Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phạm Công Danh: Nếu không bị ép tăng vốn điều lệ, tôi không sai phạm

Phạm Công Danh khai rằng Ngân hàng Đại Tín bị NHNN thúc ép phải tăng vốn điều lệ nên mới dẫn đến hành vi lập 12 hồ sơ khống để vay 4.700 tỷ từ BIDV.

Vụ Phạm Công Danh: Không có căn cứ thu hồi 6.126 tỷ cho VNCB VKS xác định 6.127 tỷ là vật chứng nhưng không nói rõ cơ chế thu hồi. Khi điều tra, Bộ Công an xác định việc gửi tiền, thu tiền của 3 ngân không sai nên không có căn cứ để thu hồi.

Sáng 12/01, phiên tòa đại án Trầm Bê - Phạm Công Danh tiếp tục ngày thứ 5 với phần xét hỏi về hành vi liên quan đế gói tín dụng 4.700 tỷ mà Phạm Công Danh vay của Ngân hàng BIDV.

Trước toà, Phạm Công Danh thừa nhận hành vi thành lập 12 công ty “ma”, dựng hồ sơ ảo để vay 4.700 tỷ của BIDV. Tuy nhiên, ông Danh nói để dẫn đến sai lầm phải đứng trước HĐXX ngày hôm nay, có bối cảnh đưa đẩy. Trong đó, Ngân hàng Đại Tín bị sự thúc ép của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) buộc phải tăng vốn.

Tăng cũng chết mà không tăng vốn cũng chết

Bi kịch tăng vốn của Ngân hàng Đại Tín dẫn đến buộc phải vay gói 4.700 tỷ đồng của BIDV, theo Phạm Công Danh, bắt nguồn từ cuộc họp của NHNN khu vực phía Nam. Tại đó, cơ quan giám sát Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu Ngân hàng Đại Tín tăng vốn điều lệ từ 3.000 tỷ lên 7.500 tỷ đồng.

Ngay từ khi HĐXX chuyển sang xét hỏi về sai phạm liên quan đến BIDV, Phạm Công Danh đã nhiều lần giơ tay xin được nói. Theo ông Danh, việc tăng vốn là do sự thúc ép của NHNN. “Bản thân tôi và những người thuộc cấp không muốn làm việc này”, bị cáo Danh khai.

Dai an Tram Be Pham Cong Danh anh 1
Phạm Công Danh nói việc tăng vốn của Ngân hàng Đại Tín là do sự thúc ép của NHNN, bị cáo và các thuộc cấp đều không muốn làm. Ảnh: Tùng Tin.

“Tôi đã trình bày trong bối cảnh đó, giữ được ngân hàng đã khó rồi. Tôi đã xin giãn tiến độ nhưng NHNN vẫn yêu cầu phải tăng vốn, còn bằng cách nào thì doanh nghiệp phải tự lo liệu”, Phạm Công Danh khai thêm.

Tại thời điểm đó, ông Danh nói mình đã bỏ ra 2.760 tỷ trả lãi cho ông Trần Quý Thanh, Ngân hàng Đại Tín không có tiền để tăng vốn nữa. Tuy nhiên, chủ toạ đặt câu hỏi: “Việc tăng vốn là yêu cầu cũng là nhu cầu của các bị cáo. Tại vì các bị cáo yêu cầu tăng vốn để tăng hạn mức tín dụng?”.

Phạm Công Danh khẳng định để duy trì ngân hàng yếu kém nhất trong 9 ngân hàng, lại thêm khoản 2.760 tỷ trả cho ông Thanh có hóa đơn chứng từ nhưng chưa được làm rõ nên không hề có tiền để xoay sở. Dù cuộc họp không có văn bản nhưng ông Danh nói Phan Thành Mai, Mai Quốc Viễn, Mai Hữu Khương cũng biết về cuộc họp này.

“Việc âm vốn là do người cũ gây ra chứ không phải tôi. Hành vi của tôi là sai nhưng phải xét bối cảnh, tôi hoàn toàn không muốn làm điều này. Nếu NHNN không thúc ép thì tôi không làm sai”, ông Danh nói lớn.

Dai an Tram Be Pham Cong Danh anh 2
Phó tổng giám đốc BIDV Đoàn Ánh Sáng là đại diện cao nhất của ngân hàng này có mặt tại phiên toà. Ảnh: Kỳ Hoa. 

Phạm Công Danh nói dù sức khoẻ yếu nhưng vẫn xin nói rõ thêm. “Thiên Thanh có một vài dự án đã được duyệt. Tôi hoàn thành xong sẽ có tiền bỏ vào chứ không phải lập khống là thôi. Hành vi tôi sai nhưng để xét xử thì phải có bối cảnh. Còn nếu HĐXX đã xử rồi thì tôi chịu”, Phạm Công Danh nói.

Bị cáo Phan Thành Mai cũng trình bày theo cách hiểu của mình thì NHNN thúc bị cáo Danh phải tăng vốn điều lệ. “Trong cuộc họp đó, anh Danh đã trình bày 2-3 lần xin chia nhỏ việc tăng từ 3.000-7.500 tỷ nhưng NHNN vẫn yêu cầu tăng thêm 4.500 tỷ. Tình trạng anh Danh lúc đó tăng cũng chết, không tăng thì ngân hàng cũng phá sản vì không có lợi nhuận”, bị cáo Mai khai.

