- Thạc sĩ ngành tài chính, Đại học Newcastle, vương quốc Anh
- Giảng viên khoa Tài chính - Ngân hàng, Đại học Ngoại thương Hà Nội.
Finfluencer là sự kết hợp giữa "financial" (tài chính) và "influencer" (người có ảnh hưởng). Từ tiếng Anh này thường được dùng để chỉ các chuyên gia lựa chọn chia sẻ, tư vấn hoặc đưa lời khuyên về vấn đề tài chính, làm giàu thông qua mạng xã hội.
Khởi phát tại Mỹ từ khoảng đầu năm 2020 khi dịch Covid-19 bùng phát, những Finfluencer thường ở độ tuổi khá trẻ. Họ hướng đến đối tượng người xem trẻ tuổi, gửi thông điệp về các hình thức đầu tư an toàn, nhuận cao và có thể gia tăng tài chính cá nhân trong thời gian ngắn.
Tại Việt Nam, thời gian qua, nhiều "ông hoàng đọc lệnh", "nữ thần chứng khoán" cũng nổi tiếng nhờ Internet. Họ xây dựng hình ảnh là những nhà đầu tư thành công, lôi kéo nhiều bạn trẻ đổ tiền vào các quỹ tài chính trái phép với lời hứa gia tăng tài sản gấp hàng trăm lần nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Có nên tin tưởng?
Theo tôi, các bạn nên đặc biệt cẩn trọng trước những thông tin cùng lời mời gọi đầu tư từ các chuyên gia tài chính trên mạng xã hội.
Trước tiên, bạn cần kiểm chứng năng lực tài chính của họ. Một chuyên gia phân tích tài chính (financial analyst) thực thụ sẽ phải đáp ứng được các yêu cầu nhất định về trình độ học vấn cũng như kinh nghiệm, kỹ năng chuyên môn.
Chuyên gia tài chính thực thụ là người đáp ứng được yêu cầu nhất định về trình độ học vấn và kinh nghiệm. Ảnh: Cottonbro/Pexels. |
Theo đó, họ thường sở hữu bằng cử nhân đại học chuyên ngành về kế toán, tài chính, quản trị kinh doanh hoặc các khối ngành kinh tế khác nói chung.
Chương trình học của các khối ngành này sẽ cung cấp cho người học bộ kỹ năng chuyên môn (phân tích, xử lý dữ liệu, đánh giá mô hình tài chính) và bộ kỹ năng cá nhân (giao tiếp, lãnh đạo, quản lý thời gian).
Ngoài ra, họ cũng nên đạt được chứng chỉ CFA (Chartered Financial Analyst). Đây được xem là tiêu chuẩn đánh giá năng lực, tính chuyên nghiệp và đạo đức nghề nghiệp của giới đầu tư do Viện CFA Mỹ cấp, có giá trị sử dụng trên toàn cầu.
Sở hữu chứng chỉ này đồng nghĩa việc họ đã vượt qua 3 kỳ thi chuyên môn ở độ khó tăng dần, ít nhất 4 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực đầu tư và trở thành hội viên của cộng đồng CFA, tuân thủ quy định về đạo đức và tiêu chuẩn nghề nghiệp.
Tiếp đến, bạn cần hiểu rằng thời gian chính là mấu chốt của đầu tư. Theo đó, bạn nên cho khoản đầu tư của mình một khoảng thời gian đủ dài (tối thiểu 3-5 năm) để chúng có thể đạt mức độ sinh lời bền vững, chắc chắn.
Điều này đồng nghĩa bạn không nên mua đi bán lại các tài sản đầu tư như cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, trái phiếu… trong thời gian ngắn.
Trái với tôn chỉ đầu tư tài chính nêu trên, một số Finfluencer lợi dụng tâm lý thích kiếm tiền nhanh của những nhà đầu tư trẻ, mới bước chân vào thị trường tài chính để "phím hàng" các mã cổ phiếu, chứng chỉ quỹ… lợi nhuận cao, sinh lời trong thời gian ngắn.
Đây thực chất là hình thức đầu cơ khi các nhóm kín "phím hàng" xuất hiện ngày càng nhiều trên các nền tảng mạng xã hội. Kẻ gian mời chào nhà đầu tư mua vào, bán ra nhiều lần các loại tài sản tài chính như cổ phiếu, tiền tệ, hàng hóa… trong thời gian ngắn nhằm kiếm lời nhờ sự biến động mạnh của thị trường và chênh lệch về giá.
Cụ thể, nếu nhu cầu thị trường cao, tức là cùng lúc có nhiều người tham gia ở trạng thái mua sẽ dẫn đến tăng giá cổ phiếu và ngược lại, nếu nguồn cung cao thì sẽ đẩy giá xuống. Vì vậy, đầu cơ đem lại lợi nhuận rất cao, nhưng kèm với đó là rủi ro cao không kém.
Tỉnh táo ra sao?
Trước lời khuyên của các Finfluencer trên mạng xã hội, nhiều nhà đầu tư trẻ tuổi cảm thấy hoang mang, bán tín bán nghi. Một số khác bị thuyết phục trước sự phân tích cùng lời chào mời trên nền tảng ảo.
Tuy vậy, để tránh tiền mất tật mang, các bạn nên trang bị cho mình những kiến thức tài chính cá nhân cơ bản thay vì đặt cược vào "chuyên gia".
