẫn chọn ngành kinh tế”.

Tỉnh táo để lượng sức mình và lựa chọn nhưng đừng quá bi quan khi nghĩ “kinh tế đã đóng cửa” - đó là thông điệp được các thầy cô tư vấn chia sẻ rõ với thí sinh.

Khối ngành công an, quân đội được xem là “hot” nhất ở các phiên tư vấn khi câu hỏi liên tục được chuyển lên cho đại tá Vũ Xuân Tiến - thư ký ban tuyển sinh quân sự Bộ Quốc phòng và thiếu tá Nguyễn Mạnh Cường - phó trưởng phòng kế hoạch tuyển sinh Cục đào tạo Bộ Công an.

“Cơ hội việc làm chắc chắn, kỷ luật của các trường công an, quân đội nghiêm” là điều khiến nhiều thí sinh và phụ huynh học sinh thấy yên tâm. Cùng với hai khối ngành trên, ngành y dược cũng được nhiều thí sinh hỏi nhất. PGS.TS Nguyễn Hữu Tú - phó hiệu trưởng trường ĐH Y Hà Nội - bận rộn suốt hai phiên tư vấn. Ông không chỉ cung cấp thông tin về tuyển sinh mà còn tư vấn kỹ cho thí sinh về yêu cầu khắt khe mà ngành y đòi hỏi.

Nhiều nữ sinh thích ngành “mạnh mẽ”

Bất ngờ cho các thầy cô tư vấn là có khá nhiều nữ sinh tại hai phiên tư vấn quan tâm tới các ngành kỹ thuật vốn được xem dành cho nam. TS Trịnh Thị Thúy Giang, trưởng phòng chính trị và công tác sinh viên ĐH Khoa học tự nhiên, cảm động khi có một thí sinh nữ cho biết rất đam mê toán và muốn học tiếp toán ở bậc học trên mặc dù nhiều người can ngăn.

Cô Giang nói: “Tôi rất muốn được gặp em trực tiếp và tôi sẵn sàng tư vấn riêng cho em những gì em băn khoăn và cần thông tin. Tôi là một tiến sĩ toán và yêu thích toán nên tôi rất vui nếu có những học sinh thích toán nói riêng và khoa học cơ bản nói chung”. Cô Giang cũng cho biết: “Nhà nước sẽ có nhiều ưu đãi cho người học các ngành khoa học tự nhiên vì đây là những ngành đang cần thu hút người có năng lực”.

Rất nhiều nữ sinh khác có câu hỏi về các ngành vật lý hạt nhân, xây dựng, giao thông, dầu khí, khí tượng thủy văn, công nghệ thông tin. PGS.TS Hoàng Minh Sơn, trưởng phòng đào tạo ĐH Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, và TS Trịnh Thị Thúy Giang đều chia sẻ “cơ hội chia cho cả nam và nữ, có nhiều ngành kỹ thuật nữ có thể học và làm việc”. Còn PGS.TS Nguyễn Việt Hà thì cho rằng: “Ngành công nghệ thông tin có nhiều công việc cần sự tỉ mỉ, tinh tế và sáng tạo, đó cũng là thế mạnh của nữ giới”.

Những lưu ý khi làm hồ sơ đăng ký dự thi

 

Hôm nay 11/3, các trường THPT bắt đầu nhận hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ. Chính vì vậy chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2013 do báo chí, Bộ GD-ĐT phối hợp cùng Sở GD-ĐT Đà Nẵng tổ chức sáng 10/3 nhận được rất nhiều câu hỏi liên quan đến cách ghi hồ sơ từ hơn 3.000 học sinh các trường THPT trên địa bàn TP Đà Nẵng.

Để có một bộ hồ sơ chính xác, PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng - phó hiệu trưởng ĐH Nông lâm TP.HCM - lưu ý: thí sinh cần hết sức lưu ý mục số 2 và số 3 trong hồ sơ. Chỉ những thí sinh dự thi vào các trường không tổ chức thi tuyển mới ghi vào mục số 3, nếu không thì bỏ trống mục này. Tương tự, chỉ thí sinh dự thi liên thông mới đánh dấu “x” vào mục số 4, học sinh bình thường bỏ trống mục này.

Liên quan đến cách ghi hồ sơ đăng ký dự thi, TS Nguyễn Đức Nghĩa - phó giám đốc ĐHQG TP.HCM - chia sẻ: thí sinh có thể nộp bao nhiêu bộ hồ sơ cũng được nhưng mỗi đợt thi, thí sinh chỉ có thể dự thi vào một trường. Do đó thí sinh cần phải cân nhắc. Như vậy mỗi đợt thi, thí sinh có một nguyện vọng 1 - nguyện vọng ghi trên hồ sơ đăng ký dự thi - chứ không phải thi đợt 1 là nguyện vọng 1, đợt 2 là nguyện vọng 2. Để xét tuyển nguyện vọng bổ sung, thí sinh phải rớt nguyện vọng 1 và có điểm thi từ điểm sàn trở lên, ngành thí sinh muốn xét tuyển có xét tuyển nguyện vọng bổ sung.

Về chính sách ưu tiên và nhu cầu nhân lực trình độ cao tại Đà Nẵng, TS Giang Thị Kim Liên - phó ban đào tạo ĐH Đà Nẵng - cho biết TP Đà Nẵng sẽ ưu tiên học bổng ĐH và sau ĐH cho HS giỏi những ngành nghề mũi nhọn phục vụ địa phương như: công nghệ thông tin, khoa học môi trường và y dược. Những HS có giải HS giỏi, thủ khoa tốt nghiệp THPT, thủ khoa thi ĐH, tham gia hoạt động xã hội, công tác Đoàn... là những đối tượng được ưu tiên xét tuyển.

Ngoài ra, ĐH Đà Nẵng cũng có chính sách ưu đãi cho thí sinh đạt điểm cao. Theo đó, thí sinh thi vào ĐH Đà Nẵng đạt từ 27 điểm trở lên sẽ được cấp học bổng, miễn học và phí ký túc xá năm thứ nhất, được chọn ngành học theo nguyện vọng.

Theo Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm