Dự kiến 19/7, TAND TP HCM sẽ tiến hành phiên xét xử sơ thẩm vụ án Phạm Công Danh, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng thương mại cổ phần xây dựng Việt Nam, cùng 35 đồng phạm, về các tội danh Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động các tổ chức tín dụng.
Trước đó, tại phiên họp Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, với quan điểm “chứng cứ tới đâu xử lý tới đó”, đồng thời bảo đảm nghiêm minh của pháp luật, đúng người, đúng tội. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo các cơ quan chức năng sớm đưa ra xét xử một số vụ án nghiêm trọng, trong đó có vụ án của Ngân hàng thương mại cổ phần xây dựng Việt Nam (VNCB).
Phạm Công Danh thời điểm đương chức. |
Những diễn tiến điều tra của vụ án đặc biệt nghiêm trọng này như sau: ngày 26/7/2014, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố điều tra vụ án Phạm Công Danh; khởi tố 50 bị can về 3 tội danh Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (25 bị can); Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” (33 bị can); Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng (4 bị can).
Đến tháng 5/2015, Cơ quan CSĐT đã làm rõ được hành vi vi phạm pháp luật của Phạm Công Danh và đồng phạm, cũng như các sai phạm khác có liên quan đến vụ án này như: Sai phạm của 3 ngân hàng trong việc cho các công ty liên quan đến Phạm Công Danh vay 8.166,8 tỷ đồng; sai phạm của Tổ giám sát đặt tại VNCB, trách nhiệm của một số cá nhân, đơn vị trong việc tái cơ cấu VNCB...
Đây là vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, trong quá trình điều tra có nhiều khó khăn, vướng mắc nên các ngành Tư pháp Trung ương đã hết sức thận trọng trong việc đánh giá tài liệu, chứng cứ...
Ngày 20/11/2015, Cơ quan CSĐT đã có bản kết luận điều tra vụ án số 85/C46 (P10) kết thúc điều tra giai đoạn I, chuyển hồ sơ đến Viện KSND Tối cao đề nghị truy tố 36/50 bị can về 2 tội danh Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Kết thúc điều tra giai đoạn I của vụ án, cơ quan tố tụng xác định thiệt hại mà bị can Phạm Công Danh cùng đồng phạm gây ra là rất lớn. Đối với hành vi Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, thiệt hại được xác định là hơn 7.000 tỷ đồng; còn với hành vi Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, con số thiệt hại lên tới hơn 2.000 tỷ đồng.
Trong giai đoạn II của vụ án, Cơ quan CSĐT đang tập trung điều tra các nội dung sau: điều tra vụ án hình sự về tội Vi phạm quy định về cho vay... xảy ra tại 3 ngân hàng S., T., B.; hành vi Cố ý làm trái... của Phạm Công Danh và đồng phạm liên quan đến 3 ngân hàng.
Điều tra vụ án đối với hành vi Thiếu trách nhiệm... của 4 bị can thuộc Tổ giám sát Ngân hàng Nhà nước đặt tại VNCB để làm rõ sai phạm của một số cá nhân, đơn vị liên quan đến việc tái cơ cấu của VNCB. Điều tra làm rõ sai phạm của các đơn vị, cá nhân trong việc cấp đất cho Công ty TNHH tập đoàn Thiên Thanh tại TP Đà Nẵng. Phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Viện KSND Tối cao làm rõ đơn tố cáo của nhóm Phú Mỹ, Phương Trang trong việc sử dụng tiền liên quan đến VNCB và Ban điều hành cũ VNCB (Ngân hàng Đại Tín).
Một tình tiết đáng chú ý liên quan đến con đường “thăng quan tiến chức” của Phạm Công Danh. Tháng 6/1991, Viện KSND tỉnh Quảng Ngãi đã truy tố Phạm Công Danh về 2 tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản XHCN và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản công dân. Ông Danh sau đó bị tuyên án 6 năm tù giam và đến ngày 10/3/1997, được trả tự do.
Theo Nghị định số 59/2009/NĐ-CP ngày 16/7/2009 của Chính phủ, nếu cơ quan chức năng thực hiện đúng quy trình bổ nhiệm, thì Phạm Công Danh không được nắm giữ quyền lực cao nhất tại VNCB.