*Bài viết của ThS Nguyễn Đăng Lý
Hiện nay, nhiều phụ huynh vẫn còn tâm lý coi trọng bằng cấp nên dù con hổng kiến thức, họ vẫn muốn đi học văn hóa, tốt nghiệp đại học. Với họ, các trường nghề chưa hấp dẫn và e ngại rằng học viên sau tốt nghiệp khó tìm được việc làm tốt với mức lương ổn định.
Tỷ lệ học nghề còn thấp
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Thống kê và Bộ GD&ĐT, luồng học sinh tốt nghiệp THCS vào THPT mỗi năm khoảng 90-95% học sinh.
Điển hình, tại Quảng Ninh, luồng học lên THPT chiếm tỷ lệ lớn, trong khi đó luồng học lên giáo dục nghề nghiệp thấp. Tỷ lệ tốt nghiệp THCS đạt 99,6% nhưng chỉ có gần 15% học sinh sau THCS được phân luồng vào học các chương trình giáo dục nghề nghiệp.
Học sinh học nghề tại Cao đẳng Quốc tế TP.HCM. |
Theo đại diện Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, công tác phân luồng học sinh sau THCS nhận được nhiều sự quan tâm tại Nghị quyết 29/NQ-TW của Đảng và Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội, nhưng thực tế, việc phân luồng chưa đạt được mục tiêu của kế hoạch đề ra trước đó.
TP.HCM đang tăng cường các biện pháp phân luồng học sinh sau THCS. Theo lộ trình từ năm 2015 đến 2020, TP.HCM đặt mục tiêu 30% số học sinh tốt nghiệp THCS hoặc THPT sẽ học nghề tại các trường trung cấp hoặc trung cấp nghề. Thành phố cũng đặt mục tiêu đến năm 2020 giảm còn khoảng 60% học sinh tốt nghiệp THCS được vào học lớp 10 công lập.
Theo Nghị quyết 29/NQ-TW của Đảng và Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội, 30% phân luồng là đi học nghề. Năm 2019, TPHCM đề ra 70% học sinh sau THCS vào trường THPT công lập, 30% vào phân luồng.
Phân luồng học sinh sau THCS được xác định là giải pháp nâng cao chất lượng bậc học THPT và hướng tới nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tuy nhiên, thực tế việc thực hiện kế hoạch, lộ trình phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS vẫn gặp nhiều khó khăn.
Hầu như học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học lên THPT, sau đó thi vào đại học. Từ đó, tỷ lệ học sinh sau THCS sang học các hệ nghề nghiệp còn thấp so với chỉ tiêu đề ra. Điều này gây áp lực lớn cho các trường trung cấp chuyên nghiệp, trường nghề do tuyển sinh gặp khó khăn.
Theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, sau khi tốt nghiệp THCS, học sinh có nhiều hướng đi. Ngoài việc tiếp tục học THPT công lập, các em có các hướng đi chính như học THPT dân lập; học văn hóa rút gọn (7 môn) tại các trung tâm giáo dục thường xuyên; học nghề và học hệ 9+ tại các trường cao đẳng đang triển khai gần đây.
Phần lớn học sinh không tự tin để học tiếp THPT là do các em bị hổng nhiều kiến thức cơ bản nên không thi, hoặc thi không đỗ. Dù các em không vào được THPT công lập, nhiều phụ huynh vẫn không muốn con em vào học nghề. Họ cho con theo học văn hóa tại THPT dân lập hoặc các trung tâm giáo dục thường xuyên.
Hướng tiếp cận mới giúp phân luồng hiệu quả
Để phân luồng hiệu quả cho học sinh sau tốt nghiệp THPT, THCS, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp triển khai mô hình đào tạo nghề kép của Đức và mô hình KOSEN của Nhật Bản. Ngoài ra, hiện nay, các trường cao đẳng vận dụng và phát triển thành mô hình “9+ cao đẳng”.
Giáo viên hướng dẫn học sinh thực hành tại Cao đẳng Quốc tế TP.HCM. |
Hệ “9+ cao đẳng” là hình thức học văn hoá rút gọn 7 môn song song với học nghề nghiệp. Đào tạo hướng này, học văn hoá các em học sinh sẽ được giảm tải tối đa và dành thời gian còn lại để học nghề. Sau 4 năm (19 tuổi) học sinh sẽ được thi THPT để lấy bằng THPT quốc gia và lấy được bằng cao đẳng chính quy.
Mô hình này có tính mở cao trong hệ thống giáo dục. Người học vào học trình độ cao đẳng từ sau THCS theo hình thức cấp bậc trung cấp rồi đến cao đẳng. Sau khi tốt nghiệp ở trình độ cao đẳng, người học chỉ mất 1,5 năm ở ĐH hướng hàn lâm để lấy bằng đại học chính quy, đi làm hoặc du học nước ngoài. Khi đó, người học có thể học cao hơn lấy bằng thạc sĩ, tiến sĩ.
Hiện nay, ở bậc cao đẳng, các trường áp dụng 60-70% thời gian học là thực hành, tùy theo đặc điểm của từng trường. Chương trình đào tạo gồm 2 phần là đào tạo chung (văn hoá rút gọn 7 môn và phần môn chung ở bậc cao đẳng) và đào tạo chuyên môn nghề nghiệp.
Trong 4 năm học, các trường chia hai giai đoạn. Giai đoạn I, tỷ lệ học văn hóa tăng dần theo thời gian và ngược lại tỷ lệ học kiến thức chuyên môn giảm dần. Mục tiêu là học sinh có thể có đủ kiến thức học và thi THPT quốc gia.
Giai đoạn II là tập trung 100% thời gian học nghề nghiệp. Việc phát triển kỹ năng học tập được chú trọng ở 3 khía cạnh là học tập, trải nghiệm thực tế thực hành và hình thành nhân cách. Mỗi giai đoạn đều có mối quan hệ mật thiết, hỗ trợ người học phát triển năng lực nghề nghiệp theo nghĩa tự do khai phóng trí tuệ, phát huy sáng tạo.
Bình luận