Swing là một nhánh của jazz, thừa hưởng sự ngẫu hứng trong cách chơi nhạc. Đúng như tên gọi, swing gợi ra một điệu nhảy lắc lư cơ thể một cách nhịp nhàng. Swing không chỉ cho người nghe không gian để đu bám theo những suy tưởng của mình mà còn là cơ hội để kết nối với nhau bằng ngôn ngữ của cơ thể, của những điệu nhảy. Bởi vậy mỗi khi giai điệu swing cất lên, thật khó để người nghe không nhún nhảy, đung đưa cơ thể theo nhịp nhạc.
Nhạc sĩ Kim Tuấn từng chia sẻ hoàn cảnh sáng tác Biển cạn. Tác phẩm được viết vào một đêm mùa đông 1997. Đêm đó trời rất lạnh, nhạc sĩ không chợp mắt được. Trông qua cửa sổ, từng cơn gió hất tung đám lá úa vàng. Bỗng dưng ông nhớ đến bộ phim Nàng tiên cá của Bungari từng xem ở thập niên 80 có cảnh biển rất đẹp.
"Trong phim, mụ phù thủy đã hóa phép cho nàng tiên cá có được đôi chân người, thế rồi khi phép thuật tan, biển cả chỉ còn trơ lại dưới đáy những cành cây khô, trông rất hoang tàn nhưng đầy lãng mạn. Cảnh phim đã đọng lại trong tôi ấn tượng sâu đậm. Biển cạn điệu slow, tôi sáng tác cả lời và nhạc chỉ trong 15 phút bằng đàn guitar thùng", nhạc sĩ Kim Tuấn chia sẻ.
Phạm Sĩ Phú làm mới 'Biển cạn' bằng phong cách swing. |
Swing, Biển cạn và Phạm Sĩ Phú đã gặp nhau cùng một điểm, là một sản phẩm sinh ra bởi sự tìm tòi, khám phá cùng tham vọng mang đến khán giả những điều mới mẻ. Ở Phạm Sĩ Phú, người nghe không tìm thấy một Biển cạn quá hướng nội và giằng xé. Giọng hát nhẹ nhàng của anh vẽ ra một nỗi buồn man mác, nhẹ nhàng và tích cực hơn. Đó gần như cảm giác của một người đã trải qua những ngọt đắng, để rồi có thể nhìn thấu lẽ thường của cuộc sống.
Phạm Sĩ Phú chia sẻ cảm giác khi chọn thể hiện Biển cạn: "Như khi bắt tay vào thực hiện album số 2 (Để nhớ, phát hành năm 2015), thầy tôi, cũng là giám đốc sản xuất nhấn mạnh ‘Đây sẽ là một album với nhiều thể loại nhạc hoàn toàn trái ngược với sở trường của tôi, sẽ có rất nhiều thử thách trong quá trình tập luyện, thu âm’. Biển cạn là một trong những thử thách đó".
"Với bản phối hiện đại, tôi đã mất rất nhiều thời gian tìm hiểu cách hát và tập hát sao cho phù hợp nhất để vừa đáp ứng với tiết tấu nhanh của thể loại swing, vừa giữ được chất tình cảm cho xuyên suốt ca khúc”, Sĩ Phú chia sẻ.
Giọng hát nhẹ nhàng của Phạm Sĩ Phú vẽ ra một nỗi buồn man mác, nhẹ nhàng và tích cực hơn cho Biển cạn. |
Thường khi hát những tiết tấu nhanh, người hát thường dễ bị beat cuốn theo, và tinh thần của bài hát cũng thế mà trôi tuột đi, nhất là vào ngay câu đầu tiên của bài. Khi bắt đầu thu âm, Sĩ Phú cũng như vậy và phải thu hơn 30 lần mới tự hiểu ra được khía cạnh này. Đó chính là thử thách lớn nhất của anh khi làm việc với Biển cạn.
Đoạn Sĩ Phú thích nhất khi thu âm Biển cạn là sau phần giang tấu. Có người hẹn tôi tới phương trời, biển xưa lắng nghe trắng xóa nỗi niềm biển không lên tiếng. Hình ảnh này gợi lại kỷ niệm hụt hẫng cũ của anh ngày trước khi còn ở quê nhà. Đó là buổi tối cuối cùng trước khi kết thúc mối quan hệ với người bạn gái đầu tiên.
“Buổi tối hôm đó thật dài, khi một mình tôi ngồi đợi chờ người ấy không bao giờ đến, tôi gọi điện thoại cũng không một lần bắt máy. Cuối cùng khi quán nước nơi tôi chờ đóng cửa, tôi là người khách cuối cùng rời quán và lang thang bước về căn phòng trọ nhỏ của mình. Chuyện tình cảm đó cũng dần dà vơi đi sau buổi tối hôm đó với thời gian”, anh bồi hồi nhớ lại.
Biển cạn khiến Sĩ Phú nhớ lại mối tình đầu. |
Dẫu thu âm những giai điệu nhanh như swing không dễ, nhưng nếu có cơ hội tiếp tục, Sĩ Phú vẫn sẽ tiếp tục thu âm thể loại này. Nếu như ví beat nhạc là vòng xoay nhanh chóng của cuộc sống, thì lời hát như chính con người đang tồn tại giữa vòng xoay ấy. Phải vừa làm sao hòa nhập được cùng với nhịp điệu quoay cuồng của cuộc sống, mà vẫn giữ được những sự chậm rãi thư thái riêng của bản thân.
Chính thức phát hành ngày 9/3, single Biển cạn cũng được Phạm Sĩ Phú tặng kèm theo 3 ca khúc cũ, được khán giả mến mộ và yêu cầu mỗi khi đến nghe anh hát tại các chương trình biểu diễn Xóm đêm, Thuở ấy có em và Đổi thay.