Không có căn cứ thu hồi 6.127 tỷ cho VNCB

Trước đó, chủ tọa đã mời đại diện VKS giải thích rõ yêu cầu của VKSND Tối cao về việc thu hồi 6.127 tỷ đồng cho Ngân hàng VNCB.

VKS cho biết trong công văn ngày 27/3/2017 của VKSND Tối cao gửi Bộ Công an có 5 nội dung. Trong đó có yêu cầu thứ 5 là đề nghị cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an thu hồi 6.127 tỷ đồng thiệt hại về cho VNCB nhưng cáo trạng xác định đến nay Bộ Công an chưa thu hồi số tiền này.

Dai an Tram Be Pham Cong Danh anh 3
VKSND Tối cao yêu cầu thu 6.127 tỷ đồng về cho VNCB. Ảnh: Tùng Tin. 

Bà Tăng Thị Nga (điều tra viên tham gia thụ lý hồ sơ vụ án) cho biết trong cáo trạng đã xác định số tiền này nhưng trong quá trình điều tra, Bộ Công an nhận thấy đây là số tiền gửi của VNCB mà Phạm Công Danh dùng để thế chấp khoản vay tài sản tại 3 ngân hàng (Sacombank, TPBank, BIDV) và thực hiện trả nợ, thu nợ trực tiếp từ 2 ngân hàng (Sacombank, TPBank). BIDV đã tất toán trả về cho VNCB thông qua việc thu tài sản của 12 công ty vay vốn.

6.127 tỷ đồng này VKS xác định vật chứng vụ án nhưng lại không nói rõ cơ chế thu. Trong quá đình điều tra, Cơ quan điều tra Bộ Công an đã trưng cầu giám định và xác định việc gửi tiền, thu tiền của 3 ngân hàng không sai nên không có căn cứ để thu hồi số tiền này”, bà Nga cho biết.

Cần xác minh việc Phạm Công Danh vay tiền Trần Quý Thanh?

Trong phần xét hỏi bị cáo Nguyễn Quốc Viễn (Trưởng Ban kiểm soát VNCB) về việc vay 4.700 tỷ đồng cho 12 công ty “ma” thông qua gói liên kết 4 nhà. Viễn khai số tiền 4.700 tỷ sau đó được chuyển 4.000 tỷ về để tăng vốn điều lệ theo chỉ đạo của Phạm Công Danh. Trong đó, có 200 tỷ chuyển từ TPBank, 300 tỷ từ tài khoản tiết kiệm từ giai đoạn 1 chuyển qua.

Dai an Tram Be Pham Cong Danh anh 4
Phạm Công Danh được dẫn giải đến toà sáng 12/1. Ảnh: Tùng Tin.

Chủ tọa cho biết trong 300 tỷ có 250 tỷ mà ở giai đoạn 1 Viễn đã khai cho 3 người nhóm Tân Hiệp Phát vay. Các bị cáo này cho biết số tiền đã được giải ngân cho nhóm Tân Hiệp Phát nhưng thực tế khi kiểm tra lại là chảy về vốn điều lệ.

“HĐXX vẫn quyết định 300 tỷ không phải cho Tân Hiệp Phát vay mà do các bị cáo tự dựng lên để rút tiền”, thẩm phán Phạm Lương Toản nhấn mạnh.

“Việc xác minh 300 tỷ này bị cáo vi phạm hay không thì phải xác minh việc ông Trần Quý Thanh có cho Phạm Công Danh vay không”, Viễn nói. Tuy nhiên chủ tọa ngắt lời, khẳng định HĐXX đã quyết định chính xác, bản án đã có hiệu lực pháp luật.

Cũng trong sáng 12/1, HĐXX thông báo về việc vợ của bị cáo Vũ Viết Minh Quân (nguyên Giám đốc Công ty CP Dịch vụ đầu tư và thương mại Minh Quang) đã có gửi đơn yêu cầu giám định tâm thần với chồng mình. Chủ tọa xác định Quân vẫn điều khiển hành vi và vẫn ý thức được việc làm của mình và không cần phải giám định tâm thần. 

Phó TGĐ BIDV lần đầu xuất hiện tại phiên xử Phạm Công Danh - Trầm Bê Chiều 11/1, Phó tổng giám đốc BIDV Đoàn Ánh Sáng đã có mặt tại tòa sau nhiều lần bị triệu tập.

Sếp VNCB cố khai nghìn tỷ lãi ngoài trả cho ông Trần Quý Thanh

Dù chủ tọa nhắc nhở nhiều lần nhưng luật sư và nguyên Tổng giám đốc ngân hàng Xây dựng Phan Thành Mai vẫn tiếp tục nhắc đến số tiền khủng trả lãi ngoài cho ông Trần Quý Thanh.

Hà Hương - Hoài Thanh

Bạn có thể quan tâm