Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phận bạc của những diễn viên tài hoa cùng đóng một bộ phim

Lê Công Tuấn Anh tự sát năm 29 tuổi, Nguyễn Huỳnh chết vì sốc thuốc, người vào vai danh ca Khánh Ly có cuộc đời sóng gió sau bộ phim nổi tiếng "Em còn nhớ hay em đã quên".

Em còn nhớ hay em đã quên do đạo diễn Nguyễn Hữu Phần sản xuất năm 1992. Phim nói về cuộc đời cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thời kỳ hoạt động sôi nổi cho phong trào phản chiến trong sinh viên. Phim cũng khai thác cuộc gặp gỡ định mệnh của ông với ca sĩ Khánh Ly (diễn viên Hoàng Hồng Nhị) và tình cảm vấn vương với cô gái tên Diễm (Trương Ngọc Ánh thủ vai).

Như một sự sắp đặt tình cờ, ba diễn viên chính của phim đều có số phận long đong sau khi bộ phim đóng máy. Hai nam diễn viên chính là Lê Công Tuấn Anh và Nguyễn Huỳnh ra đi sau đó vài năm khi tuổi đời còn rất trẻ. Nữ diễn viên đóng vai ca sĩ Khánh Ly sau đó sống một đời sống nghèo khó, tủi cực, cô đơn do ảo tưởng về hào quang của nghề diễn.

Diễn viên Lê Công Tuấn Anh 

Trước khi đến với vai diễn Trịnh Công Sơn trong phim Em còn nhớ hay em đã quên, Lê Công Tuấn Anh gây ấn tượng mạnh mẽ với khán giả bằng vai Quang "Đông ki sốt" trong phim Vị đắng tình yêu. Vẻ thư sinh pha chút lãng tử của anh được nhiều đạo diễn dòng phim thị trường những năm 1990 "chọn mặt gửi vàng".

Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần kể khi ông đưa nam diễn viên đến gặp Trịnh Công Sơn, cố nhạc sĩ đã nhìn thấy ở chàng diễn viên trẻ một tâm hồn nghệ sĩ nhưng cô đơn. Chiếc kính Lê Công Tuấn Anh đeo khi hóa thân vào vai diễn chính là kính của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Sau phim này, Lê Công Tuấn Anh tiếp tục đóng vai chính trong hàng loạt phim điện ảnh như Anh chỉ có mình em, Sao Phượng còn buồn, Hoa quỳnh nở muộn, Bên bờ ảo vọng, Tình biển, Nàng Hương.

Năm 1996, khi đang quay dở dang phim Ngọt ngào và man trá - cũng của đạo diễn Nguyền Hữu Phần, nam diễn viên đột ngột tự tử, ra đi ở tuổi 29.

Diễn viên Lê Công Tuấn Anh.

Nghệ sĩ Lê Bình - người có công đưa Lê Công Tuấn Anh đến nghề diễn - cho rằng do thiếu thốn tình cảm gia đình từ bé, nam diễn viên mang một tâm hồn yếu đuối.

Trong ký ức của diễn viên Công Hậu, Lê Công Tuấn Anh là người hiền lành, chất phác. "Có lẽ sự bình dân quá mức và tâm hồn yếu đuối khiến Lê Công Tuấn Anh dần mất điểm trong mắt các cô gái. Họ cứ dần bỏ anh ra đi khiến niềm tin vào tình yêu, cuộc sống trong anh vì thế cũng tàn lụi dần", diễn viên Công Hậu nhớ lại khoảnh khắc nghe tin người bạn diễn từ trần vì thất tình.

Một diễn viên khác cùng thế hệ Lê Công Tuấn Anh, chơi khá thân với bạn gái Minh Anh của nam diễn viên cho biết, ngoài tật uống rượu, Lê Công Tuấn Anh là một gã lãng tử đa tình. Anh yêu ai thì chung thủy son sắt nhưng những lần "say nắng" của anh cũng nhiều vô kể. 

Minh Anh kể lại, trong đám tang Lê Công Tuấn Anh - cô bị người hâm mộ của nam diễn viên ném đủ thứ vào người, không ngừng la hét cho rằng cô là nguyên nhân gây ra cái chết cho thần tượng của họ. Minh Anh giữ im lặng và chọn sống một đời sống lặng lẽ kể từ sau cái chết của Lê Công Tuấn Anh.

Hoàng Hồng Nhị - người đóng vai ca sĩ Khánh Ly

Đóng cặp cùng Lê Công Tuấn Anh là một gương mặt hoàn toàn mới - diễn viên tỉnh lẻ tên Hoàng Hồng Nhị.

