Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phần mềm nghe lén điện thoại: Hiểm họa của bí mật đời tư

Cùng với sự bùng nổ của khoa học công nghệ, việc nghe lén điện thoại trở nên quá dễ dàng, bởi các thiết bị chuyên dụng trong đánh cắp thông tin được rao bán tràn lan trên mạng.

Xâm phạm bí mật an toàn thư tín, điện thoại, điện tín là hành vi nguy hiểm cho xã hội, bị coi tội phạm, nhất là những bí mật đó liên quan đến an ninh quốc gia. Bởi vậy luật pháp các nước đều nghiêm trị loại tội phạm này.

Gần đây nhất, một dòng sản phẩm mới đặc biệt nguy hiểm là phần mềm nghe trộm điện thoại đã "ra lò" và được chào bán công khai trên mạng. Với số tiền khá rẻ, kẻ theo dõi có thể nghe tường tận những nội dung đàm thoại của người mà chúng muốn nghe. Bất luận vì lý do gì, đây là hành vi cần nghiêm trị, từ người sử dụng đến kẻ phát tán ra thị trường những thiết bị kỹ thuật này.

Nếu nghe lén để làm gián điệp có thể bị tử hình

Việc dùng phần mềm truy cập bất hợp pháp vào điện thoại người khác để thu thập trái phép thông tin an ninh quốc gia, nhằm mục đích làm gián điệp có thể bị tử hình.

"Dễ như mua rau"

Chỉ cần gõ từ khoá "thiết bị nghe lén" trên google sẽ cho ra một con số giật mình là 816.000 kết quả trong vòng 0,16 giây. "Phân khúc thị trường" của dòng sản phẩm thiết bị công nghệ an ninh chuyên dụng được những kẻ chào bán hướng tới, đó là những người có nhu cầu theo dõi vợ, chồng mình với nghi án ngoại tình, các bậc cha mẹ muốn giám sát con cái đề phòng hư hỏng, theo dõi đối tác, địch thủ làm ăn...

Với những nhiễu động trong đời sống xã hội như hiện nay, nhu cầu khám phá bí mật của người khác ngày một tăng cao. Có cầu ắt có cung, các thiết bị an ninh bị cấm lưu hành trên thị trường ngày càng xuất hiện nhan nhản trên các trang web quảng cáo, rao vặt.

Dưới các hình ảnh thiết bị nghe lén, định vị, ghi âm trộm, quay phim chụp ảnh bí mật... là những lời chào hàng "ngọt như mía".

Kẻ bán còn khẳng định chắc chắn rằng "hàng" của chúng không thể bị phát hiện ra, bởi chủng loại đa dạng, ngụy trang trong hình dạng bên ngoài của những đồ vật "vô hại" khác, như giả pin ĐTDĐ, USB, móc đeo chìa khóa, thú nhồi bông, thậm chí như ổ cắm điện thông thường. Cần theo dõi ai, chỉ một động tác lén thả "đồ" vào nhà, vào xe ô tô, vào bàn làm việc, đồ vật quần áo, cặp xách là xong. Sau đó, từ bất cứ khoảng cách nào, người dùng có thể kích hoạt thiết bị hoạt động bằng nhiều cách, như gọi điện vào sim điện thoại lắp trong thiết bị. Và thế là, những điều cơ mật, riêng tư của người bị theo dõi sẽ đến tai kẻ cài đặt tức thì.

Dòng sản phẩm nghe lén điện thoại mới "ra lò" là một phần mềm gián điệp chuyên dụng. Nếu "khổ chủ" bị cài trộm phần mềm này vào máy điện thoại,  hoặc bị tấn công gây lây nhiễm virus chứa phần mềm này, lập tức máy điện thoại đã bị giám sát, theo dõi chặt chẽ. Bởi từ xa kẻ theo dõi có thể tùy ý bật camera, webcam, ghi âm tiếng động, theo dõi tin nhắn SMS, ghi âm cuộc gọi hai chiều… từ  máy "khổ chủ". Và rồi toàn bộ dữ liệu đó sẽ được mã hóa và tự động chuyển về cho người nghe lén qua hộp thư điện tử.

