T
ại phiên xử chiều 10/1, Phạm Công Danh nhiều lần năn nỉ xin được nói rõ về đường đi của dòng tiền 2.760 tỷ. Bị cáo nói rất bức xúc, khẩn thiết được nói ra lần cuối cùng. Tuy nhiên, chủ toạ Phạm Lương Toản cho rằng bị cáo đã khai ở lần xét xử trước, đề nghị tập trung trả lời câu hỏi của HĐXX.
'Tôi quá áp lực vì phải trả lãi ngoài cho ông Thanh'
Về số tiền 1.800 tỷ đồng vay từ Trầm Bê, Phạm Công Danh cho rằng do thời gian lâu, sức khoẻ kém không nhớ rõ. Tuy nhiên, bị cáo có nghe lời khai trực tiếp của Trầm Bê và Phan Huy Khang thì toàn bộ điều đó là sự thật.
Phạm Công Danh cũng nhận sai về hành vi chỉ đạo nhân viên lập hồ sơ khống cho 6 công ty để vay tiền tại các ngân hàng. “Tôi bị áp lực về vấn đề tiền để chăm sóc khách hàng, hơn 3.600 tỷ chuyển bà Hứa Thị Phấn, 2.760 tỷ tôi trả lãi ngoài cho ông Trần Quý Thanh. Những khoản tiền này rất lớn. Chính vì áp lực đảm bảo ngân hàng trong bối cảnh phải chăm sóc khách hàng…”, Phạm Công Danh nói.
Tuy nhiên, chủ toạ 3 lần nhắc nhở ông Danh không trình bày phần này vì không nằm trong phạm vi xét xử, chỉ tập trung vào nội dung vay 1.800 tỷ đồng của Trầm Bê. Phạm Công Danh nói: “Tôi rất bức xúc, là lãi ngoài mà không cho tôi nói".
Bị cáo Phạm Công Danh bị HĐXX liên tục nhắc khi trình bày về các khoản lãi ngoài của ông Trần Quý Thanh. Ảnh: Tùng Tin. |
Khi chủ toạ hỏi về việc 1.800 tỷ đồng đi đâu sau đó, Phạm Công Danh cho biết thời gian quá lâu nên đề nghị HĐXX làm việc với luật sư. Bị cáo chỉ nhớ có trả cho ngân hàng BIDV, không chỉ trả nợ mà lấy lại tài sản có giá trị lớn.
Chủ toạ nói: “Bị cáo nói bị cáo không nhớ nhưng theo hồ với dòng tiền đi là chuyển về 6 công ty và chuyển về cho Thiên Thanh 1.200 tỷ tại ngân hàng ACB chi nhánh Phú Thọ. Từ 2 tài khoản này, bị cáo chuyển trả cho ngân hàng BIDV".
Phạm Công Danh trả lời: “Tôi chỉ nhớ một việc là làm sao lo được hơn 6.000 tỷ đồng chăm sóc khách hàng”. Chủ toạ lưu ý: “Tôi nhắc lại 1 lần nữa, bị cáo không trình bày những vấn đề thuộc về bản án đã có hiệu lực pháp luật”.
Trước đó, bị cáo Phan Thành Mai (Tổng giám đốc VNCB) khai rằng ngân hàng thời điểm đó như hố trũng, không thể đủ tiền phục vụ khách hàng. Vì áp lực đó, Phạm Công Danh buộc phải vay Trần Quý Thanh một số tiền lớn với lãi suất cao.
Nhận 5 triệu để làm giám đốc ma vay trăm tỷ
Tại toà, hai bị cáo Lê Duy Lương, Nguyễn Thị Kim Vân thừa nhận chỉ “đứng tên hộ” chức danh giám đốc cho các công ty do Phạm Công Danh thành lập. Hai vị giám đốc này hoàn toàn không ý thức được hàng trăm tỷ đồng mình ký giấy vay.
Bị cáo Lê Duy Lương (Giám đốc công ty Thành Thành Công) cho biết bản thân là lái xe của Tập đoàn Thiên Thanh. “Khi bị cáo vào làm thì được một người tên là Vinh nhờ đứng tên làm giám đốc để mua sân vận động Chi Lăng”, bị cáo khai.
Bị cáo Phan Thành Mai. Ảnh: Tùng Tin. |
Theo bị cáo, tiền lương lái xe khoảng 4,5 triệu đồng. Nửa năm đầu làm giám đốc, bị cáo không được nhận lương. Đến 2012, mỗi tháng Lương nhận được thêm 5 triệu cho công việc “giám đốc” công ty ma của mình.
Trả lời câu hỏi của chủ toạ về việc có biết bị cáo đã ký vay bao nhiêu tiền, Lương khai lúc ký không biết, chỉ sau này mới biết là 250 tỷ đồng. “Lúc đó bị cáo đang lái xe thì bên tài chính gọi về ký giấy tờ”, Lương nói.
Tương tự, Nguyễn Thị Kim Vân từ nhân viên bán ôtô có thu nhập 7 triệu đồng trở thành Giám đốc công ty Hương Vi. Nguyễn Thị Kim Vân cũng được nhờ đứng tên công ty để đấu thầu sân vận động Chi Lăng. Số tiền hỗ trợ cho chức danh này là 5 triệu đồng nhưng bị cáo đã ký giấy tờ để vay 300 tỷ đồng. Vân thừa nhận: “Bị cáo không biết số tiền đó đi đâu”.
Chiều 10/1, HĐXX gọi hàng loạt bị cáo và người có trách nhiệm nghĩa vụ liên quan để xét hỏi. Nội dung chủ yếu tập trung vào đường đi của dòng tiền giữa VNCB và các ngâng hàng Sacombank, TPbank, BIDV.