Cô bé bị một nhóm bạn cùng lớp dồn vào góc và bạo lực. Ảnh: SCMP. |
Theo SCMP, ông bố (sống tại một huyện ở tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc) đã chia sẻ video quay con gái 6 tuổi lên trang TikTok của mình. Trong video, cô bé bày tỏ không muốn đến trường sau khi bị một nhóm bạn cùng lớp dồn vào góc và bạo lực. Các bác sĩ xác nhận cô bé bị gãy một chiếc răng cửa.
Ngược lại với phản ứng đau đớn của đứa trẻ, ông bố tỏ ra bình tĩnh. Trong một video tiếp theo được đăng vào ngày 16/10, ông cho biết nhà trường và các cơ quan liên quan đã nhanh chóng giải quyết vụ việc. Kẻ bắt nạt và phụ huynh cũng đã xin lỗi bé gái.
Ông bố nói không đổ lỗi cho nhà trường, khẳng định rằng "chủ yếu là cha mẹ phải chịu trách nhiệm về việc giáo dục con cái". Ngoài ra, ông quyết định không đòi bồi thường từ phía phụ huynh của kẻ bắt nạt.
Không nêu rõ lý do, người bố chỉ nói rằng gia đình ông sống ở một huyện nhỏ có 210.000 dân, ngụ ý việc gây thù là điều không khôn ngoan. Ông cũng lưu ý pháp luật không bắt trẻ em 7-8 tuổi chịu trách nhiệm hình sự, vậy nên theo đuổi vấn đề này đến cùng là "vô nghĩa".
Ở Trung Quốc, độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự là từ 16. Trẻ vị thành niên từ 12 tuổi trở lên chỉ chịu trách nhiệm hình sự đối với các tội nghiêm trọng như cố ý giết người hoặc gây thương tích, và phải được Viện kiểm sát nhân dân tối cao phê duyệt.
Hiện tại, nhà trường và chính quyền địa phương đều chưa có thông báo công khai về vụ việc. Ông bố cho biết vẫn tiếp tục cho con học tại trường và lớp đó.
Ngày 17/10, ông đăng tải một video khác lên TikTok, nội dung là hỏi ý kiến con gái có muốn chuyển đến lớp hoặc trường khác không. Cô bé dứt khoát trả lời "không", bày tỏ sự miễn cưỡng nếu phải theo học một ngôi trường xa lạ. Ông nhận xét rằng con gái mình "mạnh mẽ và có khả năng tự đưa ra quyết định".
Tuy nhiên, ông bố đã nhận về nhiều chỉ trích trên mạng xã hội vì "quá bình tĩnh, giống như người xa lạ". Nhiều người không đồng ý với cách xử lý tình huống của ông.
"Bạn đã không hoàn thành trách nhiệm của mình với tư cách là một người cha. Bạn đã không bảo vệ con gái mình", một người bình luận.
"Thật tội nghiệp cho cô bé khi có một người cha không đứng lên bảo vệ mình. Những kẻ bắt nạt sẽ nhắm mục tiêu vào cô bé nhiều hơn nếu không bị xử lý", người khác nói thêm.
Theo SCMP, một nghiên cứu do sinh viên Đại học Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải thực hiện chỉ ra Trung Quốc chưa có nhiều thống kê chính thức về bạo lực học đường.
Một nghiên cứu năm 2018 của các nhà nghiên cứu tại Đại học Tây Nam cho thấy hơn một nửa số học sinh ở các vùng nông thôn cho biết họ từng bị bắt nạt.
Trên mạng xã hội, nhiều nạn nhân bạo lực học đường cho biết họ vẫn phải chịu đựng tổn thương tinh thần dù đã trưởng thành. Tuy nhiên, các tài liệu pháp lý công khai chỉ ra nạn nhân có xu hướng muốn bồi thường thương tích về thể xác hơn là đòi công lý cho tổn thương tinh thần.
Sách dành cho thời thanh xuân đã qua của bạn
Dành cho những độc giả muốn hoài niệm về một thời thanh xuân đã qua (hoặc chưa từng qua), mục Giáo dục trân trọng giới thiệu Ai đó chạy cùng ta, câu chuyện về tình yêu, về tuổi trẻ "tuột xích", về hành trình trưởng thành, đặt trong bối cảnh xã hội Israel hiện đại; hay Nắp biển, một lời tự sự của người ưa hoài niệm trong những khoảnh khắc cô đơn chỉ biết nhớ về những điều đã cũ; hoặc thân thuộc hơn, 8 bộ manga nổi tiếng về chủ đề thanh xuân.