Sức tấn công của những thiết bị an ninh đang chào bán trái phép còn khủng khiếp đến mức, chúng có thể nghe xuyên tường, định vị xuyên tường. Chỉ cần ốp thiết bị đó vào tường, những âm thanh, tiếng động từ phòng bên cạnh sẽ được ăng ten thu thập, khuếch đại đến mức nghe rõ rồi tự động chuyển về máy điện thoại của người nghe lén, thông qua sim điện thoại lắp trong thiết bị.

Một vụ bắt thiết bị nghe lén từ xa.
Một vụ thu giữ thiết bị nghe lén từ xa.

Trở lại với thiết bị nghe lén, chỉ với giá dao động từ 600.000 đồng đến 3 triệu đồng với các loại thiết bị nghe lén, từ 8-12 triệu với các phần mềm nghe lén điện thoại, người dùng có thể dễ dàng kiểm soát mọi đối tượng cần theo dõi.

Nhiều người bán hàng trên mạng hay các công ty dịch vụ thám tử cho biết họ chỉ cung cấp các phần mềm, thiết bị nghe lén vì mục đích "hợp pháp", như để bảo vệ tài sản, công việc…, chứ không nhằm phá hoại, đánh cắp thông tin cá nhân. Thế nhưng, không ai dám chắc rằng các phần mềm, thiết bị này sẽ được sử dụng vào những mục đích minh bạch.

Đại tá Lê Hồng Sơn, Trưởng phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (PC50, Công an Hà Nội) cho biết việc tạo ra, cài đặt, tán phát những phần mềm gián điệp theo dõi thông tin của người khác là hành vi vi phạm pháp luật. Nếu được sử dụng vào mục đích chống phá Nhà nước, đó là hành vi xâm phạm đến an ninh quốc gia.

Lộ diện nhà cung cấp

Sau nhiều tháng theo dõi, mới đây trinh sát Đội 5 PC50 phối hợp với Thanh tra Sở Thông tin & Truyền thông Hà Nội, bắt tại chỗ Lê Văn Tám (trú tại Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân, Hà Nội), khi anh ta vừa cài đặt xong phần mềm nghe lén điện thoại và nhận tiền của một khách hàng tại một quán cà phê trên đường Ngụy Như Kon Tum, quận Thanh Xuân.

Tại cơ quan điều tra, Tám khai nhận do nghi ngờ vợ mình có quan hệ "ngoài luồng", đã nảy sinh ý định giám sát điện thoại di động của vợ. Tháng 1/2012, Tám lang thang trên mạng tìm kiếm phần mềm mspy có tính năng giám sát. Vốn là IT (kỹ sư công nghệ thông tin của Trường ĐHBK), Tám nhận ra ngay tính năng độc đáo của sản phẩm và nuôi ý tưởng kinh doanh phần mềm này. Anh ta đã liên hệ với công ty chủ quản của website này ở nước ngoài, đặt vấn đề được làm đại lý cung cấp phần mềm mspy tại Việt Nam.

Giao diện một trang web bán thiết bị nghe lén, chụp ảnh bí mật, ghi âm bí mật.
Giao diện một trang web bán thiết bị nghe lén, chụp ảnh bí mật, ghi âm bí mật.

Được chủ trang chấp thuận, Tám đã lập ngay một trang web riêng để giới thiệu và quảng bá sản phẩm. Khách hàng có nhu cầu giám sát điện thoại, chỉ cần bốc máy gọi cho Tám là được phục vụ chu đáo. Các bên sẽ hẹn gặp nhau, Tám sẽ  tải phần mềm từ website xuống điện thoại di dộng cần giám sát của khách. Cài đặt xong, anh ta sẽ cung cấp cho khách hàng tài khoản trên web để đăng nhập.