Đầu tiên, bạn phải xác định mục tiêu tài chính cá nhân cùng ngân sách để thực hiện những dự định cụ thể trong một khoảng thời gian xác định.
Mục tiêu tài chính được chia ra thành 3 loại chính, bao gồm:
- Mục tiêu ngắn hạn: Dưới 3 năm (mua điện thoại, laptop…)
- Mục tiêu trung hạn: 3-10 năm (mua ôtô, du học…)
- Mục tiêu dài hạn: Trên 10 năm (mua nhà, đảm bảo tài chính khi tuổi già…)
Ở mỗi mục tiêu, bạn cần xác định rõ số tiền và động lực để gia tăng tài sản tích lũy. Tùy vào khả năng tài chính của bản thân, các dự định sẽ được cân nhắc chọn vào từng nhóm dài hạn, trung hạn hay ngắn hạn.
Bạn cần có kiến thức cơ bản về tài chính, đồng thời ý thức rõ ràng về mục đích tài chính cá nhân trước khi nghe lời khuyên từ "finfluencer". Ảnh: George Milton/Pexels. |
Ví dụ: Thu nhập hàng tháng của bạn là 20 triệu đồng. Trừ đi các khoản chi tiêu hàng tháng, bạn có thể để ra trung bình 10 triệu đồng/tháng.
Bạn muốn mua một chiếc điện thoại đời mới trị giá 40 triệu đồng. Vậy, bạn có thể đặt mong muốn này vào nhóm mục tiêu ngắn hạn bởi chỉ sau 4 tháng, bạn đã có thể sở hữu chiếc điện thoại như dự định.
Thứ hai, bạn cần lưu tâm đến tỉ suất sinh lời ở các kênh đầu tư. Theo thống kê của Dragon Capital Việt Nam, cổ phiếu (theo phương thức tái đầu tư cổ phiếu liên tục trong thời gian dài) là kênh đầu tư hấp dẫn nhất tại Việt Nam trong hơn 20 năm trở lại đây với tỉ suất lợi nhuận đạt 15,6%/năm. Con số này vượt trội so với tỉ số sinh lời của bất động sản nhà ở (11,9%), USD (2,2%), vàng (9%) và tiền gửi (8%).
Hiểu rõ tỉ suất lợi nhuận khi đầu tư giúp bạn dự báo trước mức tiền tích lũy đầu tư mình sẽ nhận được, tránh rơi vào các bẫy lừa đảo thông tin về các cổ phiếu có mức sinh lời siêu lợi nhuận trên 30% của các đối tượng xấu.
Thứ ba, 2 hình thức đầu tư phổ biến, được nhiều nhà đầu tư lựa chọn, bao gồm:
Đầu tư tích sản: Nhà đầu tư mua một mã cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, trái phiếu… một cách liên tục và đều đặn theo từng tháng cho đến khi đạt được số lượng theo mục tiêu đề ra.
Đây là hình thức tích lũy dài hạn, “ăn chắc mặc bền” vì tính an toàn cao với tỉ suất sinh lời ổn định. Giá trị cổ phiếu của bạn sẽ tăng trưởng theo tiến trình phát triển của doanh nghiệp phát hành cổ phiếu.
Bù lại, bạn phải nắm vững các kiến thức đầu tư, biến động thị trường tài chính, nhận định khả năng phát triển của các mã cổ phiếu, chứng chỉ quỹ để đầu tư hợp lý.
Tham gia quỹ đầu tư: Đây là loại hình đầu tư gia tăng lợi nhuận ổn định, an toàn dành cho những bạn trẻ không có nhiều kiến thức về tài chính, chưa có kinh nghiệm tham gia đầu tư và vốn đầu tư nhỏ.
Các hoạt động đầu tư, quản lý nguồn tiền đầu tư của bạn sẽ được ngân hàng đóng vai trò giám sát (supervisory banks).
Tại Việt Nam, thị trường nở rộ nhiều loại quỹ đầu tư khác nhau thuộc các nhóm quỹ cổ phiếu, quỹ trái phiếu với gần 50 quỹ đầu tư khác nhau. Giữa rất nhiều quỹ đầu tư, bạn nên lựa chọn các quỹ đầu tư có “tuổi đời” hoạt động lâu năm, mức độ uy tín, khả năng sinh lời cao dựa theo lịch sử hoạt động.
Tìm đâu chuyên gia mạng uy tín?
Nhiều người đặt câu hỏi liệu trên mạng xã hội có tồn tại chuyên gia tài chính uy tín?
Câu trả lời của tôi là có. Tuy nhiên, bạn cần chú ý lựa chọn và sàng lọc, chủ động tìm hiểu thông tin về chuyên gia cũng như chương trình, bối cảnh mà họ chia sẻ.
Theo đó, các chuyên gia uy tín thường được mời đến là diễn giả tại các hội thảo trực tuyến của các doanh nghiệp lớn. Họ sẽ là người có chuyên môn cao cùng nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực.
Một số nội dung thường thấy trong các sự kiện như vậy bao gồm: cách thức đầu tư an toàn, lưu ý khi đầu tư với nguồn vốn nhỏ...
Theo tôi, đây là kênh tham khảo thông tin đầu tư tài chính đáng tin cậy mà bạn không nên bỏ qua.
Mục Đời sống gửi đến độc giả gợi ý về những tác phẩm hay, mang hơi thở thời đại. Hội mê sách cũng có thể tìm thấy những bí kíp để "sống chất" hơn với sở thích của mình.