Khi ê-kíp làm phim gần như tuyệt vọng vì không tìm được diễn viên cho vai ca sĩ Khánh Ly, Nguyễn Hữu Phần được một người bạn ở Huế giới thiệu một sinh viên vừa tốt nghiệp trường nghệ thuật. Ban đầu, đạo diễn cảm thấy thất vọng khi chứng kiến cô gái một nách hai con trong một căn nhà dột nát giữa kinh thành Huế.

Tuy nhiên, Hồng Nhị lúc đó ngập tràn hy vọng được đóng phim nên Nguyễn Hữu Phần dặn cô nếu có thời gian cứ đến đoàn phim chơi. Nhiều năm sau này, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần vẫn áy náy về lời mời này. Bởi nếu Hồng Nhị không mặc áo dài, trang điểm đẹp để đến trường quay "chơi" mấy ngày, sau đó theo lời mời của đạo diễn thì có thể cô đã không vào vai Khánh Ly rồi bị hào quang ảo của nghề diễn cuốn đi đến mức đánh mất cả bản thân.

Lê Công Tuấn Anh và Hoàng Hồng Nhị trong phim “Em còn nhớ hay em đã quên”.

Khi đến đoàn phim, trong lúc ngồi trò chuyện với đạo diễn Nguyễn Hữu Phần, người quay phim kín đáo ghi lại hình ảnh Hoàng Hồng Nhị. Sau khi xem lại băng, đạo diễn quyết định giao vai Khánh Ly cho cô.

Hoàng Hồng Nhị đã hoàn thành vai diễn đúng như mong đợi của ê-kíp. "Khi cô ấy bước ra và hát trước đông người, cô ấy run rẩy, hoang mang, và sợ hãi. Đó chính là Khánh Ly thuở ban đầu chạm ngõ nhạc Trịnh. Cũng là lần đầu Hồng Nhị được thể hiện mình trước đám đông. Không cần diễn, cảm giác sợ sệt của cô ấy lúc đó chính là điều tôi cần cho nhân vật", đạo diễn Nguyễn Hữu Phần cho biết.

Trong lúc quay phim, vị đạo diễn dạn dày kinh nghiệm đã linh cảm có điều gì không hay sẽ xảy ra với cô gái ngây thơ, mơ mộng Hoàng Hồng Nhị sau khi phim kết thúc.

Nguyễn Hữu Phần nhớ lại, ông rất lo sợ khi nghe cô nói: "Không biết khi phim kết thúc, cháu có quay trở lại với cuộc sống đời thường được không? Những ngày qua, cháu như đang sống trong một giấc mơ. Ước gì ngoài đời, cuộc sống của cháu cũng được như vậy".

Đạo diễn hết sức khuyên nhủ cô gái trẻ rằng phim không giống đời thực nhưng những linh cảm xấu của ông về cuộc đời cô sau đó vẫn diễn ra. Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần kể lại rằng Hoàng Hồng Nhị sau đó không thể đối mặt được với chồng. Cô bỏ Huế vào Sài Gòn để theo đuổi ước mơ nghệ thuật.

Mọi việc không theo ý muốn. Hoàng Hồng Nhị phải làm việc trong vũ trường, quán bar. Đạo diễn phim Ma làng kể rằng nhiều lần diễn viên Trương Ngọc Ánh gọi cho ông nói, cô gặp "ca sĩ Khánh Ly" trong phim ở vũ trường. Ngọc Ánh sẵn sàng cho địa chỉ và số điện thoại nếu đạo diễn phim muốn gặp mặt.

Tuy nhiên, nghĩ mình có lỗi với cuộc đời Hoàng Hồng Nhị khi trót đưa cô vào giấc mơ điện ảnh, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần tránh không gặp lại để khỏi phải chứng kiến hoàn cảnh bi đát của cô. Nhiều lần gặp chồng cũ của Hoàng Hồng Nhị trong những cuộc liên hoan văn nghệ quần chúng, ông cũng tránh mặt.

Diễn viên Nguyễn Huỳnh

Trong phim, ngoài đóng cặp với Lê Công Tuấn Anh, Hoàng Hồng Nhị còn có nhiều cảnh diễn chung với diễn viên Nguyễn Huỳnh. Anh đóng vai chồng của ca sĩ Khánh Ly.