Khi phần mềm được cài đặt, nó tự động kích hoạt và chạy ngầm tại máy bị giám sát. "Phần mềm mspy" sẽ tự động thu giữ thông tin từ máy điện thoại bị giám sát và truyền về máy chủ lưu trữ dữ liệu tại web. Khách hàng được cấp tài khoản có thể truy cập vào web này để lấy thông tin.

Phần mềm này nguy hiểm ở chỗ có thể thu thập, lưu giữ mọi thông tin từ máy điện thoại bị giám sát, như tin nhắn đi, tin nhắn đến, cuộc gọi đi, cuộc gọi đến, định vị vị trí cụ thể GPS, viber, ảnh trong điện thoại, lịch sử truy cập web, backup dữ liệu điện thoại, danh bạ… Khách hàng có thể chọn gói cước hàng tháng từ 500 đến 1 triệu đồng, tùy vào chất lượng từng gói cước. Trước khi bị bắt, Tám đã bán phần mềm này cho khá nhiều khách hàng ở Hà Nội.

Trong một nỗ lực đấu tranh ngăn chặn nạn buôn bán hàng cấm, thiết bị công nghệ nhạy cảm có thể gây nguy hại cho an ninh trật tự, cuối năm 2013, Phòng PC50 đã phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội tiến hành khám phá đầu mối buôn bán, kinh doanh dòng sản phẩm này tại công ty TNHH Lê Gia T&T. Kết quả khám xét đã thu giữ hơn 3.000 thiết bị nghe lén, phá sóng điện thoại, các loại camera ngụy trang, thiết bị định vị…

Gần đây, công ty TNHH Dịch vụ và Phát triển điện tử viễn thông Thái Thắng (trụ sở tại Hà Nội và chi nhánh tại TP.HCM, Hải Phòng) - một "ông lớn" trong thị trường ngầm, cũng đã bị PC50 cùng ngành chức năng sờ gáy với hơn 70 kiện hàng chứa nhiều thiết bị nghe trộm, phá sóng điện thoại, camera mini… không có hóa đơn nguồn gốc xuất xứ.

Những động thái quyết liệt của các ngành chức năng Hà Nội trong thời gian qua đã khiến hoạt động mua bán các thiết bị công nghệ "nhạy cảm" lui vào hoạt động bí mật. Tại nhiều trang web có rao bán "đồ", khi chúng tôi gọi điện hỏi mua hàng, đều nhận được câu trả lời không bán nữa. Tuy nhiên, nếu qua kênh kết nối tin cậy, thì giao dịch mua bán vẫn diễn ra bình thường.

Điều 71 Luật Công nghệ thông tin về Chống virus máy tính và phần mềm gây hại quy định: Tổ chức, cá nhân không được tạo ra, cài đặt, phát tán virus máy tính, phần mềm gây hại vào thiết bị số của người khác để thực hiện một trong những hành vi sau đây:

1, Thay đổi các tham số cài đặt của thiết bị số;

2, Thu thập thông tin của người khác;

3, Xóa bỏ, làm mất tác dụng của các phần mềm bảo đảm an toàn, an ninh thông tin được cài đặt trên thiết bị số;

4, Ngăn chặn khả năng của người sử dụng xóa bỏ hoặc hạn chế sử dụng những phần mềm không cần thiết;

5, Chiếm đoạt quyền điều khiển thiết bị số;

6, Thay đổi, xóa bỏ thông tin lưu trữ trên thiết bị số;

7, Các hành vi khác xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng".

 

http://cstc.cand.com.vn/vi-VN/nguocsang/dendodo/2014/6/188277.cand

Theo T.Hiếu-N.Trâm/Cảnh Sát Toàn Cầu

Bạn có thể quan tâm