Sáng 13/11, VKSND tỉnh Phú Thọ tiếp tục đọc bản cáo trạng dài 235 trang, truy tố ông Phan Văn Vĩnh, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát và 91 bị cáo trong đường dây đánh bạc nghìn tỷ.
Bị cáo Nguyễn Thanh Hóa. Ảnh: Hoàng Hiệp. |
Sau hành vi đánh bạc, tổ chức đánh bạc, rửa tiền… công tố viên đề cập đến lời khai của Nguyễn Văn Dương về việc hối lộ ông Vĩnh và cấp dưới.
Tự giao nộp hơn 800 tỷ
Công tố viên cho biết cơ quan điều tra đã tạm giữ, kê biên của Nguyễn Văn Dương 2 sổ tiết kiệm 150 tỷ đồng, tạm giữ 4 ôtô, 95 triệu đồng, 1.300 USD và nhiều ngoại tệ, đồng thời phong tỏa hơn 8 tỷ đồng trong tài khoản ngân hàng.
Quá trình điều tra, Dương tự nguyện bán trụ sở Công ty CNC để nộp hơn 61 tỷ đồng. Vợ bị cáo này cũng tự nguyện nộp hơn 4 tỷ đồng để khắc phục hậu quả.
Đối với Phan Sào Nam, sau khi bị bắt, bị cáo và người thân nộp lại số tiền hưởng lợi bất chính. Đến nay, cơ quan điều tra tạm giữ 5 ôtô, 821 tỷ đồng, trong đó số tiền bị cáo tự giao nộp là gần 800 tỷ.
Bị cáo Phan Sào Nam. Ảnh: Hoàng Hiệp. |
Ngoài ra, cơ quan chức năng đã phong tỏa 77 tỷ đồng trong các tài khoản ngân hàng của Nam, kê biên 2 căn nhà trị giá hơn 12 tỷ đồng và phong tỏa 13 hợp đồng mua căn hộ trị giá gần 140 tỷ đồng.
Khi khám xét nơi ở của ông Nguyễn Thanh Hóa, cảnh sát thu giữ một số tài liệu nhưng chưa thấy có dấu hiệu liên quan vụ án. Cựu Cục trưởng C50
Với ông Phan Văn Vĩnh, cơ quan công an thu giữ hộp chứa tài liệu, 6 USB.
Gửi tiền ra nước ngoài
Theo cáo trạng, sau khi được hưởng lợi từ hoạt động tổ chức đánh bạc, Phan Sào Nam chuyển cho dì ruột Phan Thu Hương 236 tỷ đồng để gửi tiết kiệm và mua bất động sản; chỉ đạo Đỗ Bích Thủy rút 50 tỷ gửi tiết kiệm; góp hơn 92 tỷ đồng vào một số công ty và nhờ người thân gửi tiết kiệm hoặc cất giữ.
Ngoài ra, Nam nhờ người quen đứng tên mua 15 căn hộ tổng trị giá 150 tỷ đồng; gửi ngân hàng ở Singapore 3,5 triệu USD. Phan Sào Nam còn khai nhờ bạn cất giữ vàng, USD tổng trị giá 680 tỷ. Tuy nhiên, những người này đã bỏ trốn nên cảnh sát chưa làm rõ.
Còn Nguyễn Văn Dương, sau khi thu lời bất chính 1.655 tỷ đồng, bị cáo này tìm cách rửa tiền
Với thủ đoạn quay vòng tiền để nâng vốn, Dương chỉ đạo nhân viên gửi 24 tỷ vào tài khoản anh ta, rồi chuyển tiền vào Công ty UDIC và tiếp tục chuyển cho 3 công ty trên. Cuối cùng, 3 công ty rút tiền, chuyển vào tài khoản của Dương để bị cáo này tiếp tục quay vòng tiền.
Trong 2 năm, vốn điều lệ của UDIC thể hiện tăng 1.400 tỷ nhưng thực tế không tăng đồng nào. Để rửa tiền, Dương còn có 33 lần góp 330 tỷ đồng vào BOT Bắc Giang - Lạng Sơn. Tuy nhiên, Dương chỉ góp 23 tỷ trên thực tế, số còn lại là tiền ảo do việc nộp khống vào Công ty UDIC mà có. Năm 2017, Dương bán cổ phần công ty UDIC để lấy tiền gửi tiết kiệm và mua bất động sản.
Biếu Rolex và hàng chục tỷ đồng
Tại cơ quan điều tra, Nguyễn Văn Dương khai đã sử dụng một phần lợi nhuận từ việc tổ chức đánh bạc để tặng cho các cá nhân, tập thể.
Dương khai đưa cho ông Vĩnh 27 tỷ đồng và 1,7 triệu USD. Ngoài ra, trùm cờ bạc còn biếu Tết cho ông Vĩnh 150.000 USD, tặng đồng hồ Rolex 7.000 USD.
Dương còn khai nhiều lần tổ chức sinh nhật cho ông Vĩnh, bị cáo mang những chai trị giá 100 triệu đồng và nhiều lần đi tiếp khách có sự tham gia của cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, với chi phí trên 10 tỷ đồng.
Bị cáo Phan Văn Vĩnh, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát. Ảnh: Hoàng Hiệp. |
Ngoài ra, Dương khai còn đưa cho ông Nguyễn Thanh Hóa 22 tỷ đồng và ủng hộ C50 bộ phần mềm giá 30.000 USD.
Dương cũng khai cho C50 hơn 800 triệu đồng, trong đó hỗ trợ Tết là 700 triệu đồng. Riêng khoản này, Nguyễn Thanh Hóa thừa nhận đã gợi ý để nhóm điều hành đánh bạc biếu quà Tết và đề nghị gia đình nộp lại 700 triệu đồng.
Đến nay, ông Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa và các cán bộ phủ nhận lời khai của Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam. Chưa đủ căn cứ xác định các bị cáo hưởng lợi cá nhân nên cơ quan điều tra đã tách hành vi này để điều tra, xử lý riêng.