Khi tham gia Em còn nhớ hay em đã quên, Nguyễn Huỳnh được coi là ngôi sao điện ảnh đang lên, cùng thế hệ với Lý Hùng, Lê Công Tuấn Anh... "Lần đầu gặp, tôi thấy Nguyễn Huỳnh đầy triển vọng. Cậu ấy lịch lãm, hào hoa, tài tử", đạo diễn Nguyễn Hữu Phần nhớ lại. Sau vai diễn này, Nguyễn Huỳnh cũng gây dấu ấn mạnh mẽ khi đóng vai thầy giáo Trường trong phim Giã từ dĩ vãng của đạo diễn Đinh Đức Liêm.

Sau phim này, cuộc đời anh rẽ sang hướng khác khi vướng vào ma túy. Sau hai lần cai nghiện bất thành, vào tháng 5/2009, nam diễn viên từ giã cõi đời ở tuổi ngoài 40 trong sự cô độc. Đám tang anh cũng được tổ chức vội vã, lặng lẽ với chỉ vài người bạn thân đến viếng.

Đạo diễn phim Giã từ dĩ vãng kể rằng những năm tháng cuối đời, Nguyễn Huỳnh đã tìm mọi cách đoạn tuyệt với ma túy. Đồng nghiệp, bạn bè cũng chung tay giúp anh làm lại bằng cách mời nam diễn viên đóng phim. Nhưng cái chết của cô con gái duy nhất vì bệnh bại não đã đánh gục Nguyễn Huỳnh, khiến anh ngày càng dấn sâu vào bi kịch cuộc đời mình.

Cái chết trẻ của diễn viên nhí phim: "Sống trong sợ hãi"

Sống trong sợ hãi là phim nhựa đầu tay của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên. Phim nói về cuộc sống của một người lính thời hậu chiến. Trở về sau chiến tranh, anh chọn công việc gỡ bom mìn đem bán sắt vụn để kiếm tiền nuôi gia đình. Thay vì gỡ bom theo cách thông thường, Tải (tên người lính) áp dụng những kiến thức và kinh nghiệm trong chiến tranh để thao tác an toàn và hiệu quả hơn.

Sau thời gian dài bị người đời cười chê, sống cô lập, cuối cùng Tải cũng mở lòng khi anh được ghi nhận giúp chính quyền tháo gỡ hàng trăm tấn bom, mìn còn sót lại của chiến tranh. Tải có vợ và con gái tên Lành. Trong khi vợ anh là một người đàn bà gan góc, cam chịu, ít nói và khắc khổ thì cô con gái lại xinh xắn, ngoan ngoãn và sớm biết lo toan.

Bé Lành trong phim tên thật là Nguyễn Phước Lai Thị Minh Hiền, sống tại Nha Trang. Khi tham gia bộ phim, cô mới 13 tuổi, đang sinh hoạt tại đội ca Hoa súng thuộc nhà thiếu nhi thành phố Nha Trang. Vai diễn của Minh Hiền rất ít thoại, thay vào đó là lối diễn xuất hình thể qua biểu hiện của cử chỉ tay chân và đôi mắt. Sau này, khán giả đều rất ấn tượng bởi gương mặt của bé Lành trong một phân đoạn độc thoại: "Bom nổ, bò chết, chứ không phải ba".

Sau bộ phim, Minh Hiền trở lại với việc học tại trường, đều đặn tham gia sinh hoạt tại nhà văn hóa thiếu nhi thành phố. Vài năm sau, cô được phát hiện mắc bệnh u não. Sau một thời gian chữa trị, 4h sáng ngày 1/3/2009, Minh Hiền trút hơi thở cuối cùng tại Bệnh viện Chợ Rẫy, TP Hồ Chí Minh khi mới 16 tuổi.

Trước sự ra đi của Minh Hiền, đoàn phim bàng hoàng. Dù phim đóng máy đã bốn năm, cảm xúc của mỗi diễn viên đều vỡ òa khi nghe tin dữ. Diễn viên Hạnh Thúy khi đó không kìm được cảm xúc đã khóc òa trong điện thoại khi chia sẻ với báo chí.

Bên cạnh việc ngợi khen bạn diễn nhí, Hạnh Thúy cho biết cô đau xót và không tin việc Minh Hiền ra đi là sự thật. "Chắc chắn tôi không thể nào quên được hình ảnh một bé Lành trong phim và một bé Hiền ngoài đời quá vui vẻ, yêu đời và hồn nhiên", nữ diễn viên nói.

 

http://cstc.cand.com.vn/Nhan-vat-hot/Phan-bac-cua-nhung-dien-vien-tai-hoa-cung-dong-trong-mot-bo-phim-360919/

Theo Minh Châu/Cảnh sát toàn cầu

Bạn có thể quan tâm