Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phạm nhân trốn truy nã 33 năm bằng mác thương binh

Khi đi bộ đội, ông Quân lấy tên là Nguyễn Văn Quấn nên sau khi trốn khỏi trại giam, phạm nhân này quay lại Quân khu 9 làm giấy xuất ngũ mà không bị phát hiện.

Ngày 20/2, Trại giam Cái Tàu ở xã Khánh An, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau, xác nhận tổ công tác của Trại giam đã phối hợp Công an thị trấn Tân Khai, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước, bắt được phạm nhân Nguyễn Văn Quân (61 tuổi) sau 33 năm lẩn trốn.

Phạm nhân Quân đã bỏ trốn khỏi Trại giam Cái Tàu khi đang thụ án chung thân. Khi đó, Quân là phạm nhân giết người, cướp tài sản, thụ án được 3 năm 2 tháng.

Theo hồ sơ vụ việc, năm 1983, phạm nhân đi bộ đội ở Campuchia, sau đó bị thương dẫn đến cụt cẳng chân nên được đưa về Việt Nam điều trị và an dưỡng tại Cần Thơ. Thời gian tại ngũ, Quân giữ khẩu súng K54, sau đó đổi cho người quen lấy khẩu súng Rulo.

Đến tháng 5/1987, Quân quay về Cà Mau, thuê xe ôm về huyện Đầm Dơi. Khi về đến nơi, Quân nói không gặp được người quen, đề nghị tài xế chở về thành phố Cà Mau. Trên đường đi, khi tài xế phải xuống dắt xe do đường xấu, phạm nhân đã dùng súng bắn lái xe tử vong tại chỗ và cướp phương tiện.

tron truy na anh 1

Phạm nhân Nguyễn Văn Quân bị bắt giữ sau 33 năm lẩn trốn bằng cái mác thương binh.

Sau đó, Nguyễn Văn Quân đã mang xe máy đến xã Phú Lễ, huyện Ba Tri (Bến Tre) bán và lẩn trốn. Năm tháng sau, phạm nhân này bị bắt.

Ngày 14/1/1989, Quân bị TAND tỉnh Minh Hải (nay chia tách thành 2 tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu) xử phạt án chung thân và đưa về Trại giam Cái Tàu thụ án.

Lợi dụng sơ hở của quản giáo, đầu tháng 8/1990, phạm nhân bỏ trốn khỏi nơi giam giữ, về nhà mẹ ở xã Tân Trung, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau. Sau đó, Quân đón 3 người con cùng trốn đến tỉnh Bình Thuận tá túc ở một ngôi chùa.

Đại diện Trại giam Cái Tàu cho biết thời gian ở lại chùa, Quân luôn tỏ ra là người chí thú làm ăn và viện lý do vợ bỏ đi, để lại con thơ nên tha phương lập nghiệp. Thương hoàn cảnh của ông ta nên mọi người mai mối với một phụ nữ địa phương.

Do khi đi bộ đội Quân lấy tên là Nguyễn Văn Quấn nên sau khi trốn khỏi trại giam, phạm nhân này quay lại Quân khu 9 làm giấy xuất ngũ mà không bị phát hiện. Nhờ đó, Quân được hưởng chế độ thương binh 2/4. Cũng trong thời gian này, Quân kiếm sống bằng nghề đan mây, tre, được chính quyền địa phương chăm lo đời sống, hỗ trợ xây nhà tình nghĩa.

Trong thời gian sinh sống ở Bình Thuận, Quân tỏ ra là người đạo đức, dạy dỗ con cái đàng hoàng. Sau khi ly hôn vợ thứ hai, Quân thường xuyên đi về giữa Bình Thuận và TP.HCM làm ăn. Hai năm trước, Quân quen và sống chung với người vợ thứ ba. Hai người đến huyện Hớn Quản, Bình Phước thuê nhà sinh sống.

Suốt 33 năm, lực lượng làm nhiệm của trại giam lần tìm tung tích của Nguyễn Văn Quân nhưng đều mất hút. Thời gian gần đây, khi lực lượng chức năng kiểm tra hành chính một Văn phòng giao dịch bất động sản tại thị trấn Tân Khai (Hớn Quản) thì phát hiện người có đặc điểm nhận dạng tương đồng với lệnh truy nã do Trại giam Cái Tàu cung cấp.

Làm việc với cơ quan chức năng, người này thừa nhận là phạm nhận vượt ngục 33 năm trước.

Để hiểu hơn về Bộ luật hình sự, trách nhiệm hình sự, 55 cặp tội danh dễ nhầm lẫn trong Bộ luật hình sự hay những quy định về xử phạt hành chính, khiếu nại, tố cáo… mời độc giả của Zing truy cập Tủ sách Pháp luật.

Bên cạnh đó, bạn đọc cũng có thể tìm hiểu các quy định về thuế thu nhập cá nhân, quy định về các khoản thưởng không phải chịu thuế hoặc Luật cư trú, Luật hộ tịch và các điều cần biết khác…

https://www.vietnamplus.vn/bat-giu-pham-nhan-tron-truy-na-33-nam-duoi-mac-thuong-binh/847093.vnp

Huỳnh Anh/VietnamPlus

Bạn có thể quan tâm